Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Căng sức giữ rừng mùa nắng nóng

(Baothanhhoa.vn) - Thị xã Nghi Sơn có 3.489ha rừng tự nhiên và 10.807ha rừng trồng. Rừng trên địa bàn thị xã Nghi Sơn được xác định là vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy trong mùa nắng nóng, khô hanh. Đặc biệt, diện tích rừng trồng cây thông có thảm thực bì dày, lượng nước trong lá ít, thân cây lại có tinh dầu kết hợp với thảm thực bì dày, khô tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa26/05/2025

Căng sức giữ rừng mùa nắng nóng

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa và Hạt Kiểm lâm thị xã Nghi Sơn kiểm tra công tác PCCCR tại phường Nguyên Bình.

Tìm hiểu thực tế của chúng tôi một số vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn thị xã trong những năm trước đây có nguyên nhân từ ý thức bất cẩn của ng­ười dân trong việc dùng lửa để xử lý thực bì trồng rừng, đốt than, đốt vàng mã, đốt ong, hút thuốc lá, thuốc lào trong rừng. Bên cạnh đó, một số đối tượng do có mâu thuẫn cá nhân xuất phát từ lợi ích rừng và đất lâm nghiệp đã cố ý đốt rừng để phá hoại tài sản của nhau, đang tiềm ẩn mối lo cháy rừng lớn...

“Để giữ rừng, ngay từ đầu năm 2025 Hạt Kiểm lâm thị xã Nghi Sơn đã tham mưu cho thị ủy, UBND thị xã, Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững thị xã giai đoạn 2021-2025 ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở, các ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn, trọng tâm là thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR); các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh về công tác BV&PTR, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện tốt phương châm “phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, hiệu quả”. Hạt kiểm lâm đã rà soát bổ sung vùng trọng điểm cháy rừng gần 2.000ha ngoài thực địa vào bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng; xây dựng phương án tác chiến chữa cháy rừng (CCR), sơ đồ tác chiến CCR nhằm chủ động ứng phó với các tình huống cháy rừng có thể xảy ra. Trọng tâm là tập trung 3 nhóm giải pháp: giảm vật liệu cháy dưới tán rừng khu vực trọng điểm; tổ chức chỉ huy CCR, tuần tra canh gác lửa rừng; quản lý chặt chẽ nguyên nhân gây cháy rừng. Hướng dẫn chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư xây dựng, rà soát, bổ sung phương án PCCCR cụ thể, phù hợp thực tế”- đồng chí Nguyễn Trần Phương, Hạt Kiểm lâm thị xã Nghi Sơn, chia sẻ.

Hạt kiểm lâm đã tham mưu cho chính quyền địa phương bố trí lực lượng, phương tiện, hậu cần tại vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao để khi phát hiện, xử lý tình huống kịp thời, thực hiện phương án CCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý BVR, không để xảy ra “điểm nóng” về cháy rừng, khai thác rừng trái phép. Chủ động đầu tư mua sắm trang, thiết bị, dụng cụ cho lực lượng tham gia. Tăng cường công tác đối thoại với Nhân dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở; phối hợp giải quyết hiệu quả, triệt để các mâu thuẫn dẫn đến cố ý đốt hủy hoại rừng; điều tra, xác minh và xử lý nghiêm hành vi cố ý hủy hoại tài nguyên rừng. Trực canh gác lửa rừng, phát hiện sớm đám cháy để xử lý kịp thời không để xảy ra cháy lớn. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ sử dụng phương tiện PCCCR. Cấp xã và các chủ rừng có 36 tổ, đội với 498 người tham gia PCCCR. Gần 5 tháng đầu năm 2025, Hạt Kiểm lâm thị xã Nghi Sơn đã phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã Nghi Sơn chủ động xử lý vật liệu cháy dưới tán rừng thông bằng biện pháp đốt trước có điều khiển được 60,02ha; phát dọn thực bì, làm giảm vật liệu cháy được 974,6ha; phát dọn thực bì theo đường băng được 14,25km. Xây dựng mới 2,84km đường băng cản lửa kết hợp đường tuần tra PCCCR; tu sửa 22km đường băng cản lửa xây dựng từ các năm trước đây phục vụ tuần tra, kiểm tra an ninh rừng, đường tác chiến CCR khi có tình huống cháy xảy ra. Qua kiểm tra đánh giá của Chi cục Kiểm lâm, sau khi đốt trước đã làm giảm từ 70 - 85% vật liệu cháy, từ đó giảm nguy cơ cháy trong mùa nắng nóng.

Trên địa bàn thị xã, có nhiều điểm vui chơi, nghỉ mát nằm sâu trong rừng, những ngày nắng nóng, nhiều người dân thường vào trong rừng để tránh nắng, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên thường tụ tập thành nhóm vào rừng cắm trại, tham quan, tắm suối rồi tổ chức nấu đồ ăn, sử dụng lửa bất cẩn có nguy cơ gây cháy rừng rất cao, nếu để xảy ra cháy rừng, có khả năng cháy lớn, công tác chữa cháy sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong các tháng đầu năm 2025, hạt kiểm lâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ rừng tăng cường tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức để cán bộ và người dân nhận thức được rừng trên địa bàn có ý nghĩa to lớn đối với đời sống con người, môi trường và phát triển kinh tế - xã hội. Cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng, chủ rừng và người dân trên địa bàn thị xã Nghi Sơn đã thực hiện đồng bộ các giải pháp BVR, PCCCR với phương châm phòng là chính, chữa cháy rừng khẩn trương, kịp thời, triệt để, hành động cương quyết, dứt khoát, hạn chế khả năng bén lửa của vật liệu cháy, không để cháy lan rộng. Nét mới là Hạt Kiểm lâm thị xã Nghi Sơn đã phối hợp với các trường học đóng trên địa bàn và địa phương thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền sâu rộng để sinh viên, học sinh hiểu được lợi ích to lớn của rừng đối với đời sống con người và phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, chủ động thực hiện tốt các quy định BVR, PCCCR...

Kết quả, các tháng đầu năm 2025, Hạt Kiểm lâm thị xã Nghi Sơn đã trực tiếp phối hợp với các trường THPT và THCS trên địa bàn phát 5.000 tờ rơi và tuyên truyền về chủ động BVR, PCCCR cho 3.527 học sinh; phối hợp với địa phương tuyên truyền BVR cho thanh niên, sinh viên về quê dịp nghỉ lễ, hè. Tại các buổi tuyên truyền, các em học sinh, sinh viên được nghe cán bộ, kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm thị xã Nghi Sơn nêu bật vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của rừng đối với môi trường và cuộc sống của cộng đồng dân cư; tác hại của cháy rừng và những việc làm cụ thể để quản lý, BV&PTR, PCCCR và hiểu biết cụ thể về các hành vi gây tổn hại đến rừng bị nghiêm cấm trong Luật Lâm nghiệp. Các em đã được trang bị những kiến thức cơ bản về công tác BV&PTR. Các em học sinh, sinh viên được tuyên truyền đã nhận thức trong những ngày cao điểm nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao, cần hạn chế tập trung vào rừng đi du lịch, nghỉ mát, tắm suối và tuyệt đối không sử dụng lửa để nấu đồ ăn gây cháy rừng, đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động giữ rừng.

Trong đợt cao điểm nắng nóng, Hạt Kiểm lâm thị xã Nghi Sơn chủ động phối hợp với chủ rừng, chính quyền địa phương tổ chức 8 chốt trực gác lửa rừng trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, bao gồm các xã: Tân Trường, Phú Lâm, Hải Nhân, Định Hải và các phường: Tân Dân, Nguyên Bình, Hải Thượng, Trúc Lâm. Các thành viên được phân công trực gác có trách nhiệm quan sát lửa rừng trên địa bàn được giao và khu vực lân cận để phát hiện sớm lửa rừng, kiểm soát người ra vào rừng; mang theo máy thổi gió kịp thời CCR khi đám cháy mới phát sinh trên địa bàn đang trực; phát hiện cháy tại khu vực khác phải thông tin kịp thời cho các chốt trực khác và đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra và CCR, không để cháy lan ra diện rộng. Ngoài các chốt trực cố định, hạt đã phân công cán bộ trực PCCCR 24/24 giờ tại trụ sở làm việc; tổ chức tuần tra, quan sát lửa rừng lưu động; kiểm tra các khu rừng trọng điểm, kiểm soát, kiên quyết không cho những đối tượng không có phận sự vào rừng trong thời gian cấp dự báo cháy rừng từ cấp IV trở lên. Thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp trong công tác huy động lực lượng CCR; phối hợp tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về BVR, PCCCR. Chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện CCR khi có tình huống cháy rừng xảy ra.

Hiện nay, toàn bộ diện tích rừng của thị xã Nghi Sơn phát triển xanh tốt; an ninh rừng cơ bản ổn định. Nhận thức của người dân trong công tác BVR được nâng lên, góp phần bảo vệ “lá phổi xanh” cho thị xã công nghiệp phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Thu Hòa

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/cang-suc-giu-rung-mua-nang-nong-249932.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm