Nhưng liệu công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) này có thực sự giúp cải thiện kết quả học tập hay nó chỉ là một xu hướng nhất thời?
Một nghiên cứu mới công bố đầu năm 2025 (Wang, J., & Fan, W. (2025) với tựa đề The effect of ChatGPT on students' learning performance, learning perception, and higher-order thinking: insights from a meta-analysis (tạm dịch: Tác động của ChatGPT đến hiệu suất học tập, nhận thức học tập và tư duy bậc cao của sinh viên: những hiểu biết sâu sắc từ một phân tích tổng hợp) đã tìm cách trả lời câu hỏi này bằng cách tổng hợp và phân tích 51 nghiên cứu thực nghiệm về tác động của ChatGPT đối với việc học. Đây là một phân tích tổng hợp quy mô lớn, cung cấp bằng chứng khoa học đáng tin cậy về hiệu quả thật sự của công cụ AI này trong môi trường giáo dục.
ChatGPT không phải phép màu, hiệu quả của nó phụ thuộc rất nhiều vào cách sử dụng
ảnh: AI
ChatGPT có giúp học tốt hơn không?
Nghiên cứu cho thấy ChatGPT có tác động tích cực rõ rệt đến kết quả học tập. Cụ thể:
Về hiệu quả học tập, theo kết quả nghiên cứu là tác động rất mạnh. Điều này thể hiện qua chỉ số hiệu ứng tổng thể là 0.867, nghĩa là sinh viên sử dụng ChatGPT thường học tốt hơn hẳn so với những người không sử dụng.
Về cải thiện nhận thức việc học, theo kết quả nghiên cứu là tác động trung bình, thể hiện qua chỉ số hiệu ứng tổng thể là 0.456. Nói cách khác, học sinh cảm thấy hứng thú và tích cực hơn khi học cùng ChatGPT.
Về tư duy bậc cao, bao gồm tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo, theo đánh giá là tác động trung bình (chỉ số hiệu ứng tổng thể là 0.457). Điều này cho thấy ChatGPT cũng có tiềm năng giúp phát triển tư duy sâu sắc hơn.
Như vậy, theo nghiên cứu này, ChatGPT không chỉ giúp học sinh "học giỏi hơn" mà còn làm cho việc học trở nên "thú vị hơn" và giúp họ "suy nghĩ tốt hơn".
Hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào cách sử dụng
Tuy nhiên, một điểm quan trọng mà nghiên cứu này nhấn mạnh là ChatGPT không phải phép màu và hiệu quả của nó phụ thuộc rất nhiều vào cách sử dụng.
Theo nghiên cứu, ChatGPT phát huy tác dụng tốt hơn trong các môn học kỹ năng, viết học thuật, và các môn thuộc STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) như toán, lý, tin học. Ngoài ra, những mô hình như học theo dự án (project-based), học theo vấn đề (problem-based) hay học theo hướng cá nhân hóa đều giúp ChatGPT phát huy thế mạnh tốt hơn.
Ngoài ra, khi ChatGPT đóng vai "gia sư thông minh" hoặc "bạn học ảo", nghĩa là tương tác sâu với người học, hiệu quả sẽ cao hơn so với việc chỉ dùng như một công cụ tìm kiếm.
Nghiên cứu cũng khuyến cáo để phát huy tác dụng rõ ràng và ổn định, người học cần sử dụng ChatGPT liên tục từ 4 đến 8 tuần.
ChatGPT nên được dùng như thế nào trong lớp học?
Dựa vào những phát hiện trên, nhóm nghiên cứu đề xuất một số cách sử dụng ChatGPT hiệu quả nhất:
Kết hợp với các mô hình sư phạm rõ ràng, ví dụ như phân bậc theo thang Bloom để kích thích tư duy bậc cao.
Khuyến khích sử dụng rộng rãi cho các cấp học, từ duy trì hứng thú học tập, cải thiện khả năng nhớ và hiểu các khái niệm phức tạp của học sinh trung học đến đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa, thúc đẩy tính tự chủ và động lực cho sinh viên đại học.
ChatGPT có thể hỗ trợ hiệu quả trong nhiều loại khóa học khác nhau, từ STEM, viết học thuật đến đào tạo kỹ năng.
ChatGPT giúp sinh viên tiếp cận thông tin đa dạng, mô phỏng tình huống học tập, cung cấp hướng dẫn cụ thể và cải thiện khả năng viết chính xác, đúng ngữ pháp.
ChatGPT có thể được áp dụng trong các mô hình học tập khác nhau. Đặc biệt ChatGPT sẽ hỗ trợ tốt nhất cho hiệu suất học tập dựa trên vấn đề.
Khi ChatGPT đóng vai "gia sư thông minh" hoặc "bạn học ảo", nghĩa là tương tác sâu với người học, hiệu quả sẽ cao hơn so với việc chỉ dùng như một công cụ tìm kiếm
ảnh: AI
Nên duy trì sử dụng có hệ thống và liên tục trong 4-8 tuần, thay vì chỉ dùng thử ngắn hạn. ChatGPT nên được sử dụng linh hoạt trong giảng dạy như một gia sư thông minh, đối tác, công cụ học tập... Vai trò của nó có thể được điều chỉnh theo yêu cầu của các hoạt động giảng dạy và học tập mà nó được áp dụng.
Từ những phân tích này, nghiên cứu đưa ra kết luận nếu dùng đúng cách, ChatGPT là một trợ lý học tập cực kỳ hữu ích. ChatGPT có thể giúp cải thiện kết quả học tập, tăng cảm hứng học và phát triển tư duy bậc cao – nhưng chỉ khi được sử dụng đúng cách.
Nghiên cứu này cũng khuyến cáo giáo viên, phụ huynh và người làm giáo dục thay vì cấm học sinh sử dụng AI thì hãy hướng dẫn và dạy cách khai thác AI một cách thông minh, chọn lọc, phản biện và có trách nhiệm.
Mặt trái của ChatGPT
Tuy phần lớn nghiên cứu đều cho thấy tác động tích cực của ChatGPT, vẫn có một số nghiên cứu phát hiện tác động trái chiều:
- Một số học sinh trở nên phụ thuộc vào công cụ AI, làm giảm khả năng tự học và tư duy phản biện.
- ChatGPT có thể làm giảm sự tương tác giữa học sinh và bạn bè, giữa học sinh và giáo viên.
- Một vài học sinh mất động lực, do việc học trở nên quá dễ dàng hoặc ít thử thách.
- ChatGPT có thể cung cấp thông tin sai lệch hoặc không chính xác.
- ChatGPT có thể dẫn đến đạo văn và hành vi gian lận trong học tập.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chatgpt-co-that-su-cai-thien-ket-qua-hoc-tap-18525051609583671.htm
Bình luận (0)