Nhiều trường triển khai mô hình “lớp học tăng cường”
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức áp dụng theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi về nội dung và hình thức đánh giá. Ngay sau khi có kết quả khảo sát học sinh khối lớp 12 toàn thành phố, nhiều trường tăng tốc điều chỉnh chiến lược ôn thi.
Các nhà trường đã nhanh chóng kích hoạt những giải pháp ôn tập thực chất, cá nhân hóa và gắn với thực tế. Kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm không chỉ đánh giá mỗi học sinh, mà còn là bài kiểm tra về năng lực tổ chức dạy học của các nhà trường.
Tại Trường THPT Tân Lập (huyện Đan Phượng), cô Lương Thị Bích Hảo, giáo viên Vật lý cho biết: “Sau mỗi đợt khảo sát, học sinh yếu sẽ được tham gia lớp tăng cường, ôn tập theo chuyên đề".
![]() |
Nhiều trường triển khai mô hình “lớp học tăng cường” sau các kỳ kiểm tra. |
Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy) Nguyễn Sỹ Cường cho biết: “Học sinh của trường được chia nhóm theo năng lực, ôn tập chuyên sâu dựa trên kết quả khảo sát".
Nhiều trường tại Hà Nội cũng đã áp dụng mô hình phân nhóm theo môn thi bắt buộc - tự chọn, kết hợp thi thử nhiều đợt và phân tích phổ điểm chi tiết để khoanh vùng “lỗ hổng" kiến thức.
Hướng đến kỳ thi công bằng, học thật, thi thật
Các thầy cô giáo cho biết, ở thời điểm hiện tại, các thầy cô luôn khuyến khích, động viên học sinh dồn sức ôn luyện với sự tập trung cao nhất. Nhà trường và giáo viên luôn theo sát, đồng hành cùng các em trong quá trình ôn luyện. Tuy nhiên, học sinh, cha mẹ học sinh cũng lưu ý không nên sa đà vào việc thi thử hay học thêm tràn lan.
“Tự học, tự rèn tư duy là yếu tố quyết định giúp các em vượt qua câu hỏi phân hóa cao. Kỳ thi này cũng là để đánh giá năng lực thực chất của học sinh, chứ không chỉ với mỗi mục đích vượt qua giới hạn điểm số,” thầy Nguyễn Sỹ Cường bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh: "Chúng tôi định hướng học sinh học để thích ứng, không chỉ để vượt qua kỳ thi mà còn làm hành trang cho đào tạo suốt đời”.
![]() |
Kể từ năm 2025, các kỳ thi sẽ tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực. Trong đề thi sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh. Điều này đòi hỏi sự chuyển biến sâu rộng về phương pháp dạy và học: từ học thuộc lòng sang tư duy phản biện, từ ôn mẹo, học thuộc lòng sang vận dụng kiến thức liên môn.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các trường không kéo dài ôn tập sau khi kết thúc chương trình của năm học quá ba tuần, đồng thời tăng cường hỗ trợ học liệu số, truyền hình, các nền tảng trực tuyến và luyện tập theo đề tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 năm nay sẽ không chỉ là bài kiểm tra toàn diện của người học để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà còn để đánh giá quá trình dạy, học; vừa để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Nguồn: https://nhandan.vn/cac-nha-truong-hoc-sinh-tang-toc-on-tap-san-sang-cho-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-post873126.html
Bình luận (0)