Ý tưởng xây dựng một cây cầu vượt sông Thu Bồn, kết nối vùng đông của tỉnh Quảng Nam với Hội An và các khu vực lân cận đã được ấp ủ từ lâu.
Ngày 6/2/2009, Văn phòng Chính phủ chính thức ban hành Thông báo số 36/TB-VPCP, ghi nhận kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Một trong những nội dung quan trọng là sự đồng ý của Trung ương về việc hỗ trợ 50% tổng mức vốn đầu tư cho Dự án cầu Cửa Đại, phần còn lại sẽ do địa phương khai thác từ quỹ đất và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đây là một quyết định mang tính bước ngoặt, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của Quảng Nam.
Ngày 17/7/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ánh đã ký Quyết định 2337/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Cửa Đại. Ban Quản lý sắp xếp dân cư ven biển tỉnh Quảng Nam, sau này sáp nhập vào Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (nay là Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam), được giao làm chủ đầu tư dự án. Vị trí của cầu Cửa Đại được xác định bắc qua sông Thu Bồn, nằm trên tuyến đường tránh lũ thuộc dự án tổng thể sắp xếp dân cư ven biển.
Mục tiêu chính của dự án không chỉ là phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai cho vùng ven biển, mà còn từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trong khu vực và mạng lưới đường ven biển quốc gia. Cầu Cửa Đại còn đóng vai trò là tiền đề quan trọng để triển khai quy hoạch chi tiết cơ sở hạ tầng các khu dân cư lân cận, mở rộng và phát triển không gian đô thị, hiện đại hóa nông thôn.
Về vị trí chiến lược, cầu Cửa Đại mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ổn định chính trị, củng cố an ninh - quốc phòng, và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đông tỉnh Quảng Nam. Cây cầu đã tạo ra một trục giao thông chính, kết nối các vùng ven biển phía Đông của tỉnh với TP.Đà Nẵng, Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), và tạo liên kết vùng ven biển khu vực miền Trung...
Điều này đã tạo ra một động lực mạnh mẽ để thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án du lịch có quy mô lớn. Đồng thời, cầu Cửa Đại còn giúp phát huy tối đa lợi thế và kích cầu đầu tư 20.000ha đất vùng ven biển, kết nối với Khu kinh tế mở Chu Lai và Di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, và du lịch của tỉnh. Sự ra đời của cầu Cửa Đại thể hiện sự quan tâm lớn lao của Đảng và Nhà nước đối với một vùng đất giàu truyền thống cách mạng nhưng chưa có điều kiện để phát huy hết tiềm năng sẵn có.
[VIDEO] - Sự kiện khánh thành cầu Cửa Đại năm 2016:
Gần như song hành với thời điểm triển khai dự án cầu Cửa Đại, các dự án đường cứu hộ, cứu nạn với quy mô mặt cắt tương đương với phần đường dẫn cầu Cửa Đại (rộng 38m) đã được triển khai xây dựng, bắt đầu từ km18+300 đến km40+880 (giao nhau quốc lộ 40B). Đây là những bước đi đầu tiên để hình thành nên tuyến đường ven biển huyết mạch của Quảng Nam.
Để có được một tuyến đường Võ Chí Công thông suốt, dài 69,4km như ngày nay, tỉnh Quảng Nam đã tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư vào các dự án thành phần khác. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng đường trục chính từ khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai có mục tiêu nối liền tuyến đường ven biển trên địa bàn tỉnh từ Hội An đến sân bay Chu Lai, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh.
Đáng chú ý, công trình này đã kết nối hoàn chỉnh giao thông thông suốt hành lang ven biển từ Đà Nẵng qua Hội An và Khu kinh tế Chu Lai đến sân bay Chu Lai và nối tiếp đến Dung Quất (Quảng Ngãi). Tuyến đường này đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng phát triển du lịch dịch vụ của tỉnh cũng như phát triển công nghiệp của Khu kinh tế mở Chu Lai, đồng thời đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng cao của dân cư khu vực dọc hai bên dự án cũng như các khu đô thị, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông phù hợp với quy hoạch, cải thiện đời sống người dân, tạo cảnh quan đô thị và làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Quảng Nam.
[VIDEO] - UBND tỉnh tổ chức lễ gắn biển và thông xe kỹ thuật tuyến đường Võ Chí Công, đoạn từ nút giao quốc lộ 40B, TP.Tam Kỳ đi sân bay Chu Lai (Núi Thành) năm 2020:
Tiếp theo đó, Dự án mở rộng đường biển Võ Chí Công đoạn từ cầu Cửa Đại vào TP.Tam Kỳ đã được triển khai, với tổng chiều dài 36,5km và quy mô mặt cắt ngang quy hoạch rộng 38m. Dự án này đã hoàn thành việc thông xe qua làn đường mới vào tháng 9 năm 2023, góp phần hoàn thiện tuyến đường ven biển từ cầu Cửa Đại đến nút giao QL40B.
Cuối cùng, Dự án hoàn thiện đường ven biển 129 (Võ Chí Công) với tổng mức đầu tư gần 2.056,76 tỷ đồng đã được phê duyệt và triển khai, nhằm hoàn thiện và nâng cấp hệ thống giao thông liên vùng nối cầu Cửa Đại đến sân bay Chu Lai, hình thành tuyến giao thông huyết mạch vùng ven biển, kết nối liên vùng Đà Nẵng, Quảng Nam và Khu công nghiệp Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), đồng thời kết nối đường ven biển đến Khu công nghiệp Đông Quế Sơn và quốc lộ 14H, phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, du lịch, đô thị, dịch vụ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và đảm bảo an ninh quốc phòng.
[VIDEO] - Thông xe toàn tuyến đường Võ Chí Công vào tháng 9/2023:
Sự hoàn thiện của Cầu Cửa Đại và Đường Võ Chí Công đã tạo ra một bước ngoặt trong việc thu hút đầu tư vào vùng đông Quảng Nam. Với hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại, khu vực này đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Một trong những dự án tiêu biểu là Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An do Tập đoàn VinaCapital và Tập đoàn Gold Yield Enterprises đầu tư, với tổng diện tích 985ha và tổng vốn đầu tư lên đến 4 tỷ USD. Dự án được khởi công vào tháng 4 năm 2016 và đến nay đã hoàn thành giai đoạn một với 4 khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế, 1 sân golf, 1 casino và khu nhà ở thương mại, tổng mức đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD.
Dự án này đã tạo việc làm cho hơn 2.500 lao động địa phương và khoảng 3.000 lao động gián tiếp, đồng thời trở thành doanh nghiệp FDI đóng thuế lớn nhất vào ngân sách nhà nước tại Quảng Nam. Tập đoàn cũng đã chuẩn bị thêm 300 triệu USD để triển khai giai đoạn 2, bao gồm khu trung tâm hội nghị, khu triển lãm, thể thao, mua sắm, vui chơi giải trí lớn nhất miền Trung.
Tháng 3 năm 2024, BIN Corporation Group đã được tỉnh trao thỏa thuận nguyên tắc nghiên cứu địa điểm đầu tư dự án đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nam Thăng Bình với tổng vốn 6.850 tỷ đồng. Dự án có quy mô 325ha, hướng tới xây dựng một khu công nghiệp công nghệ cao, sinh thái, hứa hẹn thu hút các nhà đầu tư thứ cấp trong và ngoài nước.
Mới đây, ROBINSON CLUB - thương hiệu nghỉ dưỡng cao cấp thuộc Tập đoàn TUI, đã chính thức ra mắt khu nghỉ dưỡng ROBINSON Nam Hội An tại bãi biển Tam Tiến (Núi Thành). Với 318 phòng nghỉ tiện nghi, thiết kế tinh tế, cùng hàng loạt tiện ích và dịch vụ đẳng cấp, khu nghỉ dưỡng này đã khẳng định sức hấp dẫn của vùng đông Quảng Nam đối với phân khúc du lịch cao cấp.
