Chiến sỹ Phân đội 2 pháo binh quân Giải phóng Quảng Ngãi lấy pháo 105mm của địch đánh địch, góp phần giải phóng hoàn toàn thị xã Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Dương Đức Quảng/TTXVN)
Trong cuốn hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng,” Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Sáng ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp mở rộng. Đây là cuộc họp lịch sử bàn về đòn chiến lược thứ ba, đòn cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy."
Hội nghị đã nhận định: Cả về thế chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo quân địch, còn địch thì đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong.
Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không thể cứu văn được nguy cơ sụp đổ đến nơi của ngụy.
Cuộc tổng tiến công chiến lược đã giành được thắng lợi cực kỳ to lớn, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hai quân đoàn địch, giải phóng 12 tỉnh, đưa số dân vùng giải phóng lên gần tám triệu.
Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ chiến lược để tiến hành cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa đã chín muồi.
Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.
Với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, bất ngờ, táo bạo, chắc thắng, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, không thể để chậm.
Phải gấp rút tăng lực lượng vào phía Tây Sài Gòn, thực hiện bao vây và chia cắt chiến lược, triệt hẳn đường 4, áp sát Sài Gòn; đồng thời nhanh chóng tập trung lực lượng ở hướng đông và đông nam, đánh chiếm những mục tiêu quan trọng, thực hiện bao vây cô lập Sài Gòn từ hướng Long Khánh, Bà Rịa, Vũng Tàu…
Từ cuộc họp ngày 31/3/1975, số phận của chế độ Sài Gòn đã được định đoạt. Quyết tâm của Bộ Chính trị cổ vũ mạnh mẽ nhiệt tình cách mạng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Tất cả cho ngày toàn thắng.
Cũng trong ngày 31/3/1975, tại Bình Ðịnh, vào lúc 5h15, diễn ra trận công kích toàn diện của ta vào toàn bộ tuyến phòng thủ của địch ở đây. Trung đoàn 12 và Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 đánh cụm quân địch.
Trung đoàn 95A đánh vào Phú Phong. Sư đoàn 968 tiếp tục tiến công địch ở núi Trà Lam Sơn. Một mũi của Sư đoàn 968 thọc sâu đánh chiếm và giải phóng thị xã Ðập Ðá, cắt đường số 1.
Vốn đã hoang mang dao động, quân địch tháo chạy hỗn độn. 20h ngày 31/3, các cánh quân của ta tiến vào thị xã Quy Nhơn.
Số quân địch trấn giữ các căn cứ trong nội ô tổ chức kháng cự không thành công, tìm đường tháo chạy. Tỉnh Bình Định hoàn toàn giải phóng.
Tại Phú Yên, ngày 31/3, được dân quân du kích dẫn dường, Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 tiến công cứ điểm Hòn Một; Tiểu đoàn 8 đánh chiếm đoạn đường 1 từ Phú Khê đến cầu ván Hòa Xuân.
Cùng lúc đó ở Bắc Phú Yên, dân quân du kích và bộ đội địa phương đánh chiếm cầu Ngân Sơn, cắt Quốc lộ 1 ở phía Nam Tuy An, không cho địch dồn rút về thị xã, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực tiến công Tuy Hòa.
Cùng ngày, Trung đoàn 48 và Trung đoàn 9 khẩn trương triển khai lực lượng tiến công địch ở thị xã Tuy Hòa.
Tại Khánh Hòa, để nhanh chóng đập tan "lá chắn" đèo Phượng Hoàng, sáng sớm ngày 31/3, Sư đoàn 10 tập trung sức mạnh của các đơn vị xe tăng, pháo binh, cao xạ tiến công Lữ đoàn dù ở cầu 24, cách trung tâm huấn luyện Lam Sơn 3km, tiêu diệt và làm tan rã 600 tên.
Số sống sót phần bị du kích và đồng bào địa phương uy hiếp, số còn lại chạy dạt qua quốc lộ 1 về Hòn Khói. Ngay trong đêm 31/3, lữ đoàn dù số 3 của địch hoàn toàn bị tan rã.
Trong khi đó, tại Ninh Hòa, chiều 31/3, đội vũ trang công tác xã Ninh Diêm đã huy động quần chúng nổi dậy giải phóng xã tiếp đó phát triển cùng với lực lượng quần chúng chiếm lĩnh và giải phóng toàn bộ khu vực Hòn Khói.
Trong đêm 31/3, biết không thể giữ nổi Nha Trang, công chức và sĩ quan tại đây tự động di tản, lính ở trường hạ sỹ quan Ðồng Ðế cũng tháo chạy trong đêm.
Quân Giải phóng tiến vào huyện lỵ Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). (Ảnh: Thanh Tụng/TTXVN)
Tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đúng 4h sáng ngày 31/3/1975, Ban khởi nghĩa Lý Sơn phát lệnh cho các xã, các tổ tuyên truyền, cổ động đi khắp đảo vận động toàn dân nổi dậy giành chính quyền và được đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng.
Đến 7h15 cùng ngày, bốn quả mìn của ta bố trí trên các đỉnh núi nổ vang uy hiếp tàu thuyền của địch bao vây trên Đảo.
Cờ giải phóng phất phới bay trên năm đỉnh núi và các ngả đường, truyền đơn, áp phích cách mạng được rải và dán khắp nơi.
Toàn dân xuống đường hô vang khẩu hiệu chống Mỹ-Ngụy, ủng hộ cách mạng và xông vào chiếm lĩnh các cơ quan, đồn bốt của ngụy quân, ngụy quyền, tịch thu tài liệu, vũ khí, tàn quân hốt hoảng kéo nhau tháo chạy ra khỏi đảo và Lý Sơn được hoàn toàn giải phóng…/.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/50-thong-nhat-dat-nuoc-ngay-3131975-giai-phong-tinh-binh-dinh-va-dao-ly-son-o-quang-ngai-post1023703.vnp
Bình luận (0)