Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bổ sung 4 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10

Với 100% ủy viên có mặt biểu quyết tán thành, tại phiên họp sáng 10-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất thông qua Nghị quyết điều chỉnh chương trình lập pháp năm 2025 để bổ sung 4 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng10/07/2025

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận

Đó là các dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế); Luật An ninh mạng; Luật Thương mại điện tử; Luật Giám định tư pháp (thay thế). Trong đó có 2 dự án luật thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn là Luật An ninh mạng và Luật Giám định tư pháp.

HẢI NINH .jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nêu rõ mục đích ban hành và nội dung chính của các dự thảo luật nêu trên và đề nghị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực UBPLTP cho rằng, nếu dự án Luật An ninh mạng thay thế cả Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng thì cần chỉnh lý tên gọi để bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh; đồng thời, hợp nhất phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng hiện hành, loại bỏ các nội dung trùng lặp.

dự sáng CP.jpg
Đại biểu Chính phủ dự họp

Về dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế), Thường trực UBPLTP đề nghị lấy tên gọi là Luật Giám định tư pháp (sửa đổi), vì theo thông lệ các dự án luật được sửa đổi toàn diện thì trong tên gọi của dự án sẽ dùng từ “sửa đổi” để xác định. Bên cạnh đó, Thường trực UBPLTP đề nghị trong quá trình soạn thảo Luật, cần rà soát kỹ các điều luật bảo đảm tuân thủ nguyên tắc phân cấp, phân quyền; tiếp tục rà soát quy định của luật hiện hành để khắc phục triệt để vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo do quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nhiều ý kiến đề nghị thực hiện việc xây dựng, ban hành Luật này theo trình tự, thủ tục thông thường.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, chỉ còn kỳ họp thứ 10 là kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026), do đó, tất cả các luật trình Quốc hội trong thời gian tới cần “gói gọn” trong kỳ họp thứ 10.

“Hiện nay còn 213 luật có hiệu lực thi hành. Tại các kỳ họp thứ 7, thứ 8, kỳ họp bất thường thứ 9 và kỳ họp thường kỳ thứ 9, Quốc hội đã thông qua tổng số 67 luật, chiếm tỷ lệ 31,34% của 213 luật có hiệu lực thi hành”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết thêm.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, UBTVQH đồng ý với tờ trình của Chính phủ về đề xuất xây dựng 2 dự án: Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) và Luật An ninh mạng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hai dự án luật còn lại áp dụng trình tự, thủ tục thông thường. Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu để các dự án luật đảm bảo tính thống nhất, dễ thực hiện và phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/bo-sung-4-du-an-luat-trinh-quoc-hoi-thong-qua-tai-ky-hop-thu-10-post803242.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm