Đứng sừng sững, uy nghi bên con đường dẫn vào bản Kè, xã Lâm Hóa, cây bằng lăng cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm được người dân bảo vệ, xem như báu vật của bản làng. Đầu hè cây nở hoa, bung những nụ màu tím nhạt, dịu dàng khoe sắc, tạo nên một vẻ đẹp lãng mạn và quyến rũ.
Bà Cao Thị Vân, Trưởng bản Kè cho biết, người dân trong bản hay học sinh đi học đều qua đây, nghỉ ngơi dưới bóng cây bằng lăng già. Đây cũng là nơi lý tưởng để du khách nghỉ ngơi, thư giãn dưới tán lá xanh mát trước khi đặt chân lên chiếc cầu treo xinh xắn bắc qua sông Gianh để vào bản. “Từ du khách nước ngoài đến người Việt, ai đến đây cũng đều ngắm nhìn, khen ngợi vẻ đẹp và sự uy nghi của cây bằng lăng cổ thụ này”, bà Vân tự hào.
|
Ở Tuyên Hóa, cây bằng lăng thường mọc nhiều vùng thượng nguồn sông Gianh. Tuy nhiên, không phải dễ gì để tìm thấy cây bằng lăng cổ thụ cao lớn như ở bản kè, xã Lâm Hóa. Cây có chiều cao khoảng 40m, cành lá sum suê, đường kính gốc khoảng 2m. Ở độ cao hơn 2m tính từ mặt đất, cây tách thành hai thân và nhiều cành nhánh tỏa ra các hướng.
Theo già làng Cao Văn Ngụ ở bản Kè, đối với người Mã Liềng (dân tộc Chứt), những cây cổ thụ là nơi thần rừng trú ngụ nên không ai được động vào, nếu không sẽ bị quở trách. Đó cũng là nguyên nhân lý giải ở bản Kè, ngoài cây bằng lăng nói trên còn có nhiều cây cổ thụ khác không bị chặt phá hay xâm hại. Người dân trong bản khi làm nhà hay bất cứ việc gì cần đến gỗ họ chỉ dùng những cây nhỏ; khi vào rừng, người Mã Liềng có quy ước hạn chế đến mức thấp nhất việc chặt đốn cây nếu không cần thiết, khi lấy một thứ gì từ rừng mang về đều phải cầu xin thần rừng. Và, nơi để gửi gắm những lời cầu xin ấy, chính là những gốc cây cổ thụ.
Cây bằng lăng cổ thụ ở bản Kè không chỉ phong phú về mặt sinh học mà còn gắn bó sâu đậm với đời sống và tâm hồn của người dân nơi đây. Với hình dáng mạnh mẽ, cành lá xanh mát và hoa tím đẹp mắt, cây bằng lăng cổ thụ trở thành biểu tượng của sự trường tồn, sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, là biểu tượng của tình yêu và sự bền vững. Nhìn những chùm hoa màu tím nhạt bung nở giữa cảnh núi non hùng vĩ, người ta không khỏi ấn tượng bởi vẻ đẹp hoang dã, mộc mạc nhưng không kém phần quý giá.
|
Theo người dân địa phương, cây bằng lăng cổ thụ cạnh đường vào bản Kè, xã Lâm Hóa có tuổi đời ít nhất hơn 100 năm. Đây là cây rừng mọc tự nhiên được người dân bảo vệ mà tồn tại đến ngày nay.
Ông Đinh Văn Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) cho biết: Hiện nay, địa phương đang có kế hoạch xây dựng bản Kè trở thành bản văn hóa kiểu mẫu. Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mã Liềng, dân tộc Chứt, xã cũng đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, tăng cường trồng thêm cây xanh, đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng với mong muốn bản Kè sẽ trở thành một điểm du lịch cộng đồng trong tương lai.
Với vẻ đẹp độc đáo và ý nghĩa sâu sắc, cây bằng lăng cổ thụ ở bản Kè, xã Lâm Hóa sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa và đời sống của người dân nơi đây, là điểm nhấn quan trọng đối với du khách khi đặt chân đến mảnh đất này.
Văn Tư
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202505/cay-bang-lang-co-thu-o-thuong-nguon-song-gianh-2226159/
Bình luận (0)