Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Áp lực điểm thi lớp 10, tiến sĩ nhắc chuyện "chắc chắn đỗ nhưng lại trượt"

(Dân trí) - Bên cạnh những niềm vui, năm nay có khoảng 22.000 học sinh Hà Nội sẽ rớt khỏi lớp 10 công lập.

Báo Dân tríBáo Dân trí06/07/2025

Cú sốc tuổi 15 

Khi có điểm thi lớp 10 ở Hà Nội, mạng xã hội trở thành nơi “đại hội niềm vui” của phụ huynh, giáo viên chia sẻ con, học trò thi đỗ vào trường chuyên, trường top hay những ngôi trường như mong muốn.

Áp lực điểm thi lớp 10, tiến sĩ nhắc chuyện chắc chắn đỗ nhưng lại trượt - 1

Học sinh ở TPHCM tham dự thi kỳ thi vào lớp 10 năm nay (Ảnh: Hoài Nam).

Khi đón nhận kết quả trúng tuyển, nhiều gia đình và thí sinh như được trút gánh nặng lâu nay, thậm chí như được... thở trở lại.

Bởi kỳ thi này được xem là kỳ thi quan trọng hàng đầu và cũng là kỳ thi áp lực bậc nhất không chỉ với học trò mà còn với cả gia đình các em.

Năm nay, Hà Nội có hơn 103.000 học sinh cạnh tranh 81.000 suất học công lập, tỷ lệ trúng tuyển là 78,6%. Nếu so với 127.000 học sinh lớp 9 năm học 2024-2025 của Hà Nội, tỷ lệ vào khoảng 64%.

Bên cạnh những niềm vui hân hoan, năm nay, có khoảng 22.000 học sinh Hà Nội ở độ tuổi 15 rớt khỏi kỳ thi này.

Đối diện với tiếng cười, niềm vui trúng tuyển là những giọt nước mắt, nỗi buồn của hàng chục ngàn thí sinh thi rớt hoặc không trúng vào nguyện vọng mong muốn.

Tại TPHCM, so với nhiều năm qua, kỳ thi vào lớp 10 năm nay được xem là dễ thở nhất khi số thí sinh dự thi giảm và chỉ tiêu.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của TPHCM năm 2025 có hơn 76.000 thí sinh đăng ký, trong khi đó, tổng là hơn 70.000 học sinh, tỷ lệ trúng tuyển khoảng 92%. Nếu tính giữa số thí sinh tham dự và chỉ tiêu, chỉ có khoảng hơn 6.000 thí sinh rớt khỏi kỳ thi này.

Nhưng không chỉ là những con số, sau mỗi học sinh thi rớt hoặc trượt nguyện vọng mong muốn là tâm tư, nỗi buồn, là sự căng thẳng và cả những cú sốc quá sức mà các em phải đối mặt.  

Áp lực điểm thi lớp 10, tiến sĩ nhắc chuyện chắc chắn đỗ nhưng lại trượt - 2

Thi lớp 10 được xem là kỳ thi khốc liệt nhất cuộc đời học trò (Ảnh: Hoài Nam).

Sau khi TPHCM công bố điểm thi, điểm chuẩn, trên các diễn đàn, bên cạnh những niềm vui chuẩn bị nhập học vào ngôi trường mơ ước còn là tâm trạng của những học trò thi rớt hoặc trượt vào nguyện vọng mong muốn. Có em giam mình trong phòng, không dám đối mặt với người thân, không biết phải đối diện thế nào…

“Trường phải mang kiệu đến rước”, rồi... rớt

TS tâm lý Đào Lê Hoà An, nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp 4.0 Jobway, nhắc về trường hợp người bạn của mình - một trong những học trò xuất sắc nhất trường.

Trước kỳ thi lớp 10, mọi người vẫn hay nói về bạn “giỏi như nó các trường phải mang kiệu đến rước”. Thế nhưng, bạn ấy… rớt. 

Áp lực điểm thi lớp 10, tiến sĩ nhắc chuyện chắc chắn đỗ nhưng lại trượt - 3

TS Đào Lê Hoà An từng rớt nguyện vọng 1 trong kỳ thi lớp 10 (Ảnh: FBNV).

Chính ông An là một học sinh giỏi, năm đó trong kỳ thi lớp 10, ông rớt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Như bao học trò, ông cũng phải đối mặt với nỗi buồn rớt khỏi ngôi trường mong muốn.

Sau đó, ông học tại một trường THPT gần nhà theo nguyện vọng 2 mà chính ông lúc đó cũng không biết trường này thế nào vì đinh ninh “mình đậu nguyện vọng 1”.

Đến khi nhập học, ông An nhớ lại mình đã có những năm tháng thanh xuân thật đẹp cùng bạn bè và thầy cô nơi đây cùng nhiều hoạt động Đoàn, hội - những nền tảng để ông phát triển sự nghiệp sau này.

Quá trình đó, ông An nhận ra, nếu học ở một môi trường quá sức mình, có thể không phù hợp và mỗi người khó phát huy được năng lực của bản thân. Việc thi rớt hay những ngã rẽ trong cuộc sống có thể đặt chúng ta vào nơi mình thuộc về mình, nơi phù hợp nhất với mình.

Nhất là ở bậc THPT, không chỉ là chuyện học mà một ngôi trường cần nhiều hoạt động đoàn thể, câu lạc bộ, hoạt động ngoại khoá, nghề nghiệp… mới là những thứ giúp học sinh phát huy khả năng.

Điều quan trọng nhất là mỗi học sinh nỗ lực hết mình, hết sức, có mục tiêu rõ ràng dù học trường tư, giáo dục thường xuyên hay trường nghề…

Trước kỳ thi lớp 10 và mọi kỳ thi khác, hầu như thí sinh và phụ huynh chỉ đặt ra tình huống “đậu” mà quên mất chuẩn bị tâm lý cho việc “rớt”.

Theo tiến sĩ An, việc đậu rớt trong một kỳ thi là lẽ thường. Học sinh, phụ huynh cũng cần đặt ra cho mình tình huống “rớt” để có sự chuẩn bị tâm lý tốt nhất. Điều này giúp tránh những phản ứng đau lòng từ thí sinh, cũng như để chuẩn bị cho các em những con đường, cánh cổng khác.

Áp lực điểm thi lớp 10, tiến sĩ nhắc chuyện chắc chắn đỗ nhưng lại trượt - 4

Để học sinh vượt qua áp lực của các kỳ thi điều cần nhất là sự đồng hành của phụ huynh (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Bà Nguyễn Khánh Chi, một phụ huynh ở TPHCM chia sẻ, sự khốc liệt của kỳ thi lớp 10 là thực tế học sinh đang phải đối mặt. Khi sự khốc liệt này vẫn còn đó, điều quan trọng nhất để các em vượt qua cú sốc thi rớt là sự đồng hành, chia sẻ từ bố mẹ, gia đình.

“Để làm sao, khi kết quả không như mong muốn, các em vẫn có thể tự tin thông báo “Con rớt rồi” chứ không phải sự hoang mang, sợ hãi. Các con có quyền được thi rớt”, bà Chi nói.

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/ap-luc-diem-thi-lop-10-tien-si-nhac-chuyen-chac-chan-do-nhung-lai-truot-20250706084757831.htm


Chủ đề: kỳ thi lớp 10

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm