Theo nhà sử học Pháp Pierre Journoud, "Chủ tịch Hồ Chí Minh có vị trí to lớn trong lịch sử giải phóng dân tộc và thuộc địa ở thế kỷ XX. Nhìn vào hành trình của Người, với 30 năm bôn ba nước ngoài để tiếp thu văn hóa của nhiều quốc gia và nhiều nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là việc tiếp cận với nền văn hóa chính trị cho phép Người sau này đấu tranh chống lại sự thống trị của thực dân, có thể thấy đó là một hành trình thật sự đáng kinh ngạc. Với hành trang đó, Người đã trở về nước một cách bí mật vào năm 1941, trong thời kỳ đầu của Chiến tranh thế giới thứ hai, để tổ chức lực lượng kháng chiến nhằm chống lại thực dân Pháp và hiện thực hóa giấc mơ lớn lao: Giành độc lập và thống nhất cho Việt Nam”. Nhà sử học Pierre Journoud cho rằng vị trí của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thế kỷ XX, đặc biệt trong phong trào giải phóng dân tộc, là cực kỳ quan trọng.
Nhà sử học Pháp Alain Ruscio. |
Cũng có tình cảm ngưỡng mộ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sử học Pháp Alain Ruscio chia sẻ: "Tôi cho rằng cách Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó với nhân dân mình gần như độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại, hoặc chí ít cũng là vô cùng hiếm hoi. Đã có sự gắn kết thực sự, tạo thành thể thống nhất, một sự hòa trộn giữa Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam, đơn giản vì ông là một người con của dân tộc này và chưa bao giờ phản bội họ. Ông luôn gắn bó sâu sắc với nhân dân và cuộc đấu tranh ấy".
Còn với ông Fabien Roussel, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp (PCF), "Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam giành được độc lập dân tộc. Mặc dù Người đã qua đời vào năm 1969 nhưng chính Người đã khởi xướng cuộc đấu tranh giành độc lập từ thời kỳ Đông Dương. Giữa Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Pháp có mối liên hệ rất sâu sắc, bởi vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có mặt tại Đại hội Tours năm 1920, thời điểm thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự hiện diện của Người rất quan trọng đối với Đảng Cộng sản Pháp, vì Người đã nói với chúng tôi về chế độ thực dân, về những nỗi kinh hoàng của chủ nghĩa thực dân mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng. Nhưng bản thân Người cũng học hỏi được nhiều điều từ các cuộc thảo luận, từ tình hữu nghị giữa các dân tộc, giữa những người lao động, cùng chung khát vọng thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân. Tất cả điều đó đã hình thành nên một mối liên hệ rất bền chặt giữa chúng ta, kéo dài cho đến ngày nay”.
TTXVN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
Nguồn: https://baodaknong.vn/135-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-hoc-gia-va-ban-be-phap-danh-gia-cao-vai-tro-cua-nguoi-252899.html
Bình luận (0)