Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ba Tơ: Nâng tầm sản phẩm OCOP

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và các chủ thể, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở huyện Ba Tơ được triển khai ngày càng hiệu quả. Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao của huyện được thị trường ưa chuộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Báo Quảng NgãiBáo Quảng Ngãi23/04/2025

Hình thành sản phẩm đặc trưng

Hơn 1 năm trước, sản phẩm gạo rẫy Phát Huy của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ba Tô được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Từ đó đến nay, các thành viên của HTX đã chủ động đổi mới mẫu mã, bao bì, đẩy mạnh kết nối thị trường. Đặc biệt, năm 2024, sản phẩm đã lên sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Ba Tô Phạm Thị Vút cho hay, sản phẩm gạo rẫy Phát Huy được đồng bào Hrê canh tác theo phương pháp tự nhiên, giàu dinh dưỡng nên rất được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Hiện nay, ngoài 10 mẫu ruộng của HTX, đơn vị còn mở rộng diện tích thông qua liên kết với nông hộ. Ngoài ra, HTX còn chế biến sản phẩm gạo rẫy sấy giòn, bột gạo rẫy nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Nhân viên Hợp tác xã Nông nghiệp xã Ba Tô (Ba Tơ) đóng gói sản phẩm gạo rẫy Phát Huy.

Nhân viên Hợp tác xã Nông nghiệp xã Ba Tô (Ba Tơ) đóng gói sản phẩm gạo rẫy Phát Huy.

Từ năm 2021, huyện Ba Tơ đã xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn cũng như các chủ thể chú trọng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủ công mỹ nghệ... để nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tham gia Chương trình OCOP, nhằm nâng tầm giá trị cho sản phẩm địa phương. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ba Tơ Nguyễn Thị Vân, huyện có nhiều sản phẩm hàng hóa mang đặc trưng văn hóa địa phương, như thổ cẩm Làng Teng, rượu cần Hrê... Cùng với đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp, lâm sản như cây mây nước, thịt trâu, thịt heo ky... cũng được thị trường ưa chuộng. 

Bên cạnh đó, huyện cũng có chủ trương ưu tiên, khuyến khích sử dụng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương làm quà tặng trong các dịp lễ, Tết, hội nghị, hội thảo... Qua đó, góp phần quảng bá sản phẩm và hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả, mang lại hiệu ứng tốt, giúp chủ thể bán được hàng hóa nhiều hơn. “Sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình OCOP đã nâng tầm nhiều loại nông sản, đặc sản địa phương, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết. Nhiều sản phẩm OCOP của huyện từng bước khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh”, bà Vân chia sẻ.

Đa dạng hình thức quảng bá

Nhằm xây dựng vùng nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, huyện Ba Tơ đã chỉ đạo các xã, thị trấn lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các hợp phần hỗ trợ sản xuất. Trong đó, tập trung phát triển vùng nguyên liệu các loại cây trồng đặc trưng như đậu phụng, lúa rẫy, rau an toàn... Đồng thời, triển khai thực hiện bộ sưu tập 50 món ăn được chế biến từ nguyên liệu đặc trưng tại địa phương, góp phần khai thác giá trị ẩm thực gắn với phát triển sản phẩm OCOP. 

Sản phẩm túi xách thổ cẩm của hộ kinh doanh Phạm Thị Y Hòa, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ).

Sản phẩm túi xách thổ cẩm của hộ kinh doanh Phạm Thị Y Hòa, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ).

