Bộ Tài chính đã vào cuộc rà soát, chỉ rõ những vướng mắc và đề xuất giải pháp nhằm xử lý dứt điểm tình trạng lãng phí tài sản công
Ngày 20/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã có văn bản báo cáo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nội dung liên quan đến phản ánh của Báo Tiền phong ngày 6/5/2025 về trụ sở dôi dư của tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An
Vướng mắc từ giai đoạn đầu sắp xếp đơn vị hành chính
Sau khi Báo Tiền Phong phản ánh ngày 6/5/2025 về loạt trụ sở xã, huyện bỏ hoang tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bộ Tài chính đã nhanh chóng có động thái kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quá trình xử lý tài sản công dôi dư từ đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2019–2021.
Trên thực tế, các trụ sở bị bỏ hoang phản ánh trong bài báo không phải là hiện tượng mới. Thực tế là khi nhiều xã, huyện được sáp nhập, nhiều trụ sở không còn công năng sử dụng. Tuy nhiên, do khung pháp lý và các quy định liên quan chưa đồng bộ vào thời điểm đó, nên việc xử lý các tài sản này gặp nhiều lúng túng.
Về phía Bộ Tài chính, sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan này đã nhanh chóng ban hành văn bản yêu cầu các Sở Tài chính địa phương, đặc biệt là Sở Tài chính Hà Tĩnh, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị báo cáo những vướng mắc cụ thể để cùng phối hợp tháo gỡ.
Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cũng đã có các cuộc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các Sở Tài chính của ba địa phương trên để xác minh thông tin và đánh giá thực trạng. Kết quả cho thấy: phản ánh của báo chí là chính xác, và đây là vấn đề phát sinh thực tế từ giai đoạn đầu sắp xếp đơn vị hành chính.
Điều đáng ghi nhận là từ sau giai đoạn đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được cập nhật, hoàn thiện đáng kể. Luật Đất đai năm 2024, cùng nhiều luật sửa đổi khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… đã có những điều chỉnh căn bản. Các nghị định như 114/2024/NĐ-CP, 03/2025/NĐ-CP, 50/2025/NĐ-CP cũng đã cụ thể hóa việc phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho địa phương trong xử lý nhà, đất công dôi dư.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: Nhiều nội dung mới được bổ sung nhằm tháo gỡ rào cản trước đó: cho phép không phải thực hiện sắp xếp lại tài sản công nếu đã thuộc diện thu hồi đất theo Luật Đất đai; ưu tiên chuyển đổi công năng để phục vụ các mục tiêu công cộng như giáo dục, y tế, văn hóa; trao quyền chủ động cho tổ chức phát triển quỹ đất và tổ chức quản lý kinh doanh nhà địa phương…
Dẫu vậy, Bộ Tài chính thừa nhận rằng vẫn còn những vướng mắc đáng kể trong quá trình thực hiện. Ngoài số lượng trụ sở dôi dư phát sinh lớn, việc điều chỉnh quy hoạch đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại nhiều địa phương vẫn còn chậm. Thêm vào đó, một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong triển khai xử lý khiến tiến độ bị trì trệ.
Đồng bộ chính sách và quyết liệt triển khai để không lãng phí tài sản công
Không chỉ dừng lại ở việc ban hành văn bản pháp lý, Bộ Tài chính trong thời gian qua đã tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo và điều hành nhằm khắc phục tình trạng trụ sở bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra nhiều chỉ thị như Chỉ thị 40/CT-TTg ngày 24/10/2024 về tăng cường quản lý tài sản công tại các tổ chức hội; Chỉ thị 47/CT-TTg ngày 24/12/2024 về xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt là Công điện 125/CĐ-TTg ngày 01/12/2024 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đã tạo hành lang pháp lý để các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ.
Về phía Bộ Tài chính, các văn bản như Công văn 2950/BTC-QLCS (11/3/2025), Công văn 2454/BTC-QLCS (28/2/2025) và Công văn 4891/BTC-QLCS (15/4/2025) đã đưa ra hướng dẫn cụ thể về phương án bố trí, sắp xếp, xử lý nhà, đất dôi dư. Trong đó, nhấn mạnh việc ưu tiên chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ công cộng hoặc giao cho đơn vị chức năng quản lý, cho thuê, khai thác hiệu quả.
Một bước đi đáng chú ý là Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành, địa phương, nhằm nắm bắt thực tế và phổ biến hướng dẫn xử lý tài sản công sau sắp xếp hành chính. Hội nghị này cũng góp phần "giải mã" những vướng mắc tồn tại ở cấp cơ sở, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân trong việc xử lý tài sản công.
Song song với các biện pháp trên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết: Cơ quan này cũng đưa ra cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện kế hoạch xử lý trụ sở không còn sử dụng. Các địa phương được yêu cầu cập nhật thường xuyên tình hình nhà, đất công sử dụng sai mục đích, sử dụng kém hiệu quả hoặc bỏ không để đưa vào kế hoạch xử lý chung. Việc xác định rõ tiến độ, thời gian thực hiện từng giai đoạn, gắn với trách nhiệm cá nhân, đơn vị là một điểm mới trong chỉ đạo điều hành.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, tính đến thời điểm hiện tại, các quy định pháp lý và văn bản hướng dẫn đã tương đối đầy đủ để thực hiện sắp xếp, bố trí và xử lý tài sản công phát sinh sau khi tinh gọn bộ máy. Đây là cơ sở để xử lý dứt điểm tình trạng trụ sở bỏ hoang, vốn là một "điểm nghẽn" gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.
Anh Minh
Nguồn: https://baochinhphu.vn/bo-tai-chinh-ra-soat-cac-tru-so-de-khong-sau-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-102250520125020966.htm
Bình luận (0)