Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2025 và định hướng tới năm 2045.
Theo đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ xem là nhiệm vụ trọng yếu, cần các chính sách đột phá, cơ chế đặc thù, nguồn lực đầu tư xứng tầm, giải pháp cấp bách và lâu dài, lộ trình thực hiện phù hợp.
Riêng lĩnh vực công nghệ thông tin từ nay tới năm 2035 cần 180.000 người tốt nghiệp để phục vụ phát triển công nghệ cao
ẢNH: H.T
Đề án này hướng đến mục tiêu mở rộng và tập trung đào tạo trình độ cao, chất lượng cao trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về cơ cấu nhân lực của các lĩnh vực công nghệ cao.
Không chỉ vậy đề án còn đặt mục tiêu thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục ĐH.
Tất cả đều nhằm tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Các lĩnh vực chủ chốt phục vụ phát triển công nghệ cao
Đề án đặt ra mục tiêu tăng nhanh quy mô đào tạo trình độ cao khối ngành STEM, nhất là các ngành khoa học cơ bản và các ngành liên quan tới công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.
Cụ thể, từ nay đến năm 2030, tỷ lệ người theo học các ngành STEM đạt 35% ở mỗi trình độ đào tạo, trong đó ít nhất 2,5% thuộc các ngành khoa học cơ bản và 18% thuộc các ngành liên quan tới công nghệ số.
Tính trên tổng quy mô đào tạo khối ngành STEM, số người học các chương trình đào tạo kỹ sư, thạc sĩ chiếm ít nhất 10% và số người học các chương trình đào tạo tiến sĩ chiếm ít nhất 1%; tỷ lệ nữ giới chiếm ít nhất 20%.
Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông đạt 80.000 người/năm, trong đó ít nhất 10% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ; chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo đạt 8.000 người/năm, trong đó ít nhất 20% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ.
Kiến thức về trí tuệ nhân tạo sẽ được tích hợp vào 100% chương trình đào tạo
ẢNH: C.T
Đặc biệt, 100% chương trình đào tạo cử nhân, kỹ sư và thạc sĩ thuộc khối ngành STEM được tích hợp kiến thức, kỹ năng phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
Ngoài ra, số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên sâu về sinh học, công nghệ sinh học và y sinh đạt 5.000 người/năm, trong đó ít nhất 20% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ.
Để phục vụ cho đào tạo, đề án đặt ra mục tiêu có ít nhất 2.000 người có trình độ tiến sĩ các ngành STEM đang làm việc ở nước ngoài được tuyển dụng làm giảng viên ĐH trong nước hoặc có hợp đồng giảng dạy ít nhất một học kỳ tại cơ sở giáo dục ĐH.
Ở giai đoạn 2030-2045, mục tiêu tăng cao hơn với tỷ lệ 40% người theo học STEM ở mỗi trình độ, 100.000 người tốt nghiệp các ngành về công nghệ thông tin và truyền thông; 15.000 người tốt nghiệp chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo; 8.000 người tốt nghiệp chuyên sâu về sinh học, công nghệ sinh học và y sinh.
Sửa đổi chính sách học phí, học bổng, vay vốn
Theo đề án, Chính phủ sẽ tăng cường chính sách đầu tư cho giáo dục STEM và hỗ trợ tài chính cho người học các ngành STEM.
Cụ thể là sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về tín dụng ưu đãi đối với người học theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện vay, giảm lãi suất, tăng mức vay và thời hạn trả nợ, có ưu đãi đặc biệt đối với các ngành STEM.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về học bổng khuyến khích học tập theo hướng mở rộng đối tượng, nguồn chi từ ngân sách nhà nước, có chế độ ưu tiên theo đối tượng và ngành đào tạo. Ưu tiên học bổng ở mức cao nhất đối với người học thuộc các chương trình đào tạo tài năng trong đề án.
Bên cạnh đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về miễn, giảm học phí để áp dụng cho người học thuộc các chương trình đào tạo tài năng thuộc phạm vi đề án và các chương trình đào tạo nhân lực cho các ngành, chuyên ngành được xác định trong các chương trình, chiến lược và đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chính phủ sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút giảng viên giỏi các ngành STEM
ẢNH: NGỌC DIỆP
Về đội ngũ giảng viên, Chính phủ cũng sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù, hỗ trợ kinh phí thu hút, tuyển dụng, thuê giảng viên giỏi ở nước ngoài thuộc các ngành STEM về làm việc, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ĐH, đặc biệt đối với các chương trình đào tạo tài năng.
Đồng thời sửa đổi, hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, quy trình công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH trong thu hút, tuyển dụng giảng viên xuất sắc vào các vị trí quản lý học thuật, gắn với bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư.
Cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo và nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục cũng sẽ được tăng cường như đầu tư nâng cấp hệ thống phòng thí nghiệm, công nghệ và học liệu phục vụ đào tạo, nghiên cứu trong các ngành STEM.
Các cơ sở giáo dục ĐH công lập không phân biệt mức độ tự chủ tài chính cũng sẽ được ưu đãi cao nhất về tỷ lệ vay lại vốn vay ODA và các vốn vay ưu đãi khác.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chinh-phu-se-co-chinh-sach-dac-biet-voi-nganh-phuc-vu-phat-trien-cong-nghe-cao-185250527120226276.htm
Bình luận (0)