Em Lê Duy Bảo (16 tuổi) tự tin trình diễn piano tại Festival Piano lần thứ hai năm 2023 diễn ra tại Thừa Thiên Huế.
1. Ngày Lê Duy Bảo cất tiếng khóc chào đời là ngày mà gia đình chị Cao Thị Hằng (40 tuổi, hiện sinh sống ở Hà Nội) vỡ òa trong niềm vui sướng, hạnh phúc. Nhìn gương mặt khôi ngô, ánh mắt lanh lợi của con, gia đình chị Hằng ngập tràn hy vọng. Nhưng khi Bảo được 18 tháng, chị Hằng nhận thấy, Bảo có những biểu hiện bất thường, không giống như những đứa trẻ khác. Chị Cao Thị Hằng tâm sự: “Ở độ tuổi con, các bạn gần như đã bi bô tập nói nhưng Bảo thì không. Con cũng không có sự tương tác qua lại với mọi người xung quanh”.
Nhận thấy những bất thường ấy, vợ chồng chị Hằng đưa Bảo đến nhiều bệnh viện lớn của Trung ương, của tỉnh thăm khám nhưng các bác sĩ không có kết luận rõ ràng mà chỉ đưa ra những nhận định, khuyên gia đình theo dõi thêm. Chị Hằng dồn hết tâm sức đồng hành cùng con “chiến đấu”, “gõ cửa” nhiều lớp học để tìm kiếm cho con cơ hội để được sống cuộc đời bình thường như bao đứa trẻ khác. Chị Hằng chia sẻ: “Khi Bảo được 2 tuổi rưỡi, lần đầu tiên con bật lên được những âm thanh bập bẹ mà lòng mình vui sướng, bật khóc nức nở”.
Nói về việc học của Bảo, câu nào chị Hằng cũng rưng rưng. Chị Hằng không thể nào quên giai đoạn hai mẹ con “vật lộn” với từng nét chữ, từng con số. “Để có thể cho Bảo đến trường đi học như bao bạn bè đồng trang lứa với mình là cả chuỗi dài nước mắt, khó khăn vô cùng. Hai mẹ con phải nghe rất nhiều lời từ chối, tế nhị cũng có, thẳng thừng cũng có. Để Bảo có thể cầm bút viết được một chữ C chưa tròn vành, hai mẹ con đã trải qua 5 lần đi xin học. Để tiếp nhận Bảo vào học, cả hội đồng trường phải tổ chức họp”.
Chị Hằng kiên trì bên con, cẩn thận quan sát từng điệu bộ, cử chỉ, tỉ mỉ nắn nót cho con từng con chữ, động viên con cố gắng, xoa dịu con những khi con quá khích. Chị Hằng kể: “Có dạo mình đăng ký cho con đi học bơi. Trước khi xin học, mình cũng đã trao đổi trước với thầy về tình hình của Bảo. Thầy bảo không sao, cứ yên tâm mang con đến học. Mình vui lắm, nghĩ con sẽ lại học hỏi thêm được nhiều điều mới. Nhưng sau khi gặp Bảo, thầy đã thay đổi ý định. Thầy nói gia đình thông cảm và hoàn lại tiền học phí mình đã đóng trước đó. Mình không đếm được đã bao lần mình và Bảo bị từ chối như thế. Mình không trách, không giận, mình hiểu điều khó xử của thầy cô, của nhiều bậc phụ huynh khi có con học cùng Bảo. Trên đường từ lớp học bơi về, mình đã khóc vì thương con rất nhiều”. Bảo và gia đình chưa bao giờ bỏ cuộc, cứ thế nhích lên từng chút từng chút một trên hành trình đầy vất vả, nhọc nhằn với niềm tin về những điều tốt đẹp đang đón chờ ở phía trước, mọi nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng.
Mọi chuyện vẫn cứ diễn ra như vậy cho đến một hôm, vô tình chị Hằng nhìn thấy Bảo nghịch chiếc đàn piano đồ chơi của em gái một cách rất hào hứng, nét tươi tỉnh hiện rõ trên gương mặt. Và càng bất ngờ hơn nữa khi em chủ động đưa tay gõ vào đàn để chúng phát ra âm thanh rồi hát. Ban đầu, những nốt nhạc rời rạc, ngẫu hứng. Nhưng Bảo càng đánh đàn càng hăng hái, những âm thanh phát ra như có trật tự, có giai điệu hơn. Chị Hằng bảo: “Mình nghe thấy giai điệu rất quen thuộc, như cái bài hát em của Bảo vẫn thích nghe: "Trời nắng, trời nắng, thỏ đi tắm nắng...", mình nghe ra được giai điệu ấy. Sau đó, mỗi ngày, Bảo đều làm bạn với chiếc đàn đồ chơi ấy. Nhiều hôm cao hứng, Bảo gõ đàn và hát nữa”. Khi ấy Bảo lên lớp 6, vừa tròn 12 tuổi.
2. Thấy con có niềm yêu thích đặc biệt với âm nhạc, chị Hằng đã mạnh dạn tìm hiểu, xin cho Bảo theo học piano tại Trung tâm Đào tạo và Phát triển tài năng âm nhạc Young Artists School của Thạc sĩ, cô giáo Vũ Huyền Thanh (phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa). Vẫn “thủ tục” cũ được lặp lại, chị Hằng đến nhà cô Thanh trao đổi trước với cô về “sự khác biệt” của Bảo. Cô Thanh không ngần ngại mà đồng ý. Kinh nghiệm từ những lần trước đó khiến chị Hằng chưa dám vội mừng. Ngày đầu tiên chị Hằng đưa Bảo đến lớp, cô Thanh ân cần hỏi han, tận tình, nhẫn nại chỉ cho Bảo từng chút, từng chút một. “Cả cô và Bảo đều rất “dễ chịu” với nhau. Bảo hợp tác ngay từ lần đầu tiếp xúc. Và khi kết thúc buổi học, cô Thanh vui vẻ chào hai mẹ con, hẹn gặp lại ở buổi học sau khiến tôi vô cùng xúc động. Chưa bao giờ, ở một lớp học nào, hai mẹ con được chào đón như thế” - chị Hằng nghẹn lời.
