Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Trưởng các đơn vị Khối CĐS đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị về tổ chức bộ máy, nhân sự, chính sách và định hướng chiến lược để hỗ trợ công tác thực thi nhiệm vụ, tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực dẫn dắt CĐS quốc gia.
Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (CĐSQG) Nguyễn Thành Phúc cho biết, Cục đang đảm nhận khối lượng công việc rất lớn, là đơn vị thường trực chỉ đạo triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW trong Bộ và sắp tới sẽ chủ trì xây dựng Luật CĐS. Trong 6 tháng đầu năm 2025, số văn bản đến Cục tăng gấp đôi so với năm 2024 trong khi đó việc bổ sung thêm nhân lực còn hạn chế. Cục kiến nghị thành lập bộ phận chuyên trách thực hiện các công việc được giao theo Nghị quyết 57-NQ/TW, tạo điều kiện cho lãnh đạo Cục tập trung vào công tác xây dựng thể chế, cụ thể là soạn thảo Luật CĐS trong 6 tháng cuối năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long phát biểu tại buổi làm việc.
Giải đáp đề xuất của Cục CĐSQG, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc thành lập bộ phận chuyên trách như vậy tại Cục là cần thiết, đồng thời sẽ phụ trách luôn các vấn đề khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST). Bộ trưởng chỉ đạo Thứ trưởng Phạm Đức Long bổ sung thêm đại diện của lĩnh vực KHCN và ĐMST về bộ phận chuyên trách này. Về bổ sung nguồn nhân lực cho Cục, Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Tổ chức cán bộ ngay trong tuần tới điều chuyển lực lượng, tăng thêm nhân lực cho Cục từ các đơn vị khác thuộc Bộ.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng cũng chỉ đạo các Trưởng đơn vị không chỉ tập trung vào công tác chuyên môn, mà phải quản lý toàn diện từ công tác văn phòng, cán bộ, tài chính... Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hiện đã thiết kế xong các khóa học mini-MBA (kéo dài từ 3-5 tháng) cung cấp các kỹ năng quản lý cho các lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ để giải quyết các vấn đề này. Vụ Tổ chức cán bộ sẽ công bố sớm thời hạn các Trưởng đơn vị phải có chứng chỉ hoàn thành các khóa mini-MBA.
Cục trưởng Cục CĐSQG Nguyễn Thành Phúc kiến nghị một số vấn đề trọng tậm của Cục.
Thể chế đóng vai trò quan trọng trong tiến trình CĐS
Bộ trưởng cũng khẳng định, đối với lĩnh vực CĐS, xây dựng thể chế đóng vai trò quan trọng, thể hiện vai trò dẫn dắt của Cục trong lĩnh vực CĐS quốc gia. Trong bối cảnh, nhiều bộ ngành, địa phương cũng đang xây dựng thể chế cho CĐS, do đó, phải có một đơn vị đứng ra làm vai trò thiết kế tổng thể, như một tổng công trình sư cho thể chế về CĐS tại Việt Nam. Đó chính là vai trò của Cục CĐSQG.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế và Xã hội số Trần Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh rằng, để CĐS quốc gia thực sự hiệu quả, điều quan trọng mà cơ quan quản lý nhà nước cần làm là thiết lập cơ chế cho người khác làm, cụ thể là doanh nghiệp.
Muốn CĐS xuất sắc thì phải thí điểm, thí điểm thành công thì sẽ nhân rộng ra toàn quốc. Muốn thí điểm thì phải có nguồn tài chính, có cơ sở vật chất (phòng lab…), có chính sách sandbox...
Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia Tô Thị Thu Hương
Người đứng đầu ngành KH&CN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của số hóa (digitalisation), có số hóa mới có dữ liệu để huấn luyện AI và quan trọng không kém là thay đổi mô hình vận hành. Không nên chạy theo trào lưu chuyển đổi AI, cần xem AI là một công cụ xử lý dữ liệu.
Nền tảng số thúc đẩy kinh tế số
Trả lời các ý kiến của Vụ Kinh tế và xã hội số (KTXHS) và Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế số nền tảng. Đây chính là điểm khác biệt căn bản giữa thời CĐS và thời CNTT. Các nền tảng như Facebook… vừa dễ sử dụng, vừa giúp mọi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp 1 người dễ dàng tham gia kinh tế số. Không có nền tảng số thì không có kinh tế số.
Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nghệ số, CĐS quốc gia Chu Minh Hoan
Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, thể chế cho kinh tế số hiện nay còn rất hạn chế, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn cho kinh tế số, chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đối với câu hỏi về việc thu hút người tài, nhân lực chất lượng cao, Bộ trưởng gợi ý cần tham khảo kinh nghiệm của Australia: Nên dành 10% tổng quỹ lương để thuê người tài làm theo thời vụ. Đó là một kinh nghiệm hay, hiệu quả mà chúng ta cần học hỏi theo. Bởi vì công tác quản lý nhà nước, 80% là các công tác thực thi nên cần có đội ngũ nhân lực có thái độ tốt phục vụ người dân, doanh nghiệp, trung thành với đất nước, với Tổ quốc.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, CĐS khởi động từ năm 2018, đã được 7 năm. Chúng ta đã làm được một việc lớn, đó là: Đưa CĐS trở thành nhu cầu cấp thiết của xã hội. Hiện nay, người đứng đầu Đảng và Nhà nước là Trưởng Ban chỉ đạo về CĐS quốc gia.
Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang đứng trước một giai đoạn mới. Các bộ ngành địa phương đều đang xây dựng thể chế về CĐS, do đó thiếu sự đồng bộ, có chỗ thừa, chỗ thiếu, không kết nối với nhau. Vì vậy, cần một tổng công trình sư về thể chế số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số. 4 đơn vị trong Khối CĐS và các đơn vị liên quan thuộc Bộ cần tiếp tục nỗ lực, nâng mình lên để tiếp tục vai trò dẫn dắt quốc gia về CĐS.
Cuối cùng, người đứng đầu ngành KH&CN chúc các đơn vị Khối CĐS có tư duy mới, nhận thức mới để thực hiện vai trò dẫn dắt quốc gia về CĐS, thực hiện ước mơ đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng, vào nhóm các nước có thu nhập cao./.
Nguồn: https://mst.gov.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-can-mot-tong-cong-trinh-su-ve-the-che-cho-chuyen-doi-so-quoc-gia-197250711210019022.htm
Bình luận (0)