Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bài toán tự chủ về nguyên liệu, linh kiện

Tự chủ nguyên liệu, linh kiện trong nước là vấn đề cốt lõi, tạo nền tảng để công nghiệp hỗ trợ phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh quốc gia.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai27/05/2025

Các doanh nhân của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai  tìm kiếm cơ hội hợp tác về sản phẩm giữa doanh nghiệp, hội viên. Ảnh: V.Gia
Các doanh nhân của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tìm kiếm cơ hội hợp tác về sản phẩm giữa doanh nghiệp, hội viên. Ảnh: V.Gia

Đối với các doanh nghiệp (DN), việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hợp tác để sử dụng các sản phẩm từ trong nước, tự chủ sản xuất là con đường tất yếu đưa DN và thương hiệu của mình vươn lên. Tuy nhiên, đây là quá trình dài, cần được hỗ trợ.

Nâng giá trị cho sản phẩm

Với các DN, khi có thể tự chủ được phần nào nguồn nguyên, vật liệu, từ đó sản xuất ra được sản phẩm hoàn chỉnh hay là sản phẩm đầu vào của các đơn vị khác thì hiệu quả sản xuất, kinh doanh sẽ được nâng cao hơn.

Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh là một trong những đơn vị khá tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh. DN này đã từng bước vươn lên trở thành đơn vị có đủ năng lực, quy mô sản xuất, cung cấp sản phẩm cho các DN đầu cuối.

Theo Chủ tịch HĐTV công ty Đỗ Phước Tống, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, công ty đầu tư thêm gần 200 tỷ đồng trang bị dây chuyền sản xuất mới. Việc tham gia vào chuỗi cung ứng đã tạo động lực giúp DN thay đổi, bắt kịp quy mô và nhu cầu của đối tác.

Từ việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, DN đã có được dây chuyền hiện đại để sản xuất các sản phẩm như : motor, bơm, các dụng cụ cầm tay, máy may, các bộ điều khiển chuyển động trong ô tô…, đảm bảo cung ứng đạt tiêu chuẩn nhiều thương hiệu quốc tế. Công ty đã nghiên cứu, chế tạo ra các sản phẩm mới theo nhu cầu thị trường thay vì gia công như trước đây. Từ đó, DN nâng cao giá trị và vị thế cho sản phẩm trong chuỗi cung ứng sản xuất.

Công ty TNHH Nam Long (ở huyện Long Thành) là một trong 10 đơn vị dẫn đầu về sản xuất găng tay cao su thiên nhiên, nhiều năm liền đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Sản phẩm của DN đã trở thành mặt hàng thân thiết của các công ty thủy sản, hàng hải.

Giám đốc Công ty TNHH Nam Long Lê Bạch Long chia sẻ, nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu nên công ty có thể linh động hơn trong sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, nguyên liệu chính của DN là mủ cao su trong nước có sẵn nên rất thuận lợi. Theo ông Lê Bạch Long, ngoài xuất khẩu thì thị trường nội địa là một trong những ưu tiên trong kế hoạch phát triển của DN, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp cao su trong nước, đồng thời nâng cao vị thế sản phẩm Việt trên sân nhà. Công ty đã đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất mới, nâng công suất, tập trung sản xuất các mặt hàng cao su nhân tạo, có khả năng chịu dầu và nhiệt, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.

Bài toán dài hơi

Tự chủ về sản xuất là mong mỏi của DN, nền kinh tế, song đây là câu chuyện không thể ngày một ngày hai, mà là cả chiến lược dài hạn. Thực tế, nhiều DN sản xuất, nhất là những đơn vị quy mô nhỏ và vừa, nguyên vật liệu vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào thị trường nước ngoài, nhất là những sản phẩm có chất lượng cao.

Giám đốc Công ty TNHH Cửa An Gia (huyện Long Thành) Đinh Đức Điền cho biết, công ty chuyên chế tạo cửa nhôm thép để cung ứng dịch vụ cho các dự án xây dựng nhà ở, công trình cao cấp. Vì định hướng thị trường ở phân khúc khá cao nên sản phẩm nhận được yêu cầu cao từ những nhà cung ứng vật liệu. Do đó, hiện nay, nguyên liệu, phụ kiện trong sản xuất của DN vẫn đang phụ thuộc lớn từ nhà sản xuất nước ngoài, đặc biệt là Đức. Trong tương lai, DN sẽ đẩy mạnh hợp tác, sử dụng nhiều hơn sản phẩm của các đối tác trong nước.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), để phát triển công nghiệp hỗ trợ, phải từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh kiện trong nước. Nước ta đang đẩy nhanh việc hình thành các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Bắc và Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Nam. 2 trung tâm này đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho các DN công nghiệp, đặc biệt là các DN hỗ trợ. Ngành công thương hỗ trợ và khuyến khích các địa phương xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo công nghiệp tại các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp.

Tại Đồng Nai, phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng là vấn đề được tỉnh rất quan tâm từ nhiều năm qua với mục tiêu đạt từ 21-23% tổng sản lượng công nghiệp. Đồng Nai định hướng phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ cùng với các chính sách khuyến khích, đặc biệt là các chính sách về tài chính, thuế, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý.

Văn Gia

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202505/bai-toan-tu-chu-ve-nguyen-lieu-linh-kien-8f25369/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm