Các nền tảng giải trí, mạng xã hội, truyền thông đại chúng đang lấn át những sáng tạo mang tính học thuật, chiều sâu... Nguyên nhân chính là do các lĩnh vực của văn học, nghệ thuật đang thiếu vắng những tác phẩm có chiều sâu tư tưởng, đủ sức phản ánh tầm vóc của công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước.
Theo một số văn nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật ngày nay được đánh giá không chỉ ở chất lượng nội dung mà còn bao hàm khả năng tác động đến cảm xúc khán giả. Nhiều sản phẩm đạt được đánh giá cao có thể không đồ sộ về quy mô nhưng độc đáo trong phong cách biểu đạt, chạm tới cảm xúc của số đông. Mặt khác, nhiều hệ giá trị xã hội cũng có sự thay đổi khiến việc sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật gặp khó khăn.
Ngoài ra, cơ chế kiểm duyệt nặng tính hành chính, định hướng giá trị nghệ thuật mang tính hình thức cũng đang là những bất cập với loại hình sáng tạo tinh thần đặc thù này. Các chính sách cho đầu tư, sáng tác, phổ biến, quảng bá tác phẩm chưa thật sự ưu tiên những sáng tạo có giá trị xã hội…
Trong khi đó, công tác lý luận-phê bình chưa phát huy được vai trò định hướng, không kịp thời phát hiện, nâng đỡ các tài năng mới. Hệ tiêu chí đánh giá tác phẩm nghệ thuật có tầm vóc thiếu cập nhật, chưa thích ứng với những thay đổi của bối cảnh đương đại...
Trước sự vận động không ngừng của đời sống văn hóa nghệ thuật, vai trò của chính sách Nhà nước trở nên vô cùng quan trọng. Nhà nước cần xác lập hệ thống chính sách phát triển văn học, nghệ thuật, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sáng tạo và phổ biến tác phẩm.
Bên cạnh đó, văn nghệ sĩ cần đặt công chúng vào trung tâm của quá trình sáng tạo. Sản phẩm văn học, nghệ thuật cần được thiết kế và phát triển phù hợp nhu cầu tiếp nhận hiện đại, đồng thời góp phần nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật và định hướng thẩm mỹ xã hội.
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã khẳng định: Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.
Ngày 21/6/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 84-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, trong đó nêu rõ yêu cầu phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia xây dựng và bảo vệ nền văn hóa, văn học, nghệ thuật dân tộc, vì sự phát triển toàn diện của văn hóa, con người Việt Nam.
Để hiện thực hóa khát vọng sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ trong cách sáng tạo cần thể hiện tính nghệ thuật chuyên nghiệp, đi sâu vào thực tiễn của đất nước để tìm hiểu thông tin, bổ sung phong phú cho tác phẩm, mang thông điệp có giá trị tới người tiếp nhận. Cần xây dựng một hệ sinh thái sáng tạo năng động, đổi mới tư duy chính sách, tạo lập môi trường văn hóa thuận lợi, khuyến khích sự đa dạng trong thử nghiệm nghệ thuật.
Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng Chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật gắn với Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” trong hình thành các tác phẩm có tầm vóc.
Nguồn: https://nhandan.vn/cho-doi-dinh-cao-moi-cua-van-hoc-nghe-thuat-post894899.html
Bình luận (0)