
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay (19/7), bão Wipha đã đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 03 trong năm 2025.
Hồi 7 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 119,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 12; di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.
Dự báo đến 7 giờ ngày 20/7, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20 km/h, đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm. Tâm bão ở khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc – 115,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 600 km về phía Đông. Sức gió mạnh cấp 10–11, giật cấp 13.
Vùng nguy hiểm trên biển xác định từ vĩ tuyến 18,0N đến 23,0N và phía Đông kinh tuyến 114,5E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3, áp dụng cho vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông.
Lúc 7 giờ ngày 21/7, bão chủ yếu di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20 km/h. Tâm bão ở khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc – 110,5 độ Kinh Đông, nằm trên khu vực bờ biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh cấp 11–12, giật cấp 14.
Vùng nguy hiểm mở rộng đến phía Bắc vĩ tuyến 19,5N và phía Đông kinh tuyến 108,5E, bao gồm vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông và phía Đông khu vực Vịnh Bắc Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai duy trì ở mức cấp 3.
Hồi 7 giờ ngày 22/7, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 20 km/h và bắt đầu suy yếu dần. Tâm bão lúc này ở khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc – 107,5 độ Kinh Đông, nằm trên khu vực vịnh Bắc Bộ. Sức gió giảm xuống còn cấp 9, giật cấp 12.
Vùng nguy hiểm thu hẹp về phía Bắc vĩ tuyến 19,5N và phía Tây kinh tuyến 112,5E. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 được xác định cho vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông và vịnh Bắc Bộ.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km và tiếp tục suy yếu thêm.
Dự báo tác động của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, sau tăng lên 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao 4,0-6,0m. Biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đường đi, tác động của bão Wipha có hình dáng của bão Yagi, cần hết sức lưu ý, có phương án phòng chống với bão mạnh khi đổ bộ ở cấp 10-11, giật cấp 14, 15.
Nếu giữ hướng đi hiện tại, Wipha hoàn toàn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam từ đêm 21 đến ngày 22/7, với vùng tác động kéo dài từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Dự báo lượng mưa từ ngày 21 đến 24/7 có thể đạt 200-350mm, có nơi trên 600mm, gây nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập úng. Riêng từ chiều 20/7, hoàn lưu phía Tây bão có thể bắt đầu gây mưa dông sớm tại một số khu vực miền Bắc.
Mặc dù các mô hình quốc tế vẫn chưa thống nhất về điểm đổ bộ và cường độ tối đa của bão, nhưng Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia cảnh báo kịch bản xấu nhất là bão đổ bộ với sức gió cấp 10-11, giật cấp 14-15, gây gió mạnh và mưa lớn trên diện rộng.
Nguồn: https://baolaocai.vn/bien-dong-chinh-thuc-don-bao-so-3-voi-duong-di-phuc-tap-kho-luong-post649178.html
Bình luận (0)