Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

50 năm ngày thống nhất và chuyện về những bước chạy tự do của VĐV 73 tuổi

TPO - Chú Phạm Quốc Lương là một trong những vận động viên đặc biệt nhất của Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 66 - năm 2025 (Tiền Phong Marathon 2025). Ở tuổi 73, chú vẫn chinh phục cự ly 42km và tạo nên câu chuyện đầy cảm hứng.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong05/04/2025

50 năm ngày thống nhất và chuyện về những bước chạy tự do của VĐV 73 tuổi ảnh 1

Gần một tuần sau khi trở về từ Tiền Phong Marathon 2025, chú Phạm Quốc Lương vẫn chưa thể chạy lại. Đôi chân 73 tuổi của chú vẫn cần được nghỉ ngơi sau những bước chạy đầy phấn khích ở Quảng Trị, mà như chú nói, là “bước chạy của tự do”.

“Một kỷ niệm không thể nào quên”, chú Lương kể với phóng viên báo Tiền Phong, giọng đầy hào hứng, “Chú chạy bộ khoảng 5 năm nay. Ban đầu chỉ muốn chạy cho khỏe rồi chú may mắn gặp các thành viên của Phú Mỹ Hưng Runner, sau đó bị cuốn theo đám trẻ, từ 5km lên 10km, 21km rồi 42km.

Chú đã nhiều lần chạy 42km, nhưng đây là lần đầu tiên chạy trong điều kiện mưa phùn, trời cũng hơi se lạnh. Chính vì thế chú không có cảm giác khát nước. Mặc dù mang theo một chai nước bên mình nhưng chú không có nhu cầu uống. Và cũng không ghé vào các trạm tiếp nước.

Khi đã chạy được 4 tiếng, chú muốn tăng tốc để về đích sớm. Bỗng nhiên đôi chân chú nặng trĩu. ‘Ủa sao kỳ vậy, mình đã bị như vậy bao giờ đâu’, chú tự hỏi. Không thể chạy được nữa, chú buộc phải đi bộ. Một hồi thấy đỡ hơn, chú lại tiếp tục chạy. Phải mất 30 phút sau chú mới về đích, thành ra kết quả không như mong đợi. Trước chú chạy ở giải Long Biên đạt 4 giờ 24 phút, là thành tích tốt nhất cho đến giờ”.

50 năm ngày thống nhất và chuyện về những bước chạy tự do của VĐV 73 tuổi ảnh 250 năm ngày thống nhất và chuyện về những bước chạy tự do của VĐV 73 tuổi ảnh 3

Chú Phạm Quốc Lương hoàn tất cự ly 42km bất chấp "đôi chân cứng ngắn" trong những km cuối.

Chú Lương nói, sau này Kha Ly (nữ vận động viên về nhất cự ly 42km nữ phong trào độ tuổi 30-39) mới giải thích, tại chú không chịu uống nước, nước điện giải, dẫn đến bị vọp bẻ (chuột rút). “Đúng thế thật”, chú cười, “Lúc về đích chân chú cứng ngắc, may được đội ngũ y tế chăm sóc nhiệt tình, vừa xịt lạnh vừa xoa bóp, sau đó đưa nước bảo uống nhiều vô. Điều này khiến Tiền Phong Marathon 2025 trở thành kỷ niệm nhớ mãi, đồng thời mang lại cho chú bài học kinh nghiệm cho những lần sau, dù khát hay không khát vẫn phải uống nước”.

Đây là lần thứ ba chú Lương tham gia Tiền Phong Marathon. Lần đầu tiên tại Côn Đảo, khi ấy chú mới bắt đầu chạy bộ nên chỉ đăng ký cự ly 10km. Kế tiếp là ở Phú Yên vào năm ngoái. Với chú, lần nào chạy tại Tiền Phong Marathon cũng vô cùng phấn khích.

“Chú vẫn biết Tiền Phong Marathon là một giải truyền thống, và rất mạnh”, chú Lương chia sẻ, “Nhưng ấn tượng nhất, cũng là điều hiếm có giải nào có được, chính là rất đông mọi người cổ vũ. Người dân dọc hai bên đường đều chạy ra reo hò, vẫy chào vui lắm. Nhiều nơi còn đặt thùng nước lọc tận tình mời các vận động viên uống. Tình cảm nồng hậu này thực sự trân quý. Và nó cũng khiến tinh thần các runner thêm hưng phấn, thêm năng lượng để chạy quên mệt mỏi”.

50 năm ngày thống nhất và chuyện về những bước chạy tự do của VĐV 73 tuổi ảnh 450 năm ngày thống nhất và chuyện về những bước chạy tự do của VĐV 73 tuổi ảnh 550 năm ngày thống nhất và chuyện về những bước chạy tự do của VĐV 73 tuổi ảnh 6

Những khoảnh khắc đáng nhớ của vận động viên 73 tuổi thuộc CLB Phú Mỹ Hưng Runner.

Chú cười: “Chắc cũng vì hào hứng, rộn rã quá nên chú không thèm uống nước. Nhìn thấy bà con, chú giơ tay vẫy chào họ. Ai cũng ngạc nhiên, chỉ trỏ, nói sao già vậy cũng chạy. Rồi dọc cung đường chạy tràn ngập cờ Tổ quốc, trong khi rất nhiều vận động viên mặc trang phục bộ đội cụ Hồ, tay cầm quốc kỳ phấp phới, cảm giác khó tả lắm”.

50 năm trước, chú Lương cũng như nhiều người dân miền Nam phải sống dưới chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Để phản đối, chú quyết không đi lính cho Mỹ - ngụy. Cũng chính vì trốn lính, chú không có được sự tự do cho đến ngày giải phóng.

“Chú nhớ khoảng ngày 28, 29/4/1975 bộ đội ta đã tiến vào Sài Gòn”, chú Lương kể lại, “Chú cùng mọi người tràn ra đường chào đón, trong khi lính Việt Nam Cộng hòa trút bỏ áo lính, đồ quân nhu, súng ống vứt vương vãi đầy đường. Nhà chú ở Phú Nhuận, đầu hẻm có nhà người bạn, bình thường không ai biết ông bố là người Cách mạng. Tới lúc ấy thấy ổng mang cờ Mặt trận Giải phóng đi dọc phố tuyên bố miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tất cả mới biết, ai cũng phấn khởi”.

50 năm ngày thống nhất và chuyện về những bước chạy tự do của VĐV 73 tuổi ảnh 7

Chú Lương sung sướng trên vạch đích với lá cờ của Phú Mỹ Hưng Runner. (Ảnh: Dương Triều)

Sau khi đất nước thống nhất, chú Lương làm bên đường sắt Sài Gòn, thuộc đội cầu 2, đi sửa chữa các mố cầu bị hỏng hóc vì chiến tranh. “Tiếc nhất là lúc khai thông tuyến đường sắt Bắc - Nam thống nhất (cuối năm 1976, đầu năm 1977), chú đang làm nhiệm vụ tuần tra đường ray và không ở thành phố. Vì vậy chỉ nhìn đoàn tàu chạy ngang qua, không được ở nhà ga chứng kiến thời khắc lịch sử, đón con tàu từ Bắc vô”.

Bây giờ nhìn lại, sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chú Lương tự hào bởi “đất nước mình hùng mạnh, với thế hệ mới, con người mới tràn đầy nhiệt huyết cũng như tình yêu quê hương đất nước”.

Theo chú, biết bao nhiêu bước chân gian khổ của những người đi trước để chúng ta có được những bước chạy tự do như hiện tại. Và Tiền Phong Marathon 2025 giống như một lời tri ân, khi những bước chạy tự do cùng ca khúc khải hoàn.

Nguồn: https://tienphong.vn/50-nam-ngay-thong-nhat-va-chuyen-ve-nhung-buoc-chay-tu-do-cua-vdv-73-tuoi-post1731243.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đoàn kết quốc tế - Nguồn sức mạnh cho Việt Nam chiến thắng
Diện mạo TPHCM sau 50 năm thống nhất đất nước
Lịch trình 24 giờ ăn chơi ở Bắc Ninh
Nồng nhiệt đón chào những bóng hồng diễu binh, diễu hành đến Biên Hòa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm