Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), toàn tỉnh hiện có 57 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực (tương đương 57 mỏ). Trong đó chủ yếu là khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (48 điểm mỏ) với công suất khai thác hơn 6 triệu m3/năm, tập trung ở một số huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc...
Ông Trịnh Tuấn Anh, Phó Trưởng Phòng NN&MT huyện Hữu Lũng cho biết: Toàn huyện hiện có 25 mỏ khai thác khoáng sản được cấp giấy phép hoạt động khai thác. Từ năm 2020 đến nay, Phòng NN&MT đã triển khai nhiều giải pháp quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Trong đó, đơn vị tập trung tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) khẩn trương triển khai việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo quy định. Kết quả, đến nay toàn huyện có 22/25 mỏ đã thực hiện lắp đặt trạm cân và camera giám sát; một số mỏ đã được cấp phép nhưng tạm dừng hoặc chưa hoạt động khai thác nên phòng đang hướng dẫn DN lắp đặt. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật chưa quy định dữ liệu từ trạm cân và camera giám sát tại các mỏ đã lắp đặt phải truyền trực tiếp về cơ quan quản lý nhà nước để giám sát, theo dõi. Điều này cũng gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Tương tự, Chi Lăng cũng là huyện có nhiều lợi thế về khai thác khoáng sản. Toàn huyện hiện có 4 mỏ hoạt động khai thác, trong đó có 3 mỏ đã lắp đặt trạm cân, camera giám sát đảm bảo quy định; 1 mỏ mới được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động đang được phòng chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn đặt trạm cân.
Ông Dương Trọng Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Cổ phần Đá Đồng Mỏ, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Theo quy định, từ năm 2016 công ty đã thực hiện lắp đặt trạm cân và camera giám sát. Nhờ đó, việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN được thuận lợi hơn. Các thông tin của mỗi xe hàng như: trọng lượng, thể tích, biển số xe... khi qua trạm cân đều được xác định chính xác và tự động lưu trữ vào ổ cứng của máy tính phục vụ quản lý, thống kê, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước định kỳ hằng tháng hoặc phục vụ báo cáo đoàn thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 50/57 mỏ đã thực hiện lắp đặt trạm cân và camera giám sát cơ bản đảm bảo theo quy định; còn lại một số mỏ chưa thực hiện việc lắp đặt do mỏ chưa hoạt động hoặc tạm dừng khai thác.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 158 ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác”. Thực tế việc lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác là khó khả thi do vướng mặt bằng liên quan đến quá trình nổ mìn. Do đó, trước đây hầu hết DN đều đặt trạm cân chưa phù hợp với vị trí theo quy định.
Ngày 11/1/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định trong lĩnh vực khoáng sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025; theo đó quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân, thiết bị đo lường hoặc phương pháp khác để xác định, kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế trước khi vận chuyển ra khỏi khu vực thực hiện dự án khai thác. Với quy định đã được sửa đổi này thì hiện các DN khai thác mỏ đã lắp đặt trạm cân đảm bảo đúng quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Hữu Trực, Phó Giám đốc Sở NN&MT cho biết: Đến nay, cơ bản các DN đã chấp hành tốt quy định về lắp trạm cân và thực hiện đặt trạm cân, camera giám sát đúng vị trí quy định. Tuy nhiên, thông tin, dữ liệu, hình ảnh tại các trạm cân và camera chưa được truyền trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước để giám sát, quản lý. Việc vận hành của các trạm cân, camera giám sát tại các điểm mỏ hiện chỉ được cơ quan quản lý nhà nước giám sát bằng việc kiểm tra thực tế tại các mỏ. Điều này gây khó khăn trong công tác giám sát, quản lý đối với hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản ra ngoài tiêu thụ. Để tăng cường công tác giám sát sản lượng khai thác, tránh thất thoát tài nguyên, thời gian tới trên cơ sở Luật Địa chất và Khoáng sản (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), Sở NN&MT sẽ tham mưu đề xuất UBND tỉnh Xây dựng dự án hệ thống quản lý giám sát trạm cân khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn để kết nối theo quy định.
Hệ thống thông tin, dữ liệu, hình ảnh từ các trạm cân, camera tại các mỏ hoạt động khai thác khoáng sản hiện chưa được truyền, kết nối đến cơ quan quản lý nhà nước cho thấy việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát chưa thực sự phát huy hết hiệu quả. Thực tế vẫn có xe chở khoáng sản quá trọng tải làm hư hỏng mặt đường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân sinh sống gần khu vực. Thời gian tới, ngành chức năng tỉnh, UBND các huyện cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống quản lý, giám sát trạm cân khoáng sản, từ đó tạo sự đồng bộ, phát huy hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn.
Nguồn: https://baolangson.vn/lap-tram-can-va-camera-giam-sat-tai-cac-mo-khoang-san-chua-phat-huy-het-hieu-qua-5046026.html
Bình luận (0)