Tọa đàm "Gỡ điểm nghẽn thể chế - Khơi thông nguồn lực tư nhân" - Ảnh: VGP/Lê Anh
Đây là ý kiến đồng thuận từ nhiều chuyên gia tại buổi tọa đàm "Gỡ điểm nghẽn thể chế - Khơi thông nguồn lực tư nhân" diễn ra ngày 27/5 do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TPHCM tổ chức
Nghị quyết 68: Thức tỉnh nguồn lực tư nhân
Trong tháng 5 này, cộng đồng doanh nghiệp (DN) cả nước phấn khởi và vui mừng trước một loạt chính sách được Đảng, Nhà nước và Chính phủ ban hành dành cho khu vực kinh tế tư nhân – động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Từ Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 về cơ chế đặc thù phát triển kinh tế tư nhân và Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về Kế hoạch triển khai một số cơ chế chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập Tập đoàn công nghệ tài chính MoMo (một trong những startup kỳ lân đầu tiên của Việt Nam) đánh giá cao việc Nhà nước đã bước đầu thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) - một khung pháp lý đặc biệt dành cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo ông, đây là một bước tiến rất lớn trong tư duy quản lý, cho phép các doanh nghiệp công nghệ được thử nghiệm mô hình mới trong môi trường pháp lý linh hoạt, từ đó rút kinh nghiệm trước khi mở rộng triển khai.
Ông Diệp nhấn mạnh, điều các doanh nghiệp kỳ vọng không chỉ là sự ra đời của sandbox, mà là cách triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống - từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan quản lý đến cấp thực thi. Nếu làm được điều đó, sandbox sẽ không chỉ là chính sách mang tính biểu tượng, mà thực sự trở thành "bệ phóng" cho những mô hình kinh doanh đột phá.
Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright khẳng định, kinh nghiệm quốc tế cho thấy mọi nền kinh tế duy trì được tăng trưởng bền vững đều có điểm chung, đó là: Khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò trung tâm.
Theo ông Thành, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải tái thúc đẩy tăng trưởng, việc ban hành các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân đã có, vấn đề quan trọng là việc thực thi, các đột phá thể chế cụ thể ở cấp cơ sở.
Về đất đai, TS. Thành đề xuất tái khai thác các quỹ đất công chưa sử dụng, hỗ trợ DN thuê đất tại các khu công nghiệp và vườn ươm công nghệ, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ, công nghệ cao, startup sáng tạo.
Về vốn đầu tư, cần đa dạng hóa kênh tín dụng, khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp, và sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng đơn giản hóa thủ tục, mở rộng đối tượng hỗ trợ, tránh lặp lại cơ chế xin cho, và tuyệt đối không nên tạo thêm bộ máy giám sát rườm rà.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, hiện ACB đang phục vụ hơn 1 triệu doanh nghiệp, trong đó phần lớn là DN nhỏ, vừa và hộ kinh doanh cá thể – những thành phần nhạy bén nhưng cũng dễ bị tổn thương trước những thay đổi về thị trường và chính sách.
Theo ông Phát, qua quá trình làm việc, có 4 yếu tố mà doanh nghiệp mong muốn nhất từ hệ thống ngân hàng và chính sách tài chính hiện nay: Một là giảm chi phí tiếp cận vốn, thứ hai là thủ tục nhanh gọn hơn, số hóa toàn diện và cuối cùng hướng đến chuyển đổi xanh… 4 điều này gói gọn trong Nghị quyết 68, nhiều DN phấn khích, bất ngờ bởi Nghị quyết của Đảng nhưng đã đi sâu sát vào cái DN cần. Ông Phát kỳ vọng, tới đây, dòng vốn tới các DN sẽ được khơi thông mạnh mẽ, khi các chính sách cụ thể và thủ tục hành chính đơn giản hơn.
Đáp ứng đa dạng nhu cầu vốn phát triển kinh tế tư nhân
Chia sẻ với phóng viên về nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế tư nhân thời gian tới, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh khu vực 2 cho rằng, những giải pháp của Nghị quyết 68 liên quan đến nguồn lực vốn, tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng là những giải pháp rất cụ thể và toàn diện.
Ở góc độ hoạt động ngân hàng và tiếp cận theo nhóm giải pháp về nguồn lực vốn, Nghị quyết 68 tạo ra những yếu tố động lực phát triển đa dạng các phương thức cho vay, cũng như các yếu tố nền tảng, tạo thuận lợi cho hoạt động tín dụng ngân hàng và dịch vụ ngân hàng phát triển.
Theo ông Lệnh, để đáp ứng nhu cầu vốn cho kinh tế tư nhân phát triển, Nghị quyết 68 khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, xem xét các tài sản bảo đảm bao gồm cả động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp.
Giải pháp này, cùng với cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước và của các bộ ngành (liên quan đến các chính sách và giải pháp hỗ trợ về nguồn vốn), sẽ là động lực thúc đẩy phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng và phương thức cho vay. Trong đó, với những cách tiếp cận mới về cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền… sẽ thúc đẩy mở rộng cho vay bằng phương thức điện tử, tăng khả năng tiếp cận vốn của toàn xã hội.
Bên cạnh đó, sự đổi mới và yêu cầu đổi mới đối với DN tư nhân, nhất là DN nhỏ và vừa của Nghị quyết 68 trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản tri, xây dựng hệ thống tài chính minh bạch, chuẩn mực, chuẩn hóa chế độ kế toán, kiểm toán, thực hiện các giải pháp tăng uy tín và khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính.
Đồng thời với đó là nhóm giải pháp kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan có liên quan, bảo đảm liên thông, chia sẻ dữ liệu về tình hình hoạt động và tài chính doanh nghiệp, đánh giá mức độ tín nhiệm và chấm điểm tín dụng của DN từ phía tổ chức tín dụng. Đây sẽ là những giải pháp, khi triển khai thực hiện tốt trong thực tế, sẽ trở thành yếu tố nền tảng, đột phá trong thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm tín dụng đa dạng phong phú, thúc đẩy và mở rộng phương thức cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền; cho vay tín chấp… từ đó tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng mở rộng và phát triển.
Lê Anh
Nguồn: https://baochinhphu.vn/chinh-sach-va-doanh-nghiep-can-chuyen-dong-song-hanh-102250527132805472.htm
Bình luận (0)