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Thành Minh Thuận cho biết,  huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, định hướng các sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá trị cạnh tranh cao tham gia Chương trình OCOP. Các xã, thị trấn phối hợp với phòng, ban liên quan hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể nâng cấp sản phẩm, đảm bảo đúng quy trình, tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện và tỉnh. Bên cạnh đó, huyện cũng quán triệt quan điểm phát triển sản phẩm phải gắn với nhu cầu thị trường, xác định đúng phân khúc khách hàng, từ đó định giá và xây dựng chiến lược quảng bá phù hợp. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng logo OCOP, bao bì, nhãn mác, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, đảm bảo uy tín và chất lượng sản phẩm OCOP của địa phương. Việc này nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, đánh giá đúng thực chất, tránh tình trạng “đạt sao khi chấm điểm nhưng xuống chất lượng sau đó”. Từ đó, có cơ sở để đề ra các giải pháp phát triển phù hợp, đồng hành cùng các chủ thể trong quá trình nâng tầm sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, huyện Ba Tơ giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm sản phẩm khởi nghiệp để từng bước hình thành sản phẩm OCOP mới. Nhiều gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm đặc trưng, truyền thống và sản phẩm OCOP đã được xây dựng. Huyện cũng hướng dẫn các chủ thể thường xuyên quảng bá sản phẩm trên website thương mại điện tử của huyện tại địa chỉ https://sanphamdactrungbato.com và trên các sàn thương mại điện tử như Shopee... Riêng năm 2024, huyện đã hỗ trợ các cơ sở phát triển các sản phẩm khởi nghiệp và hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, trưng bày sản phẩm OCOP tại hội nghị, hội chợ, điểm du lịch cộng đồng trong và ngoài huyện. Huyện cũng tập trung xây dựng, quản lý và hỗ trợ các chủ thể tiếp cận, kết nối với các kênh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số.

Hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP

Những năm gần đây, thông qua việc tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, huyện Ba Tơ đã từng bước khẳng định hiệu quả và hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế nông thôn. Các chủ thể sản xuất ngày càng quan tâm, đầu tư bài bản cho sản phẩm từ thiết kế bao bì, xây dựng vùng nguyên liệu đến ứng dụng khoa học kỹ thuật, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Một số chủ thể đã chủ động đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến và thiết kế mẫu mã, nhãn mác bắt mắt, thuận tiện cho người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm cũng đã đạt được các chứng nhận về quản lý chất lượng tiên tiến, mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường cao cấp hơn.

Theo thống kê, huyện Ba Tơ hiện có 11 sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao của 9 chủ thể, gồm 3 HTX và 6 hộ kinh doanh, tại 5 xã, thị trấn. Năm 2024 đã có 4 sản phẩm của các chủ thể ở huyện được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee gồm: Cà vạt thổ cẩm của hộ kinh doanh Phạm Thị Y Hòa; gạo rẫy Phát Huy của HTX Nông nghiệp Ba Tô; khăn quàng cổ thổ cẩm của hộ kinh doanh Phạm Thị Sung; măng muối ớt xiêm của hộ kinh doanh Vũ Đức Thắng.

Các địa phương của huyện Ba Tơ đã tích cực tư vấn, hỗ trợ chủ thể xây dựng và hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nên sản phẩm OCOP ngày càng tăng lên về số lượng cũng như chất lượng. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ba Thành Phạm Văn Thước, việc phát triển sản phẩm OCOP có ý nghĩa quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Thời gian qua, xã đã tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ để nâng tầm sản phẩm truyền thống của địa phương. Xã vận động chủ thể là hộ kinh doanh, HTX có các sản phẩm đặc trưng của địa phương tham gia thực hiện các quy trình, thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP. Đến nay, trên địa bàn xã có một số sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao như: Cà vạt thổ cẩm Y Hòa, túi xách thổ cẩm Y Hòa; khăn quàng cổ thổ cẩm Thị Sung; sản phẩm thịt trâu khô Tường Vy.

Chị Phạm Thị Y Hòa, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành chia sẻ, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê được hình thành từ rất lâu đời. Song giờ chỉ còn được duy trì tại thôn Làng Teng, với chưa đến 100 người biết nghề. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tôi đã thành lập cơ sở sản xuất mây tre đan lát và dệt thổ cẩm; đồng thời tích cực quảng bá sản phẩm tại các sự kiện trong và ngoài nước.


https://baoquangngai.vn/kinh-te/202504/ba-to-nang-tam-san-pham-ocop-78a0c09/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào
Cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay giữa trời Nam rực nắng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm