Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững

Có nhiều ao hồ, sông, rạch, diện tích mặt nước rộng lớn, những năm qua, TP Cần Thơ cũng như các địa phương vùng ĐBSCL chú trọng vận động, hỗ trợ người dân phát triển nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thu hoạch ngày càng tăng, đáp ứng thị trường xuất khẩu, tăng lợi nhuận cho người dân nuôi trồng…

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ20/05/2025

Phát triển nguồn lợi thủy sản

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), thời gian qua ngành thủy sản Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại giá trị xuất khẩu cao trong các ngành kinh tế của đất nước và được xác định là một trong những ngành kinh tế biển then chốt trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030. Điển hình, năm 2024 ngành nuôi tôm xuất khẩu trên cả nước tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường - NN&MT), các địa phương và sự tham gia tích cực của các hội, hiệp hội, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng ngư dân nên kết quả sản xuất nuôi tôm đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ cả năm đạt 749.800ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó diện tích nuôi tập trung chủ yếu ở các tỉnh ven biển ĐBSCL, với điện tích tôm sú 628.800ha, tăng 1,1%; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 121.000ha, tăng 5%); sản lượng thu hoạch được 1.290.500 tấn (tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó sản lượng tôm sú đạt 338.800 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 951.700 tấn. Kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 3,95 tỉ USD (tăng 14% so với năm 2023). Thị trường xuất khẩu mạnh nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc và một số nước EU…

Cơ sở sản xuất, ương dưỡng cá tra giống phát triển tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Tại TP Cần Thơ, thời gian qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản được quan tâm phát triển; công tác quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản triển khai thực hiện, trong đó chú trọng phát triển nuôi các đối tượng thủy sản chủ lực; tiếp tục hướng dẫn các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình, kỹ thuật nuôi đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Hiện thành phố có tổng diện tích nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm như VietGAP, ASC… đạt 170ha. Trong 4 tháng đầu năm 2025, toàn thành phố có diện tích thả nuôi thủy sản là 3.249ha, tăng 3,08% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 38,22% kế hoạch; diện tích nuôi thủy sản được thu hoạch là 240ha, với sản lượng 51.590 tấn, tăng 8,27% so với cùng kỳ 2024, đạt 24,84% kế hoạch; sản lượng khai thác được 1.750 tấn, tăng 106% so với cùng kỳ 2024, đạt 76% kế hoạch. Lũy kế tổng sản lượng thủy sản nuôi và khai thác đến tháng 4-2025 của TP Cần Thơ là 53.340 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 25% so với kế hoạch… Trong đó, cá tra là một trong những nguồn thủy sản chủ lực được người dân TP Cần Thơ nuôi trồng. Với giá bán cá tra nguyên liệu hiện nay dao động từ 30.500-31.500 đồng/kg (kích cỡ 750-950 gram/con), trong khi giá thành nuôi trồng bình quân 24.000-25.000 đồng/kg nên người nuôi có lợi nhuận cao; giá cá tra giống dao động từ 46.000-48.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, tạo thuận lợi cho người dân tái đầu tư nuôi cá tra thương phẩm. Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn thành phố có 77 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bao gồm các đối tượng tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, lươn, cá thát lát, cá rô đồng, cá trê lai, cá rô phi, cá chép, cá sặc rằn... Trong đó có 15 cơ sở sản xuất tôm giống và 62 cơ sở sản xuất, ương dưỡng cá giống với quy mô sản xuất từ 50-87.000m2, đảm bảo cung cấp con giống an toàn, chất lượng cho người dân nuôi trồng…

Bảo vệ

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&MT TP Cần Thơ, nhận định: "Nhờ áp dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, thâm canh sản xuất, cơ giới hóa trang thiết bị công nghệ nên thời gian qua TP Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu đột phá trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Từng bước phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học, nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu. Xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản…".

Tại ĐBSCL, Đề án Bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030 được triển khai thực hiện với nhiều nội dung, giải pháp hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường trong ngành thủy sản, bảo vệ sức khỏe người dân. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong quá trình sản xuất thân thiện với môi trường trong tái chế, xử lý chất thải. Các hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, đề án cũng được tổ chức triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước nhằm phát triển ngành thủy sản bền vững.

Gần đây, Sở NN&MT TP Cần Thơ vừa có kế hoạch tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2025 trên địa bàn thành phố. Theo đó, hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản có sự tham gia, phối hợp của các cấp chính quyền, các cơ quan liên quan từ thành phố đến cơ sở và toàn thể nhân dân. Đồng thời, ngành NN&MT kêu gọi sự tham gia ủng hộ, đóng góp về nhân lực, vật lực của các tổ chức, cá nhân và sự hưởng ứng trách nhiệm của cộng đồng dân cư cho hoạt động trên. Việc tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo an toàn cho con người, tài sản và công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm… Chi cục Thủy sản, Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (thuộc Sở NN&MT TP Cần Thơ) chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan chuẩn bị tổ chức lễ thả cá, treo băng rôn, cờ phướn tại điểm thả cá, dọc theo trục đường chính dẫn đến điểm thả cá và các tuyến đường chính trên địa bàn quận Ninh Kiều. Thời gian và địa điểm thả cá vào ngày 5-6-2025, tại Bến tàu du lịch Ninh Kiều 2 (phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Kế hoạch này được thực hiện từ nguồn vận động xã hội hóa, với kinh phí dự kiến 101,25 triệu đồng (đơn vị cân đối từ nguồn kinh phí vận động theo thực tế và chi theo đúng quy định), các loài cá được thả như cá rô đồng, cá chạch lấu giống, cá trê, chép, hường, thát lát…

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, ngoài việc hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản, ngành TN&MT thành phố luôn quan tâm tái tạo nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên. Việc thả cá là một hoạt động nhằm mục đích bảo vệ, bảo tồn đa dạng thủy sinh vật, đặc biệt là các loài quý hiếm, có giá trị kinh tế và xuất khẩu, bảo vệ cảnh quan môi trường và hệ sinh thái thủy sinh vật; phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở các thủy vực trên địa bàn; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, đồng thời xác định vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường vai trò quản lý nguồn lợi thủy sản một cách hiệu quả hơn, đảm bảo cho nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố phát triển một cách bền vững…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Nguồn: https://baocantho.com.vn/bao-ve-phat-trien-nguon-loi-thuy-san-ben-vung-a186642.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm