Chiều 6/4, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung đã cung cấp thông tin chính thức liên quan đến lộ trình triển khai thí điểm sàn giao dịch tiền ảo tại Việt Nam.
Ông cho biết, về vấn đề tiền số, Bộ Tài chính được Chính phủ giao trách nhiệm hoàn thiện khung pháp lý để xử lý các loại tài sản mã hóa, tiền mã hóa... Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu thực trạng và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong công tác quản lý tài sản số.
"Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ thừa nhận sự tồn tại và tiềm năng của tài sản số. Đây là một quan điểm rất quan trọng", Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh và thông tin, ngay trong tháng 3/2025, Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản mã hóa.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung trả lời tại họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện với nguyên tắc xuyên suốt là thận trọng, có lộ trình, phù hợp thực tiễn, bảo đảm an toàn, minh bạch và hiệu quả. Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia thị trường tài sản mã hóa.
Bước đi đầu tiên sẽ là thí điểm trên thị trường phát hành và giao dịch tài sản mã hóa, từ đó đánh giá tác động và hoàn thiện chính sách.
Đây được kỳ vọng sẽ mở ra một kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, bổ sung cho hệ thống tài chính truyền thống, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường tài chính Việt Nam trong nền kinh tế số.
"Việc triển khai thí điểm phải tuân thủ nghiêm túc pháp luật Việt Nam cũng như quy định của quốc gia mà nhà đầu tư nước ngoài là công dân khi tham gia thị trường tại Việt Nam", Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị quyết và gửi xin ý kiến các bộ ngành liên quan trong hai văn bản phát hành ngày 27 và 29/3 vừa qua.
"Hiện tại, chúng tôi đang trong quá trình tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến, đồng thời sẽ lấy ý kiến thẩm định từ Bộ Tư pháp trước khi hoàn thiện nghị quyết để báo cáo Chính phủ", Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết.
Về thời gian, lộ trình thực hiện, Thứ trưởng Bộ Tài chính chưa đưa ra cụ thể trong lần họp báo này.
Các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum... được coi là tài sản số phổ biến. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền số, tài sản số hay tiền mã hóa, tài sản mã hóa. Các quy định hiện chỉ đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử. Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), Việt Nam có đến 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa trong năm 2024, đứng hạng 7 toàn cầu. Năm ngoái, Việt Nam nhận về hơn 105 tỷ USD tiền mã hóa, giảm so với mức 120 tỷ USD của năm 2023. |
Nguồn: https://congthuong.vn/bo-tai-chinh-kien-nghi-thua-nhan-tai-san-so-381815.html
Bình luận (0)