Kể từ đó, hai mẹ con Bảo đều đặn đến lớp học đàn của cô Thanh mỗi tuần 2 buổi, sau đó tăng dần. Lớp học chủ yếu diễn ra vào buổi tối và các ngày thứ 7, chủ nhật. Chị Hằng nhớ những đêm rét mướt căm căm hay mưa gió, hai mẹ con vẫn kiên định một cung đường. Bảo vẫn cùng cô miệt mài tập luyện. Trong quá trình học, có những khi Bảo nổi cáu, đấm vào lưng cô thùi thụi nhưng cô vẫn kiên trì, vừa dỗ dành vừa động viên giúp Bảo bình tâm trở lại, tiếp tục bài học. Mỗi ngày, các ngón đàn của Bảo đúng kỹ thuật, linh hoạt hơn cũng là bấy nhiêu nỗ lực, quyết tâm, tình yêu thương đổi lại. Chị Hằng chân thành chia sẻ: “Mình có cảm tưởng như khi con được chơi đàn là lúc con nhẹ nhõm và hạnh phúc, say mê nhất. Từ những buổi đầu, cô Thanh đã nhận xét Bảo rất có năng khiếu, có tố chất đặc biệt và có thể đi xa với niềm đam mê này. Đó cũng là động lực để gia đình, cô giáo và bản thân Bảo không ngừng cố gắng”.
Lần đầu tiên nhìn thấy Bảo biểu diễn piano trong chương trình “Sao nhí tỏa sáng” do Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa tổ chức, gia đình và cô giáo không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc. Ở cuộc sống đời thường, Bảo là chàng trai chậm nói, có phần khó khăn trong giao tiếp và bộc lộ cảm xúc. Nhưng với thế giới âm nhạc, Bảo hoàn toàn đắm chìm, thả hồn mình trên từng phím đàn. Tại chương trình “Sao nhí tỏa sáng” năm 2022, Lê Duy Bảo xuất sắc giành giải ba, phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng của em và gia đình, cô giáo.
Sau cuộc thi này, Bảo và gia đình nuôi ước mơ theo đuổi piano chuyên nghiệp. Bảo cùng cô Thanh vẫn đồng hành cùng nhau đi qua biết bao cung bậc cảm xúc, khóc - cười cùng nhau trên những phím đàn. Bảo lần lượt đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi piano toàn quốc và quốc tế. Năm 2024, Lê Duy Bảo đã trúng tuyển vào Khoa piano, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam trong niềm vui sướng, vỡ òa của gia đình và cô giáo. Chị Hằng xúc động: “Thời gian ôn thi vào nhạc viện của Bảo khoảng hơn 1 năm. Ngoài học với cô Thanh, mỗi tuần Bảo cùng mẹ từ Thanh Hóa ra Hà Nội, học 45 phút xong rồi lại lóc cóc về. Có lúc Bảo luyện đàn 10 tiếng/ngày; đến lúc gần thi thì xin học tăng thêm số buổi với thầy, cô ở Hà Nội”.
Ngày Bảo nhận tin trúng tuyển cũng là ngày gia đình em rục rịch chuẩn bị bước vào hành trình mới. Để tiếp tục đồng hành cùng Bảo, cả gia đình đã quyết định chuyển hẳn ra Hà Nội sinh sống. “Lựa chọn như vậy đồng nghĩa với việc gia đình mình sẽ gần như bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Nhưng những khó khăn ấy chẳng là gì so với niềm hạnh phúc được trông thấy Bảo lớn khôn hơn mỗi ngày, gia đình vẫn đầm ấm, quây quần bên nhau. Giờ đây, mình vẫn ngày ngày đưa Bảo đến trường, nhìn thấy con vui vẻ chào mẹ để vào lớp, mình thực sự thấy hy sinh nào cũng đều xứng đáng”. Vừa qua, chị Hằng chia sẻ niềm vui: Bảo đã xuất sắc hoàn thành kỳ thi cấp chứng chỉ piano quốc tế cấp độ 8. Chị Hằng vẫn kiên định một mục tiêu: “Chẳng biết điều gì sẽ đến hay nói trước, mình chỉ biết luôn động viên con cố gắng, không bao giờ bỏ cuộc”.
Giữa cuộc sống này, câu chuyện của Lê Duy Bảo và gia đình góp phần lan tỏa thông điệp yêu thương, nghị lực vươn lên trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ở đó, tình yêu thương vô điều kiện của gia đình, sự tận tâm của cô giáo và sự diệu kỳ của thế giới âm nhạc đã có sự kết nối đặc biệt, trở thành liều thuốc tinh thần hiệu quả. Và Lê Duy Bảo, bằng niềm đam mê, nghị lực của mình đã và đang chơi bản nhạc hay nhất cuộc đời mình...
Bài và ảnh: Hương Thảo
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/cau-be-dac-biet-va-hanh-trinh-theo-duoi-uoc-mo-tro-thanh-nghe-si-piano-chuyen-nghiep-244662.htm
Bình luận (0)