Sứ mệnh được khai sinh
Đêm Giao thừa năm 2021, khi cả nước đang oằn mình chống chọi với đại dịch, một tin nhắn lạ tìm đến Khuất Văn Hoàng, chàng sinh viên vừa bước chân vào giảng đường đại học. Người gửi, với niềm hy vọng mong manh, nhờ anh phục dựng bức ảnh thờ của người thân, một liệt sĩ trẻ đã hy sinh. Bức ảnh cũ kỹ, mờ nhòe đến mức gần như không thể nhận ra hình hài, nhưng lại là kỷ vật duy nhất mà gia đình còn lưu giữ. Bao năm qua, họ đã tìm kiếm khắp nơi, nhưng không một thợ ảnh nào dám nhận lời. Định mệnh đã đưa họ đến với Hoàng trong khoảnh khắc Giao thừa thiêng liêng, thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới, khi những điều tốt đẹp nhất được kỳ vọng sẽ bắt đầu.
Hành trình phục dựng di ảnh liệt sĩ của Hoàng bắt đầu từ năm 2021. Ảnh: NVCC |
Lòng tin tuyệt đối của gia đình liệt sĩ đã thắp lên ngọn lửa quyết tâm trong lòng chàng trai trẻ. Anh thức trắng đêm, dồn hết tâm huyết để “hồi sinh” bức ảnh tưởng chừng đã phai màu theo năm tháng. Khi hoàn thành, anh gửi lại cho gia đình, và nhận về những tiếng nấc nghẹn ngào, những lời cảm ơn từ tận đáy lòng. “Họ nói rằng, đây là điều mà họ đã trăn trở, mong mỏi suốt bao nhiêu năm”, Hoàng nhớ lại, giọng anh nghẹn ngào.
Chứng kiến niềm vui vỡ òa của gia đình liệt sĩ, cùng với sự động viên sâu sắc từ gia đình, bạn bè, Hoàng ý thức được rằng, đây không chỉ là một công việc, mà là một sứ mệnh thiêng liêng. “Tôi nhận ra, các Mẹ Việt Nam Anh hùng không còn nhiều thời gian, các gia đình liệt sĩ cũng đã chờ đợi quá lâu. Tôi ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình, phải nỗ lực hết mình, làm thật nhanh, thật nhiều, để trả lại cho họ những dáng hình trọn vẹn nhất của những người anh hùng đã ngã xuống”, Hoàng xúc động chia sẻ.
Niềm xúc động vỡ òa của thân nhân liệt sĩ hối thúc anh thực hiện sứ mệnh này. Ảnh: NVCC |
Và ngọn lửa nhiệt huyết ấy đã thôi thúc Hoàng dấn thân vào hành trình phục dựng di ảnh, hành trình của một người trẻ tuổi, mang trên vai niềm tin và hy vọng của bao nhiêu gia đình.
Đêm trắng “vẽ lại” những mảnh ký ức
Hành trình phục dựng di ảnh là một cuộc chiến với thời gian và những vết hằn của quá khứ. Những bức ảnh tìm đến Hoàng, phần lớn là những kỷ vật đen trắng đã úa màu, mờ nhòe, thậm chí nhàu nát. Anh phải sử dụng các phần mềm chuyên dụng, đôi khi phải vẽ từng chút, thật tỉ mẩn để có thể phục dựng lại từng chi tiết, từng đường nét cho chuẩn xác. Không dừng lại ở đó, anh còn tìm đến gia đình liệt sĩ, lắng nghe những câu chuyện về cuộc đời và sự hy sinh của họ, như một cách để thấu hiểu và cảm nhận sâu sắc những mất mát. Bởi lẽ, với anh, phục dựng một bức ảnh không chỉ là tái tạo hình hài, mà còn là khôi phục ký ức, là mang lại sự sống cho những linh hồn đã khuất.
Anh Hoàng (thứ 2 từ trái sang, người đang chỉ tay) cùng các cộng sự tỉ mẩn phục dựng ảnh. Ảnh: THANH THẢO |
Nhặt nhạnh những mảnh ký ức của thân nhân, những đêm trắng miệt mài, những cuộc trò chuyện thâu đêm suốt sáng, Hoàng đã làm sống lại hàng nghìn chân dung liệt sĩ. “Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, một mảnh đời. Khi phục dựng ảnh, thời gian như ngừng trôi, tôi cảm thấy mình như đang kết nối quá khứ với hiện tại, cảm giác rất khó tả”, anh nói. Dù đêm khuya, dù mệt mỏi, nhưng chỉ cần nghĩ tới khoảnh khắc tấm ảnh được trao tận tay người thân, mang lại sự an ủi và xoa dịu những nỗi đau còn dang dở thì Hoàng lại tràn trề năng lượng, xắn tay áo và tiếp tục sứ mệnh.
Hơn 6.000 di ảnh được phục dựng
Ngay từ những bước đầu tiên của hành trình, Hoàng và cộng sự đã triển khai nhiều dự án mang đậm tính nhân văn và ý nghĩa lịch sử. Họ đã phục dựng 10 bức chân dung của 10 nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, chân dung các Anh hùng lực lượng vũ trang tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, các liệt sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân... Bên cạnh đó, họ còn hợp tác với Tỉnh đoàn Hải Dương, Hà Tĩnh, Phú Yên, Nghệ An để thực hiện các dự án phục dựng ảnh trên quy mô lớn. “Tính đến nay, chúng tôi đã phục dựng hơn 6.000 di ảnh trên khắp cả nước”, Hoàng cho biết. Con số này không chỉ thể hiện khối lượng công việc khổng lồ, mà còn là minh chứng cho sự tận tâm và nhiệt huyết của Hoàng và cộng sự, những người đang ngày đêm nỗ lực để trả lại cho quá khứ những dáng hình trọn vẹn.
|
Trong số đó, dự án đưa anh hùng liệt sĩ trở về nhà là dự án mà Hoàng tâm huyết nhất. Anh luôn dồn hết tâm sức để hoàn thành công việc một cách trọn vẹn nhất, bởi anh hiểu rằng, đó không chỉ là một bức ảnh, mà còn là một phần linh hồn của người đã khuất, là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những người đã hy sinh và những người còn sống. “Tôi muốn góp phần vào ngày đoàn tụ thiêng liêng của họ”, anh chia sẻ.
Đến nay, Hoàng và cộng sự đã phục dựng được hơn 6.000 di ảnh các liệt sĩ. Ảnh: NVCC |
Một trong những câu chuyện khiến Hoàng xúc động sâu sắc nhất là việc phục dựng di ảnh cho liệt sĩ Đặng Thị Kim, tên thường gọi là Đặng Thị Oanh. Bà là cháu ruột của cố Tổng Bí thư Trường Chinh (Đặng Xuân Khu), một người phụ nữ kiên trung, giác ngộ cách mạng từ thuở thiếu thời và tham gia kháng chiến. Ở tuổi 19, liệt sĩ Đặng Thị Kim là giao liên của cách mạng, bị giặc tàn ác sát hại khi đang mang trong mình giọt máu của người chồng, Phó bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (đồng chí Trương An, lúc đó là Phó bí thư lâm thời - sau là Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa). Gia đình bà đã trải qua nhiều năm tìm kiếm, đến năm 2009 mới đưa được hài cốt bà về quê hương.
“Bao nhiêu năm trời chú Huyễn (em trai ruột của liệt sĩ Đặng Thị Kim) mang di ảnh của cô khắp nơi mà không ai nhận phục dựng được. Cô hy sinh để lại một tấm duy nhất đã mờ nhòe theo năm tháng. Lúc thấy tấm ảnh đó, tôi sững người, trước mắt tôi là chân dung một cô gái quá trẻ và tình cờ trong ảnh có một vết xước ngay cổ… Điều đó khiến tôi không khỏi xót xa. Khoảnh khắc gia đình bà đón di ảnh với những giọt nước mắt, cái ôm đã trở thành một kỷ niệm chắc chắn tôi không bao giờ quên”, anh Hoàng nghẹn ngào kể lại.
Niềm hạnh phúc của gia đình liệt sĩ chính là động lực to lớn của anh. Ảnh: NVCC |
Khoảnh khắc trao tận tay những bức di ảnh đã phục dựng cho thân nhân các anh hùng liệt sĩ, lắng nghe những tâm sự, những nỗi niềm sâu kín của gia đình người đã khuất, đã trở thành nguồn động lực sống, niềm vui lớn lao của chàng trai trẻ. Công nghệ có thể trở thành công cụ đắc lực giúp anh tái hiện chân dung nhân vật, nhưng anh hiểu rằng, phải đặt cả cái trái tim chân thành, sự đồng cảm và lòng biết ơn thì những di ảnh ấy mới có thể “sống lại”.
Tấm gương sáng cho thế hệ trẻ
Chỉ mới 21 tuổi nhưng hành trình của Khuất Văn Hoàng không chỉ là câu chuyện về tài năng, mà còn là minh chứng cho lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ trẻ đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Anh đã dùng tài năng và trái tim của mình để “thắp lửa” hồi sinh những chân dung anh hùng, mang lại niềm an ủi cho những người còn sống và lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Anh Hoàng luôn khắc ghi truyền thống "uống nước nhớ nguồn", tri ân những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ảnh: NVCC |
“Hành trình của tôi còn rất dài và nhiều thử thách, nhưng tôi luôn vững vàng với sứ mệnh này. Là một người trẻ, tôi luôn ý thức rằng phải tìm về nguồn cội, trân trọng những hy sinh của cha ông ta. Tôi luôn nhớ rằng dù làm công việc gì, hãy góp sức trẻ để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tự hào là người Việt Nam”, anh Hoàng quyết tâm.
Khuất Văn Hoàng, chàng trai trẻ bình dị nhưng không ngừng nỗ lực vì một sứ mệnh cao quý. Anh là một tấm gương sáng, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về lòng biết ơn, sự cống hiến và tinh thần trách nhiệm.
THANH THẢO
Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/chang-trai-tre-voi-su-menh-hoi-sinh-nhung-di-anh-liet-si-822533
Bình luận (0)