Vi nhựa đang ngày càng hiện diện trong đời sống con người, từ đại dương, sông ngòi đến nước uống, muối ăn và thậm chí trong máu. Kích thước siêu nhỏ khiến vi nhựa gần như vô hình, nhưng tác động của chúng đến sức khỏe lại không hề nhỏ. Nhiều nghiên cứu cảnh báo mối liên hệ giữa vi nhựa và các rối loạn nội tiết, đột quỵ, tổn thương thần kinh và thậm chí là ung thư.
Giữa lúc cộng đồng khoa học đang tìm kiếm các giải pháp xử lý hiệu quả và an toàn hơn, nhóm nghiên cứu do bà Rajani Srinivasan tại Đại học Tarleton State (bang Texas, Hoa Kỳ) đã công bố một kết quả đáng chú ý: chiết xuất từ hai loại thực vật quen thuộc là đậu bắp và cỏ cà ri có thể tạo thành chất keo sinh học có khả năng loại bỏ tới 90% vi nhựa trong nước.

Quá trình tạo keo sinh học hoàn toàn tự nhiên và không sử dụng hóa chất. Nhóm nghiên cứu ngâm lát đậu bắp trong nước và xay nhuyễn hạt cỏ cà ri để tạo hỗn hợp giàu chất nhầy. Sau khi để qua đêm, hỗn hợp được làm khô và nghiền thành bột mịn, chứa lượng lớn polysaccharide – hợp chất tự nhiên có khả năng kết dính các hạt vi nhựa siêu nhỏ.
Chỉ với một gram bột cho mỗi lít nước, chất keo sinh học có thể “gom” các hạt vi nhựa lại thành từng cụm và đẩy chúng lắng xuống đáy. Việc tách bỏ vi nhựa trở nên đơn giản mà không cần đến máy móc chuyên dụng hay hóa chất công nghiệp. Kết quả thử nghiệm cho thấy, bột cỏ cà ri có thể loại bỏ tới 93% vi nhựa sau một giờ tiếp xúc. Đậu bắp đạt hiệu quả 67%. Khi kết hợp cả hai nguyên liệu, hiệu quả đạt 70% chỉ sau 30 phút.
Không dừng lại ở thí nghiệm trong nước tinh khiết có bổ sung vi nhựa, nhóm nghiên cứu còn tiến hành kiểm tra trên các mẫu nước thực tế tại bang Texas, bao gồm nước biển, nước ngầm và nước ngọt. Trong nước biển, đậu bắp cho hiệu quả cao nhất với khoảng 80% vi nhựa được loại bỏ. Trong nước ngầm, cỏ cà ri đạt hiệu suất 80–90%. Đối với nước ngọt, hỗn hợp cả hai đạt hiệu quả khoảng 77%. Sự khác biệt này được lý giải do thành phần và kích thước vi nhựa khác nhau trong từng loại nguồn nước.
Một điểm đáng chú ý là phương pháp này không gây ô nhiễm thứ cấp. Trong khi đó, polyacrylamide – chất được dùng phổ biến trong xử lý nước hiện nay – là một polymer tổng hợp có thể để lại dư lượng độc hại nếu xử lý không triệt để. Ngược lại, chiết xuất từ đậu bắp và cỏ cà ri là hoàn toàn phân hủy sinh học, không tạo ra độc tố mới sau quá trình lọc. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các loại vi nhựa “phân hủy sinh học” cũng đang bị nghi ngờ về khả năng gây hại đến hệ tiêu hóa và cơ quan nội tạng.
Phương pháp này không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn đơn giản, rẻ tiền và có thể triển khai ngay tại các khu vực thiếu thốn cơ sở hạ tầng xử lý nước. Bột chiết xuất có thể được sản xuất và đóng gói dưới dạng khô, dễ bảo quản và vận chuyển, thích hợp cho các cộng đồng dân cư vùng sâu vùng xa hoặc các nơi đang chịu ảnh hưởng của ô nhiễm nhựa.
Nghiên cứu này kế thừa các công trình trước đó của nhóm về khả năng lọc nước tự nhiên bằng các nguyên liệu sẵn có như hạt me. Sau khi tối ưu hóa quy trình với đậu bắp và cỏ cà ri, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện công nghệ để hướng đến sản xuất quy mô lớn và ứng dụng trong hệ thống xử lý nước sinh hoạt ở nhiều nơi.
Với nguyên liệu rẻ, quy trình đơn giản và hiệu quả xử lý cao, keo sinh học từ thực vật sẽ trở thành một giải pháp khả thi trong cuộc chiến chống ô nhiễm vi nhựa toàn cầu.
Nguồn: https://khoahocdoisong.vn/bat-ngo-loai-thuc-vat-giup-loai-bo-toi-90-vi-nhua-trong-nuoc-post1551702.html
Bình luận (0)