Không chỉ là nơi buôn bán hàng hóa
Chợ phiên Tân Sơn, xã Tân Sơn hình thành từ lâu. Không chỉ phục vụ hàng hóa cho người dân trong xã, chợ Tân Sơn còn cung ứng vật phẩm thiết yếu cho người dân các xã: Sơn Hải, Sa Lý, Biên Sơn, tỉnh Bắc Ninh và một số địa phương của tỉnh Lạng Sơn. Chợ họp 5 ngày một lần vào các ngày mùng 2, 7, 12, 17, 22, 27 (âm lịch). Phiên chợ đặc biệt nhất là họp vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm. Người dân gọi là phiên “Chợ tình Thác Lười”, hình thành từ trăm năm trước, mang nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Chợ Yên đã quá tải, người dân buôn bán ngay bên lề, lòng đường. |
Ông Lăng Quốc Kỳ, dân tộc Nùng, ở thôn Bắc Hoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát dân ca dân tộc Nùng xã Tân Sơn chia sẻ, đối với bà con trong vùng, đi chợ phiên ngày 12 tháng Giêng cũng chính là đi hội. Bà con đến đây không chỉ để mua hàng hóa hay bán nông sản do mình làm ra mà còn để giao lưu, gặp gỡ bạn cũ bên bàn trà hay những chén rượu xuân. Đặc biệt, họ còn tụ thành từng nhóm, từng đôi cùng hát đối, tỏ tình, giao duyên qua những điệu Sloong hao.
Ông La Triệu Vân, nhà sưu tầm văn hóa dân gian, nguyên Giám đốc Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang (cũ) cho biết, người dân vùng cao thường sống trên những đồi, núi cao. Nhiều nhà và bản làng cách xa nhau cả chục cây số. Đường đi phải vượt núi, băng rừng nên bà con không thể đến thăm nhau thường xuyên. Do đó, từ nhiều đời nay, đồng bào vùng cao thường lấy ngày họp chợ phiên làm ngày gặp gỡ để giao lưu, mời nhau uống rượu, rồi hát đối, giao duyên. Đến khi tan chợ hoặc say sưa mới giã từ, hẹn nhau ở những phiên chợ sau. “Biết bao đôi trai gái nên duyên vợ chồng từ những lần đi chợ. Cũng có biết bao đôi trai gái tình duyên dang dở, nên mỗi năm lại tìm về phiên chợ tình để gặp lại nhau”, ông Vân nói.
Ngoài chợ Tân Sơn, hiện Bắc Ninh còn nhiều chợ như: Chợ Phong Vân, xã Biên Sơn; chợ Quế Sơn, xã Đại Sơn; chợ Biển Động, xã Biển Động… vẫn còn giữ được nét đẹp hát đối, giao duyên qua các làn điệu sloong hao, sli, lượn của đồng bào Tày, Nùng trong những phiên chợ Tết. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các chợ vùng cao, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xây dựng và phát triển thành các lễ hội xuân như “Lễ hội xuân và phiên chợ vùng cao Lục Ngạn” hay còn gọi là Hội hát Sloong hao và chợ tình Thác Lười - Tân Sơn. Qua đó, vừa bảo tồn được nét đẹp văn hóa vùng cao, vừa phát huy giá trị của chợ truyền thống, giúp phát triển thương mại, dịch vụ, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Xây dựng chợ văn minh, hiện đại
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 238 chợ (gồm 2 chợ hạng I, 24 chợ hạng II và 212 chợ hạng III). Hiện có 173 chợ do nhà nước đầu tư xây dựng và quản lý. Số chợ còn lại do doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, quản lý, khai thác. Ước tính, các chợ tạo việc làm cho hơn 25 nghìn lao động. Để phát huy hiệu quả của chợ truyền thống, chỉ tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh (cũ) đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp các chợ này.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (mới) có 238 chợ (gồm 2 chợ hạng I, 24 chợ hạng II và 212 chợ hạng III). