Dành sự quan tâm đặc biệt cho người có công
Theo báo cáo của Phòng Người có công (Sở Nội vụ), hiện toàn tỉnh có trên 48.000 người là đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định. Trong đó, có trên 8.300 người có công trực tiếp với cách mạng như cán bộ lão thành, mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học... Hiện mỗi tháng, tỉnh Quảng Ninh chi trả hơn 12.000 suất trợ cấp thường xuyên, góp phần bảo đảm cuộc sống ổn định cho các đối tượng chính sách.
Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ chế độ của trung ương, tỉnh còn chủ động ban hành Nghị quyết 23/2023/NQ-HĐND và Nghị quyết 46/2024/NQ-HĐND, mở rộng hỗ trợ vượt khung so với quy định của nhà nước đối với đối tượng thương bệnh binh, người có công, như: Nâng mức quà tặng, hỗ trợ điều dưỡng, chi phí thăm viếng di tích, BHYT cho thân nhân… Dịp Tết Nguyên đán 2025, toàn tỉnh đã trao 45.280 suất quà với tổng kinh phí lên tới trên 51,7 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.
Đặc biệt, chương trình hỗ trợ nhà ở tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ. Sau hoàn thành hơn 12.000 căn nhà giai đoạn 2013-2021, từ năm 2023 đến nay, tỉnh hỗ trợ thêm hàng trăm hộ xây dựng nhà ở. Riêng năm 2025, tỉnh đã phê duyệt danh sách 306 hộ (122 hộ xây mới, 184 hộ sửa chữa), phấn đấu hoàn thành trước ngày 27/7 theo yêu cầu tại Công điện số 102/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ông Phạm Cẩm (người hoạt động kháng chiến có huân huy chương), thôn Giếng Sen, phường Quảng Yên, chia sẻ: "Khi được địa phương xét hỗ trợ xây mới nhà theo chính sách người có công, tôi mừng lắm. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước và chính quyền địa phương, giờ tôi đã có căn nhà khang trang, kiên cố. Không chỉ có chỗ ở đàng hoàng, mà tinh thần cũng phấn chấn hơn. Tôi biết ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã không quên những người lính già như tôi. Chính sách này thật sự ý nghĩa, không chỉ giúp tôi mà còn giúp nhiều đồng đội cũ của tôi có được tuổi già an yên".
Cùng với đó, tỉnh rà soát giải quyết dứt điểm các trường hợp đề nghị xác nhận người có công trong chiến tranh còn tồn đọng đúng đối tượng và không để sót, lọt; tăng cường công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh còn thất lạc. Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cũng coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng; phát huy vai trò người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo rà soát, hướng dẫn và thực hiện chính sách người có công với cách mạng, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; đồng thời triển khai thực hiện các chính sách đối với người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế…
Song song đó, tỉnh duy trì hoạt động điều dưỡng người có công tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh với hơn 2.500 lượt/năm. Mức điều dưỡng được nâng lên 1,8 triệu đồng/người (điều dưỡng tập trung) và 900.000 đồng/người (điều dưỡng tại nhà). Qua đó, việc chi trả trợ cấp theo quy định của nhà nước với người có công được địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời. Sở Nội vụ đã tập trung hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ đề nghị xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công và thân nhân của họ theo đúng quy định hiện hành. Những chính sách trên không chỉ góp phần ổn định đời sống vật chất, mà còn nâng cao tinh thần cho người có công và gia đình chính sách.
Lan tỏa nghĩa cử “Uống nước nhớ nguồn”
Đồng chí Phạm Thị Vang, Trưởng Phòng Người có công (Sở Nội vụ) cho biết: Việc chăm sóc người có công không chỉ là trách nhiệm, mà còn là đạo lý dân tộc. Chính sách nhân văn cần đi kèm với thực tiễn hiệu quả, đúng người, đúng lúc, đúng nhu cầu. Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự đồng thuận của các địa phương, người dân, doanh nghiệp, tôi tin rằng những kết quả hiện tại sẽ tiếp tục được củng cố và nâng cao".
Thời gian qua, tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân, nhất là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của người có công với cách mạng. Từ đó, phát huy tinh thần trách nhiệm chung sức, chung lòng chăm lo, đền đáp bằng những hoạt động thiết thực. Trong đó, thực hiện kịp thời, đúng và đầy đủ, chu đáo chế độ ưu đãi đối với người có công; đẩy mạnh xã hội hóa việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ người có công hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống; thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” và tích cực ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”...
Trong đó, tuổi trẻ Quảng Ninh luôn tích cực gìn giữ và phát huy qua nhiều hoạt động thiết thực. Nhiều phong trào như: “Thắp nến tri ân”, “Ngày chủ nhật xanh chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ”, các hoạt động “về nguồn”, “Giao lưu với nhân chứng lịch sử”, đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh đã mang nhiệt huyết tuổi trẻ lan tỏa tinh thần tri ân sâu sắc. Tại nghĩa trang liệt sĩ ở các địa phương trong tỉnh, những buổi lễ tri ân trang nghiêm, ấm áp luôn có mặt đông đảo đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên. Tuổi trẻ không chỉ dọn dẹp, vệ sinh phần mộ liệt sĩ mà còn thắp từng nén nhang với sự thành kính, xúc động. Ngoài ra, nhiều mô hình sáng tạo, như: “Nuôi heo đất tri ân”, “Sổ tay người có công tại địa phương”, hay “Hành trình đến địa chỉ đỏ”... đã giúp thế hệ trẻ hiểu hơn, gắn bó hơn với giá trị lịch sử và đạo lý dân tộc.
Đặc biệt, cùng với các nguồn ngân sách nhà nước, Quảng Ninh đã phát huy hiệu quả Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” như một kênh vận động xã hội hóa giàu tính nhân văn, thu hút sự chung tay của toàn dân trong chăm lo người có công. Những năm qua, Quỹ là nguồn lực quan trọng, hỗ trợ hàng nghìn gia đình chính sách xây mới, sửa chữa nhà ở, khám chữa bệnh, tặng quà nhân dịp lễ Tết và các hoạt động tri ân khác.
Giai đoạn 2020-2024, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp tại Quảng Ninh đã huy động được gần 70 tỷ đồng, trong đó có hơn 27 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, còn lại là đóng góp tự nguyện từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hội đoàn thể và nhân dân. Từ nguồn quỹ, hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa được trao đến các gia đình; hàng nghìn suất quà, sổ tiết kiệm tri ân đã đến tận tay người có công và thân nhân. Nhiều mô hình “Đền ơn đáp nghĩa” sáng tạo từ quỹ đã được nhân rộng, như: “Góc tri ân” tại địa phương, “Giao lưu với người có công” trong trường học, “Mỗi tổ chức một địa chỉ chăm sóc người có công”… góp phần lan tỏa đạo lý tốt đẹp trong cộng đồng. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” không chỉ là nguồn tài chính, mà còn là biểu tượng sinh động của tinh thần tương thân tương ái, nhắc nhở các thế hệ hôm nay luôn ghi nhớ công ơn của cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Với những chính sách rõ ràng, cơ chế linh hoạt và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh khẳng định là địa phương tiêu biểu trong công tác chăm lo người có công. Không dừng ở con số, kinh phí hay căn nhà xây mới, điều quan trọng nhất là người có công và gia đình họ cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc với những đóng góp, hy sinh trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/cham-lo-cho-gia-dinh-chinh-sach-nguoi-co-cong-3364998.html
Bình luận (0)