Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo hiểm y tế: Tấm thẻ “quyền lợi” cho toàn dân

Không ai biết trước lúc nào mình đau ốm. Nhưng nếu có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trong tay, người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ yên tâm hơn khi chẳng may bệnh tật. Từ ngày 1-7-2025, chính sách BHYT tiếp tục được mở rộng, tạo thêm nhiều quyền lợi thiết thực cho người tham gia, vì một mục tiêu chung: chăm sóc sức khỏe công bằng, nhân văn cho mọi người, mọi nhà.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng02/07/2025

Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng thăm khám và tư vấn sức khỏe cho bệnh nhi. Ảnh: LÊ HÙNG
Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng thăm khám và tư vấn sức khỏe cho bệnh nhi. Ảnh: LÊ HÙNG

BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, chính sách bảo hiểm y tế không chỉ thể hiện tính nhân văn sâu sắc mà còn ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Với hàng triệu người, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, tấm thẻ BHYT thực sự là “tấm lá chắn” tài chính, giúp họ vượt qua những thời khắc khó khăn nhất khi không may đau ốm, bệnh tật.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực XXII (thành phố Đà Nẵng mới) triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh diện bao phủ BHYT, nâng cao nhận thức cộng đồng và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Tính đến ngày 31-5-2025, BHXH khu vực XXII có hơn 2,6 triệu người tham gia BHYT, đạt 97,6% kế hoạch do BHXH Việt Nam giao. Hơn 2,9 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT đã được thực hiện trong 5 tháng đầu năm, với tổng số tiền chi trả từ Quỹ BHYT vượt 2.300 tỷ đồng.

Quyền lợi người tham gia rộng mở

Đáng chú ý, từ ngày 1-7-2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024 sẽ chính thức có hiệu lực, mở rộng quyền lợi cho người tham gia theo hướng công bằng hơn, linh hoạt hơn.

Theo đó, người dân có thể đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc mà không cần giấy chuyển tuyến như trước, nhất là với những ca bệnh hiếm gặp, hiểm nghèo. Sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ xóa bỏ rào cản địa giới hành chính trong tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao.

Luật sửa đổi năm 2024 cũng bổ sung thêm bốn nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT, gồm: nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản; người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố, thôn; nghệ nhân được phong tặng danh hiệu và nạn nhân của nạn mua bán người. Đây là bước tiến quan trọng, tiếp tục thể hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Song song với thay đổi chính sách, từ 1-6-2025, BHXH khu vực XXII chuyển toàn bộ việc cấp thẻ BHYT sang hình thức điện tử thông qua ứng dụng VssID và VNeID. Người tham gia chỉ cần xuất trình hình ảnh thẻ BHYT điện tử hoặc căn cước công dân gắn chip là có thể sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh như với thẻ giấy. Với những trường hợp đặc biệt không đủ điều kiện sử dụng công nghệ, BHXH vẫn cấp thẻ giấy để bảo đảm quyền lợi không bị gián đoạn.

Mới đây, tại cuộc trao đổi với Báo và Đài Phát thanh, Truyền hình Đà Nẵng, Phó Giám đốc BHXH khu vực XXII Lê Văn Tiến cho biết, tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của cơ quan BHXH và các điểm giao dịch của tổ chức dịch vụ thu, viên chức, nhân viên được phân công trực tiếp hướng dẫn người tham gia cài đặt và sử dụng thẻ BHYT điện tử. Đồng thời bố trí đường dây nóng để hỗ trợ xử lý vướng mắc phát sinh. Với mục tiêu là để quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, thuận tiện và không làm ảnh hưởng đến người bệnh.

Chỗ dựa cho người bệnh nghèo

BHYT thực sự là “phao cứu sinh” với hàng triệu người bệnh, đặc biệt là những người không may mắc các bệnh mãn tính, hiểm nghèo với chi phí điều trị lên tới hàng trăm triệu đồng.

Điển hình như ông Đ.V.L (phường Hòa Cường) liệt hai chi dưới, nhiễm trùng huyết và nhồi máu cơ tim được BHYT chi trả hơn 1,3 tỷ đồng trong tổng viện phí hơn 1,6 tỷ đồng. Trường hợp ông N.V.B (phường Tam Kỳ), mắc bệnh tim mạn tính cũng được chi trả trên 1,2 tỷ đồng từ quỹ BHYT.

Ngoài việc chi trả viện phí, người tham gia BHYT còn được tiếp cận hệ thống y tế công lập được đầu tư đồng bộ từ tuyến cơ sở đến tuyến cuối. Chất lượng dịch vụ y tế không ngừng được nâng cao, bảo đảm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Cùng với sự đồng hành của các cơ sở y tế, ngành BHXH đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các khâu từ cấp thẻ, giám định, thanh toán đến quản lý dữ liệu khám, chữa bệnh.

Ứng dụng công nghệ giúp minh bạch quy trình, tiết kiệm thời gian và giảm phiền hà cho người dân. Để mở rộng diện bao phủ BHYT, BHXH khu vực XXII phối hợp các địa phương tổ chức truyền thông tại cơ sở, vận động người dân tham gia, đồng thời huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ thẻ BHYT cho người nghèo.

Ngoài ra, công tác giám định, kiểm tra chi phí khám chữa bệnh cũng được tăng cường để sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn quỹ BHYT, góp phần ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm, bảo đảm sự công bằng và bền vững của hệ thống.

Tính đến ngày 31-52025, BHXH khu vực XXII có 2.614.936 người tham gia BHYT, đạt 97,6% kế hoạch được BHXH Việt Nam giao; có hơn 2,9 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT (trong đó: ngoại trú hơn 2,6 triệu lượt người, nội trú hơn 0,3 triệu lượt người). Quỹ BHYT chi trả cho việc khám chữa bệnh của người tham gia BHYT hơn 2.300 tỷ đồng; trong đó: ngoại trú hơn 731 tỷ đồng, nội trú hơn 1.640 tỷ đồng.

Nguồn: https://baodanang.vn/bao-hiem-y-te-tam-the-quyen-loi-cho-toan-dan-3264801.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm