Sau khi xây dựng xong, chợ dân sinh của xã Liêu Xá (Yên Mỹ) chỉ đi vào hoạt động một thời gian rồi bị bỏ hoang 16 năm nay. Điều này vừa lãng phí nguồn vốn đầu tư, vừa lãng phí tài nguyên đất, gây ra dư luận tiêu cực ở địa phương.
Hàng trăm triệu đồng đầu tư xây dựng chợ
Với mục đích tập hợp các tiểu thương trong xã hoạt động tại 1 địa điểm tập trung, thuận lợi cho việc kinh doanh, trao đổi hàng hóa và quản lý hoạt động bán hàng, năm 2007, bằng nguồn ngân sách địa phương, xã Liêu Xá xây dựng chợ dân sinh tập trung ở thôn Liêu Trung với tổng diện tích khoảng 1 nghìn m2. Chợ được đổ nền xi măng, thiết kế xây dựng 3 dãy; trong đó, 2 dãy lán được lợp mái che bằng tôn, 1 dãy họp ngoài trời... Tổng kinh phí xây dựng chợ thời điểm đó trên 200 triệu đồng.
Để thu hút các tiểu thương vào hoạt động, xã không thu bất kỳ khoản phí dịch vụ nào.
Ông Phạm Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Liêu Xá thông tin: Xã lựa chọn xây dựng điểm chợ dân sinh tại Liêu Trung do đây là thôn có mật độ dân số đông nhất của xã (chiếm khoảng 50% dân số toàn xã). Sau khi xây dựng xong, xã vận động các tiểu thương vào kinh doanh, buôn bán trong chợ. Thời điểm đó, chợ Liêu Xá có khoảng 20 - 30 tiểu thương buôn bán với các mặt hàng: Đồ khô, quần áo, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả…
Tại thời điểm năm 2007, chợ Liêu Xá được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Tuy nhiên, chợ chỉ hoạt động trong khoảng gần 2 năm do các tiểu thương di chuyển ra khu vực ven đường giao thông để buôn bán.
Cách chợ dân sinh xã Liêu Xá khoảng 1km, hoạt động buôn bán tại điểm chợ “cóc” của thôn Liêu Trung nằm cạnh đường giao thông diễn ra sôi động. Một số hộ dân sinh sống gần đường không có nhu cầu buôn bán đã cho tiểu thương trước đây kinh doanh trong chợ thuê “mặt bằng” trước cửa nhà để bán hàng.
Chị Đỗ Thị Cúc, người kinh doanh ở thôn Liêu Trung cho biết: Trước đây, tôi và nhiều tiểu thương đã từng vào chợ hoạt động nhưng chỉ được một thời gian ngắn do chợ không tiện đường giao thông, việc bán hàng không hiệu quả. Trong khi, người dân có tâm lý tiện đâu mua ở đó nên các điểm bán hàng gần đường cho thu nhập cao hơn...
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Nhung ở xã Liêu Xá: Trước đây, việc di chuyển vào chợ dân sinh của xã mua hàng gặp nhiều khó khăn vì đường đi nhỏ, không thuận lợi đi lại. Sau này, tôi thường mua thực phẩm, rau củ ở chợ cóc gần đó do tiện đường đi, nhưng cũng gặp nhiều phiền toái bởi các xe dừng, đỗ mua hàng, gây cản trở giao thông.
chứa đồ của một số hộ dân sống xung quanh
Bài học trong quy hoạch, xây dựng hạ tầng thương mại
Hiện nay, sau nhiều năm bỏ hoang, chợ dân sinh xã Liêu Xá đã xuống cấp, các mái che bằng tôn bị hỏng, dột nát, các thanh sắt hoen gỉ.
Một số hộ dân sinh sống quanh chợ sử dụng các dãy chợ có mái che làm nơi đỗ ô tô, xe máy, để đồ…
Theo quan sát của phóng viên, chợ dân sinh của xã Liêu Xá nằm giữa khu dân cư ở thôn Liêu Trung, xung quanh các nhà cao tầng mọc lên san sát. Các đường vào nhỏ hẹp chỉ đủ cho xe ô tô đi 1 chiều hoặc 2 xe máy tránh nhau.
Để tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất, kinh phí xây dựng chợ, những năm qua, xã Liêu Xá đã nhiều lần tổ chức ra quân giải tỏa các điểm chợ tự phát; vận động tiểu thương di chuyển vào kinh doanh trong chợ. Tuy nhiên, do công tác quy hoạch, xây dựng chợ chưa đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân, việc kinh doanh tại chợ không hiệu quả; việc giải tỏa các điểm chợ “cóc” thiếu kiên quyết... Điều này dẫn đến việc chợ dân sinh của xã vẫn “đắp chiếu” 16 năm qua; các điểm chợ cóc gần đó tái diễn tình trạng nay giải tỏa, mai lại họp.
Bà Đỗ Thị Hạnh, một tiểu thương trong xã cho biết: Chợ xây tại vị trí chưa hợp lý, xa đường giao thông, thiếu nhiều điều kiện như: Điện, nước, khu vệ sinh, bãi đỗ xe… Trong khi đó, các điểm chợ “cóc” vẫn hoạt động tự phát cạnh tranh với các tiểu thương buôn bán trong chợ.
Theo Chủ tịch UBND xã Liêu Xá Phạm Đình Phúc: Trước đây, xã gặp khá nhiều khó khăn trong việc lựa chọn vị trí để quy hoạch và xây dựng chợ do quỹ đất của địa phương dành phát triển công nghiệp từ sớm. Để khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất, xã có định hướng làm thủ tục chuyển đổi quy hoạch chợ dân sinh sang xây dựng điểm trường mầm non thôn Liêu Trung. Hiện nay, xã không còn quỹ đất để quy hoạch xây dựng điểm chợ tập trung đáp ứng yêu cầu. Do đó trước mắt, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân kinh doanh trưng bày hàng hóa gọn gàng trong phạm vi sử dụng của gia đình, không lấn chiếm lòng, lề đường làm điểm kinh doanh gây cản trở giao thông, mất an ninh trật tự địa phương…
Thực tế cho thấy, việc xây dựng chợ không phù hợp và để tình trạng chợ bỏ hoang 16 năm qua, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo xã Liêu Xá qua các thời kỳ. Giải tỏa nửa vời các điểm chợ “cóc” trong khi không có giải pháp hiệu quả đưa tiểu thương kinh doanh trở lại chợ thuộc trách nhiệm của chính quyền hiện tại. Những điều này gây lãng phí kinh phí, tài nguyên đất trong thời gian dài, gây bức xúc cho người dân. Đây cũng là bài học cho các địa phương trong quy hoạch, xây dựng chợ, cần lấy ý kiến của người dân rồi mới tiến hành các bước triển khai xây dựng.
Nguồn: https://baohungyen.vn/cho-dan-sinh-bo-hoang-16-nam-3181446.html
Bình luận (0)