Tác động tích cực của Cầu Cửa Đại và Đường Võ Chí Công không chỉ thể hiện ở những con số đầu tư ấn tượng mà còn ở sự thay đổi rõ rệt trong đời sống của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - 82 tuổi, ở thôn An Lương, xã Duy Hải (Duy Xuyên), chia sẻ rằng gần 10 năm qua, kể từ khi cầu Cửa Đại hoàn thành, người dân không còn phải "lụy đò" mỗi khi muốn lên phố. Kinh tế địa phương cũng phát triển hơn nhờ việc thông thương hải sản thuận lợi, con em trong vùng có thêm nhiều cơ hội việc làm từ các khu du lịch.
Đặc biệt, tuyến đường ven biển đã mở ra quỹ đất rộng lớn khoảng 20.000ha, tạo điều kiện cho việc phát triển các dự án đô thị, du lịch, dịch vụ cao cấp.
Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, cho biết nguồn lực đất đai vùng đông của huyện đã được khai phóng, sẵn sàng bàn giao cho các nhà đầu tư.
[VIDEO] - Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Chí Dũng đánh giá tiềm năng về quỹ đất dọc đường Võ Chí Công:
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhận định rằng không gian phát triển của vùng đông Quảng Nam vẫn còn rất lớn. Dải đất dọc bờ biển từ cầu Cửa Đại (Hội An) đến Cửa Lở (Núi Thành) là một lợi thế to lớn để thu hút các nhà đầu tư. UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo thực hiện thí điểm giải phóng mặt bằng Dự án KCN Tam Anh Nam (450ha) và KCN Nam Thăng Bình (650ha) để tạo quỹ đất sạch, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư lớn.
Tại TP.Tam Kỳ, các khu đô thị mới như Sông Đầm, đô thị ven trục đường Nguyễn Tất Thành nối dài xuống biển, cùng các tổ hợp y tế công nghệ cao, y tế kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng sẽ được hình thành. Ở Duy Xuyên, đã có doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư dự án bến du thuyền.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), trên trục đường ven biển từ cầu Cửa Đại vào sân bay Chu Lai đang có hai đầu tàu phát triển là Dự án Hoiana Resort & Golf ở phía bắc và các dự án của THACO ở phía nam. Quỹ đất sạch dọc hai bên tuyến đường ven biển được hình thành từ 20 năm nay được xem là "vàng", là "của để dành" cho tương lai của Quảng Nam, đặc biệt là cho các dự án lớn về công nghệ cao và các khu phức hợp đô thị ven biển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh rằng quỹ đất ven biển là thế mạnh nổi trội của Quảng Nam và cần được khai thác hiệu quả, biến đường ven biển thành hành lang phát triển mới, tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch ở phía đông và công nghiệp, đô thị ở phía tây.
[VIDEO] - Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính gợi ý Quảng Nam về quy hoạch quỹ đất ven biển hiệu quả:
* * *
Cầu Cửa Đại và đường Võ Chí Công không chỉ là những công trình giao thông đơn thuần mà còn là những biểu tượng của khát vọng phát triển, sự năng động và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Từ "lụy đò" đến "cất cánh", Quảng Nam viết nên câu chuyện phát triển kỳ diệu nhờ hai công trình thế kỷ, tạo ra diện mạo mới cho vùng đất giàu tiềm năng này, đồng thời mở ra những cơ hội phát triển tươi sáng trong tương lai. Với hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, Quảng Nam đang tự tin "cất cánh" từ quỹ đất vàng ven biển, hướng tới mục tiêu trở thành một trong những tỉnh phát triển của khu vực miền Trung và cả nước.
Thực hiện: DOÃN THÀNH TRÍ - CÔNG TÚ - HỒ QUÂN
Đồ họa: NGUYỄN TUẤN
Nguồn: https://baoquangnam.vn/megastory-cau-cua-dai-va-duong-vo-chi-cong-cong-trinh-the-ky-chap-canh-quang-nam-vuon-tam-3151673.html
Bình luận (0)