Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bài 3: Những bước tiến đáng ghi nhận | Báo Công Thương

Nhiều doanh nghiệp trở thành hình mẫu điển hình, dẫn dắt nông sản Tây Nguyên vượt qua rào cản để chinh phục thị trường châu Âu.

Báo Công thươngBáo Công thương20/05/2025


Bài 3: Những bước tiến đáng ghi nhận

Trong bối cảnh nông sản Tây Nguyên đang đối mặt với những thách thức từ Quy định chống phá rừng của EU (EUDR), một số doanh nghiệp tiên phong đã và đang tạo nên dấu ấn mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng bền vững, mở rộng cánh cửa vào thị trường khó tính này. Không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về minh bạch nguồn gốc và không gây hại đến rừng, họ còn trở thành hình mẫu điển hình, dẫn dắt nông sản Tây Nguyên vượt qua rào cản để chinh phục thị trường quốc tế.

Những đầu tàu đưa nông sản Tây Nguyên “xuất ngoại”

Dù Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) được đánh giá là một rào cản kỹ thuật với nông sản xuất khẩu, song tại mảnh đất Tây Nguyên đã xuất hiện những bước tiến đáng ghi nhận. Một số doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi, đầu tư công nghệ, thay đổi tư duy sản xuất để theo đuổi mô hình bền vững. Họ không chỉ đáp ứng yêu cầu của EUDR mà còn từng bước khẳng định vị thế hàng Việt trên thị trường châu Âu.

Một trong những cái tên đang mở lối cho ngành nông sản Gia Lai tiếp cận sâu hơn vào thị trường EU là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Niên vụ 2023-2024, công ty này đã vươn lên trở thành đơn vị xuất khẩu cà phê đứng đầu của cả nước với kim ngạch xuất khẩu 520 triệu USD. Sản phẩm cà phê của công ty đã được xuất khẩu ra 58 quốc gia trên thế giới.

Bài 3: Những bước tiến đáng ghi nhận

Bài 3: Những bước tiến đáng ghi nhận

Mô hình canh tác cà phê theo hướng hữu cơ

Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết: "Mỗi năm, Vĩnh Hiệp xuất khẩu khoảng 160.000 tấn cà phê sang thị trường 58 nước trên thế giới, trong đó thị trường châu Âu chiếm khoảng 60%. Vĩnh Hiệp đặt ra sứ mệnh cho mình là tiên phong về nông nghiệp hữu cơ, đưa nông sản Việt Nam lên một tầm cao mới bằng việc đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính nhất thế giới. Để vào được thị trường châu Âu, Vĩnh Hiệp đã xây dựng mạng lưới sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn thị trường quốc tế, nhất là tuân thủ quy định EUDR. Sản phẩm làm ra bây giờ không còn là bán sản phẩm nữa mà chúng ta đang bán với trách nhiệm, đó là việc nâng cao về chất lượng, môi trường, quản trị. Điều này buộc nông dân phải thay đổi tích cực sang sản xuất có chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật và có xuất xứ rõ ràng".

Cũng theo ông Thái Như Hiệp, các sản phẩm nông sản chủ lực của công ty bao gồm cà phê nhân, cà phê rang xay, cà phê hòa tan và hồ tiêu. Với hệ thống chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc minh bạch, sản phẩm cà phê của Vĩnh Hiệp không chỉ khẳng định chất lượng mà còn nâng cao sức cạnh tranh của cà phê Robusta Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tính đến năm 2024, công ty đã hợp tác và liên kết với hơn 15.000 hộ nông dân, xây dựng mô hình liên kết sản xuất cà phê bền vững, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như Organic, 4C và Rainforest Alliance. Các chính sách bao tiêu sản phẩm, tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác và chăm sóc cây cà phê bền vững đã giúp nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống người dân và đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra đạt chuẩn quốc tế.

Bài 3: Những bước tiến đáng ghi nhận

Không chỉ là thương hiệu cà phê đậm đà bản sắc, Ngon Avatar còn là hành trình xây dựng những giá trị bền vững với nền nông nghiệp sạch

Công ty TNHH MTV Ngon Avatar hay Công ty TNHH Sản xuất và dịch vụ Tam Ba cũng là những ví dụ điển hình cho việc theo đuổi sứ mệnh canh tác cà phê theo hướng hữu cơ ở Gia Lai.

Ông Văn Quốc Việt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngon Avatar chia sẻ: Không chỉ là thương hiệu cà phê đậm đà bản sắc phố núi Pleiku (Gia Lai), Ngon Avatar còn là hành trình xây dựng những giá trị bền vững với nền nông nghiệp sạch và niềm tin vào hạt cà phê Robusta Gia Lai sẽ giúp nền nông nghiệp Việt phát triển và vươn xa.

Mỗi hạt cà phê được thu hái đều được trồng hữu cơ trong chính trang trại rộng 20 ha của gia đình anh Quốc Việt. Không chỉ vậy, anh còn xây dựng quy trình khép kín từ gieo trồng đến hoàn thiện sản phẩm. Từ văn hóa trồng cà phê, xử lý nguyên liệu, rang và chế biến, bán hàng, thiết lập không gian văn hóa cà phê, quản lý chất lượng.

Trong khi đó, ông Lưu Vinh Quang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và dịch vụ Tam Ba cho biết: Trong 3 năm gần đây, từ vùng nguyên liệu 200 ha sản xuất theo quy trình hữu cơ, công ty bắt đầu chú trọng chế biến dòng cà phê chất lượng cao để gia tăng giá trị cho sản phẩm và tìm kiếm thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường châu Âu. Ngoài ra, công ty luôn chú trọng áp dụng các mô hình sản xuất xanh để thực hiện cam kết giảm phát thải và chống biến đổi khí hậu. Công ty chủ động sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ thân thiện với môi trường trong các hoạt động sản xuất, nhằm hướng đến một ngành cà phê phát triển bền vững.

“Các công đoạn từ trồng đến chăm sóc, thu hoạch và sơ chế, đóng gói đều được chúng tôi giám sát rất chặt chẽ. Điểm vượt trội của nông nghiệp hữu cơ so với nông nghiệp truyền thống đó là tính bền vững, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Đặc biệt, sản phẩm được chứng nhận hữu cơ sẽ nâng cao giá trị hơn rất nhiều. Cà phê hữu cơ có nhiều lợi thế thâm nhập các thị trường khó tính như châu Âu”, ông Lưu Vinh Quang chia sẻ.

Đối với Đắk Lắk, việc tuân thủ EUDR không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để ngành hàng cà phê, ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh nâng cao uy tín, giá trị và vị thế trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy, Đắk Lắk đã nhanh chóng triển khai các giải pháp thích ứng với EUDR, thí điểm tại 8 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Krông Năng, Cư M'gar, Buôn Đôn, Ea H'leo, Krông Ana, Cư Kuin, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột do Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) phối hợp với tổ chức IDH và JDE Peet’s hỗ trợ triển khai thực hiện, thời gian từ tháng 10/2023 - 12/2024.

Từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành hàng cà phê Việt Nam, dữ liệu quốc gia và cơ chế chia sẻ thông tin phản hồi với Liên minh châu Âu (EU). Đây cũng là tiền đề để mở rộng đến các địa phương trồng cà phê khác trong toàn tỉnh.

Sau hơn một năm triển khai, đã có 25.416 nông dân trồng cà phê tham gia, với diện tích 26.961 ha, sản lượng 89.085 tấn đáp ứng EUDR. Tháng 4/2024, Simexco DakLak là đơn vị đầu tiên trên thế giới được cấp hai bản chứng thực 4C-EUDR đáp ứng tiêu chuẩn của EUDR. Đồng thời, tiên phong xây dựng app EUDR nhằm thích ứng quy định mới của EU.

Bài 3: Những bước tiến đáng ghi nhận

Bài 3: Những bước tiến đáng ghi nhận

Hàng năm, Simexco DakLak xuất khẩu một lượng cà phê khá lớn, từ 50.000-70.000 tấn vào thị trường châu Âu

Nhằm đáp ứng quy định nhập khẩu nghiêm ngặt nhất hiện nay với nhóm sản phẩm cà phê vào thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu, Simexco DakLak và Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại, dịch vụ Nông trại EDE đã tổ chức ký kết hợp tác lâu dài về việc cam kết xây dựng chuỗi cung ứng cà phê nguyên liệu để sản xuất cà phê thương hiệu MISS EDE đạt đầy đủ chứng chỉ EUDR, phục vụ xuất khẩu cà phê thành phẩm vào thị trường EU từ năm 2025.

Simexco Đắk Lắk và MISS EDE đã cùng nhau thống nhất nối tiếp hợp tác lâu dài về việc cam kết xây dựng chuỗi cung ứng cà phê nguyên liệu để sản xuất cà phê thương hiệu MISS EDE đạt đầy đủ chứng chỉ EUDR nhằm mục đích nhập khẩu cà phê thành phẩm vào thị trường EU từ năm 2025.

Bài 3: Những bước tiến đáng ghi nhận

Simexco DakLak và Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại, dịch vụ Nông trại EDE ký kết hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng cà phê đạt đầy đủ chứng chỉ EUDR

Bước tiến mới cho nông sản Tây Nguyên

Những nỗ lực của các doanh nghiệp tiên phong là minh chứng rõ ràng cho khả năng thích ứng và đổi mới của nông sản Tây Nguyên trong bối cảnh toàn cầu đòi hỏi phát triển xanh và bền vững. Tuy nhiên, để tạo được sức bật dài hạn và lan tỏa ra toàn vùng, rất cần sự đồng hành từ các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như định hướng từ các chuyên gia.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tận dụng đúng cơ hội mà EUDR mang lại, không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi mà cả nền kinh tế địa phương cũng sẽ tăng trưởng theo hướng bền vững hơn.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, quy định EUDR sẽ có tác động trực tiếp đến các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu tại EUDR, đồng thời phát triển nông sản của Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng bền vững, hiệu quả, tỉnh đã đề xuất đẩy mạnh truyền thông, phổ biến về EUDR đến tất cả các bên có liên quan như các đơn vị chủ rừng, người dân sống gần rừng, ven rừng; nông hộ, các tổ chức, cá nhân, chế biến, kinh doanh ngành hàng cà phê. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; kịp thời kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý các vụ phá rừng trái pháp luật. Bên cạnh đó là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, chất lượng cao.

Bài 3: Những bước tiến đáng ghi nhận

Khi nông sản Tây Nguyên thâm nhập được vào thị trường châu Âu, sẽ mở ra cơ hội rất lớn để đến với nhiều thị trường khác.

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết, năm 2024 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 820 triệu USD (đạt 109,3% so với kế hoạch, tăng 20,59% so với năm 2023). Đây là mức tăng trưởng lớn và là điểm sáng trong hoạt động của ngành Công Thương tỉnh. Trong số khoảng 30 doanh nghiệp xuất khẩu trên toàn tỉnh, Gia Lai có một số doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín trên thị trường như Vĩnh Hiệp, Hoa Trang, Tín Thành Đạt, Công ty TNHH thương mại và chế biến Louis Dreyfu Company Việt Nam (doanh nghiệp FDI).

“Các doanh nghiệp này đều có nhà máy chế biến quy mô công nghiệp và hệ thống kho chứa được đầu tư nâng cấp, mở rộng hàng năm. Việc đầu tư đổi mới công nghệ, chú trọng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến được các doanh nghiệp chú trọng để tạo nguồn hàng nông sản chất lượng, đáp ứng yêu cầu của những thị trường châu Âu. Cùng với đó, tác động của các Hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu”, ông Binh cho hay.

Tuy nhiên, ông Binh cũng cho rằng người dân, doanh nghiệp phải thay đổi để phù hợp và thích nghi với thị trường. Trong đó, chú trọng tới phương thức canh tác, minh bạch nguồn gốc, mở rộng quy mô, quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, để nông sản rộng cửa vào các thị trường khó tính.

“Khi nông sản Tây Nguyên thâm nhập được vào thị trường châu Âu, sẽ mở ra cơ hội rất lớn để đến với nhiều thị trường khác”, ông Binh nói.

Tại “Hội thảo thúc đẩy diễn đàn ngành hàng cà phê tuân thủ Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR)" tổ chức hồi tháng 11/2024 ở Đắk Nông, ông Gonzalo Serrano De La Rosa, Phó Trưởng Ban hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu đánh giá, những nỗ lực của Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng đối với việc triển khai các biện pháp cụ thể để đáp ứng các tiêu chuẩn về nông sản chống phá rừng, suy thoái rừng là rất kịp thời.


Ông Gonzalo cho rằng, các quy định EUDR là thách thức nhưng cũng là cơ hội trong quá trình phát triển nông sản chất lượng cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ, bền vững. Việc đáp ứng tiêu chuẩn EUDR là cơ sở để tăng cơ hội thương mại cho nông sản của Tây Nguyên tại các thị trường trên thế giới trong những năm tới.

Nhằm thích ứng EUDR, UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định EUDR. Thường xuyên cập nhật các tài liệu, văn bản về cơ chế, chính sách của Trung ương, các bộ, ngành và Ủy ban Liên minh châu Âu có liên quan để kịp thời chia sẻ và phản hồi thông tin với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng vào thị trường EU; tổ chức tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức về tính hợp pháp trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông-lâm sản.

Cùng với đó là xây dựng và triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng, có gắn với tọa độ địa lý tích hợp mã số vùng trồng của từng vườn đối với ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR. Hỗ trợ chuyển đổi, cải thiện sinh kế cho nông dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, sống ở khu xen kẽ, tiếp giáp rừng, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục khẳng định phát triển nông, lâm nghiệp bền vững là thế mạnh, nền tảng ổn định lâu dài...

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, cần tập trung tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu uy tín, đưa mặt hàng bảo đảm uy tín, đáp ứng EUDR để tiến vào các thị trường lớn trên thế giới.

Bài 3: Những bước tiến đáng ghi nhận

Xuất khẩu nông sản ở tỉnh Gia Lai

Sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp tiên phong đã chứng minh rằng nông sản Tây Nguyên hoàn toàn có thể vượt qua thách thức từ EUDR để chinh phục thị trường EU. Không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, những doanh nghiệp này còn góp phần thay đổi nhận thức về sản xuất bền vững, mở ra một hướng đi mới cho nông nghiệp Việt Nam. Trong tương lai, nếu sự chung tay giữa doanh nghiệp, nông dân và cơ quan quản lý tiếp tục được duy trì, nông sản Tây Nguyên sẽ không chỉ là một trong những “vựa nông sản” của Việt Nam, mà còn trở thành biểu tượng của nông nghiệp bền vững trên thị trường quốc tế.

longform

Thực hiện: Nhóm phóng viên Tây Nguyên

Nhóm PV


Nguồn: https://congthuong.vn/bai-3-nhung-buoc-tien-dang-ghi-nhan-388400.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm