Từ sáng sớm, khi bản làng còn chìm trong sương, Moong Văn Sơn đã rời nhà lên nương cắt một khối lượng cỏ lớn vận chuyển về khu trang trại chuẩn bị cho trâu, bò ăn.
Khu chuồng trại chăn nuôi gia súc được xây dựng ở khu vực kín gió, khá kiên cố, nền được bê tông cứng. Nhờ được chăm sóc tốt, đàn trâu, bò trong chuồng của chủ hộ béo tốt, bộ lông bóng mượt, khỏe mạnh. Nhìn sang quả đồi phía trước mặt cách đó không xa, nương trồng chuối của chàng thanh niên trẻ xanh mướt cả một vùng rộng lớn.
Nhờ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng chuối, mỗi năm Moong Văn Sơn có thu nhập ổn định từ 120 đến 140 triệu đồng. Khi được hỏi, người dân trong bản, xã đều vui mừng và rất thán phục vì sự nỗ lực vươn lên của chàng trai trẻ, bởi anh có một tuổi thơ bất hạnh và nghèo khó.
Moong Văn Sơn (áo xanh) chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ dân khác. |
Khi mới 7 tuổi, Moong Văn Sơn đã phải gánh chịu nỗi đau mất cả bố, mẹ, sống cảnh mồ côi. Từ đó, cậu bé người dân tộc Khơ Mú lớn lên trong sự đùm bọc của họ hàng, che chở của bà con bản làng vùng cao, với những bữa ăn khi đói, khi no.
Nhưng từ sự thương yêu của những người xung quanh, Sơn đã lớn lên, được học hành đầy đủ, từng bước trưởng thành. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, hiểu rõ hoàn cảnh của bản thân, chàng trai trẻ đã chọn lối đi riêng so với bạn bè cùng trang lứa. Trong khi phần lớn thanh niên trong bản chọn cách rời quê đi làm ăn xa, Sơn lại bám nương rẫy trồng chuối, chăn nuôi. Anh đăng ký học lớp sơ cấp thú y do huyện tổ chức, rồi tham gia mọi lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt để có thêm kiến thức về nông nghiệp. Cơ hội thực sự đến với chàng trai người dân tộc Khơ Mú khi vào năm 2016, anh may mắn tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng hỗ trợ các hộ dân thoát nghèo. Có được số tiền hơn 80 triệu đồng, Sơn đã xây dựng chuồng trại, tìm mua một con trâu và ba con bò cái sinh sản.
Đoàn viên, thanh niên địa phương đến tham quan mô hình phát triển của thanh niên trẻ. |
Từ đó, chàng trai trẻ dành phần lớn thời gian trồng cỏ, chăm sóc để gia súc tăng trưởng, sinh sản tốt. Có nguồn phân chăn nuôi dồi dào, anh đào hố trồng chuối biến toàn bộ diện tích đồi trọc trở nên xanh tươi, cho thu nhập ổn định.
Suốt gần 10 năm lao động vất vả, Moong Văn Sơn sở hữu vườn chuối rộng gần 5ha, tổng đàn trâu bò lên đến gần 40 con, cùng đàn dê, lợn…, mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 120 đến 140 triệu đồng/năm. Không chỉ thoát nghèo, hộ gia đình của chàng trai trẻ vươn lên làm giàu chính trên mảnh đất vốn được biết đến với sự khô cằn, sỏi đá.
Không bằng lòng với kết quả có được, Sơn còn đi học thêm nghề cơ khí, tập hợp một số thanh niên khác làm thành một tổ nhận xây dựng các công trình dân sinh cho nhân dân trong xã. Chính điều đó đã tạo công việc ổn định cho nhiều người trong thời điểm nông nhàn.
Khi được hỏi, Moong Văn Sơn chia sẻ: “Sinh ra, lớn lên đã chịu nhiều thiệt thòi, tôi biết chỉ có lao động chăm chỉ, áp dụng kiến thức khoa học vào sản xuất mới mang lại hiệu quả, tạo thu nhập ổn định. Từ nguồn vốn vay, nhờ sự kiên trì, bền bỉ phát triển kinh tế, gia đình tôi đã thoát được đói nghèo, từng bước có tích lũy. Từ đó, tôi cũng muốn giúp đỡ nhiều người khác vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no hơn”.
Nhờ những thành tích trên, Moong Văn Sơn là một trong những thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn tỉnh Nghệ An được nhận nhiều hình thức khen thưởng của các cấp chính quyền địa phương.
Bài, ảnh: HIẾU AN
Nguồn: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/dien-hinh-kinh-nghiem/chang-trai-mo-coi-vuon-len-thoat-ngheo-827728
Bình luận (0)