PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - trả lời thắc mắc của phụ huynh, học sinh trong Ngày hội lựa chọn nguyện vọng 2025 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: T.T.D.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, bách phân vị (percentile) là một khái niệm thống kê giúp xác định vị trí tương đối của một cá nhân trong một nhóm dựa trên điểm số hoặc giá trị đo lường.
Với điểm thi theo tổ hợp, thay vì chỉ nhìn vào điểm số tuyệt đối, bách phân vị cho biết thí sinh "xếp hạng" như thế nào so với toàn bộ nhóm tham gia.
Ông Dũng nhận định năm nay tiếng Anh khó nên điểm thi tổ hợp toán - lý - hóa cao hơn toán - lý - tiếng Anh hay toán - văn - tiếng Anh. Gom các thí sinh 3 tổ hợp này xét chung một điểm chuẩn thì thí sinh xét A01, D01 sẽ bị thiệt so với A00.
Với bách phân vị này, thí sinh biết điểm của mình tương đương với mức điểm bao nhiêu của tổ hợp khác. Các trường đại học cũng biết được điểm số của thí sinh theo tổ hợp và có cách xét tuyển, định điểm chuẩn phù hợp với sự chênh lệch đó.
Chẳng hạn một thí sinh tổ hợp D01 có điểm thi 23, nhìn vào phổ điểm A00 sẽ thấy điểm D01 thấp hơn, thí sinh không dám đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên với bách phân vị các tổ hợp xét tuyển bộ vừa công bố có thể thấy 23 điểm D01 sẽ tương đương mức 25 của A00.
Cùng bách phân vị nhưng điểm số khác nhau, hai thí sinh này được xem là có năng lực tương đương nhau vì cả hai cùng nằm ở bách phân vị thứ 91.
Bách phân vị của thí sinh ở vị trí 91 tức nằm trong 10% thí sinh có điểm thi cao nhất trong các tổ hợp xét tuyển tuy điểm thi thấp hơn. Như vậy thí sinh biết điểm thi của mình nằm ở vị trí nào trong tương quan với các tổ hợp khác.
Top 10% thí sinh có điểm thi cao nhất (tính từ phân vị 90 đến 100) - Ảnh chụp màn hình
Giả sử có 100 thí sinh dự thi và thí sinh đạt bách phân vị thứ 90. Điều này có nghĩa là điểm của thí sinh cao hơn 90% số thí sinh còn lại, chỉ có 10% thí sinh có điểm cao hơn. Ngược lại, bách phân vị thứ 50, thí sinh đang ở mức trung bình, cao hơn 50% thí sinh.
Phương pháp này không phụ thuộc vào điểm số tuyệt đối, mà tập trung vào phân bố điểm của toàn bộ nhóm, giúp đánh giá công bằng hơn, đặc biệt khi điểm số có thể biến động do độ khó của đề thi.
Nói một cách "dân dã", có thể nghĩ bách phân vị như một "thang đo thứ hạng": không chỉ điểm cao là thắng, mà còn phải xem thí sinh xếp hạng bao nhiêu so với những thí sinh khác.
Điều này có lợi hơn cho thí sinh trong việc xác định ngành nghề xét tuyển, cũng như cơ hội trúng tuyển vào trường đại học mong muốn.
Đây cũng là cơ sở quy đổi điểm thi đánh giá năng lực, tư duy về thang điểm 30, nhằm xác định điểm số từ các kỳ thi khác nhau có giá trị tương đương khi xét tuyển đại học, tránh tình trạng một bài thi dễ hơn dẫn đến tình trạng không công bằng.
Khi quy đổi sẽ dựa vào thống kê các khoảng điểm tương ứng theo các mức bách phân vị (ví dụ: top 0,5%, top 1%, top 3%, top 5%, top 10%...).
Chẳng hạn nếu điểm của thí sinh ở bách phân vị 95 trong bài thi đánh giá năng lực (nghĩa là top 5% cao nhất) sẽ được quy đổi sang điểm tương đương ở bách phân vị 95 của tổ hợp A00 trong kỳ thi THPT.
Chia điểm thi thành 100 phần đều nhau
Để tính giá trị trong quy đổi điểm thi, chuyên gia giáo dục Sái Công Hồng cho biết một số phương pháp quy đổi điểm thường được sử dụng: chuyển đổi tuyến tính, phân vị, z-score, phân loại, thống kê mô phỏng.
Thông thường đối với các bài thi có khác biệt về độ khó hoặc phân phối điểm người ta sử dụng quy đổi điểm bằng phương pháp phân vị (bách phân vị là một cách để quy đổi điểm bằng phương pháp phân vị), chia dữ liệu thành 100 phần đều nhau, mỗi phần đại diện cho 1% của tổng số dữ liệu.
Với phương pháp phân vị dùng bách phân vị cần mẫu từ vài ngàn trở lên sẽ giúp kết quả phản ánh chính xác nhất.
Tuy nhiên ông Hồng cũng cho rằng chỉ nên sử dụng dữ liệu của những thí sinh thi cả hai khối để xây dựng bảng quy đổi bách phân vị.
Tuyệt đối không dùng phân bố của toàn bộ thí sinh mỗi khối một cách riêng rẽ. Việc đó dễ dẫn đến sai lệch nghiêm trọng trong quy đổi điểm và gây mất công bằng trong tuyển sinh.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bach-phan-vi-diem-thi-la-gi-y-nghia-ra-sao-20250723103324949.htm
Bình luận (0)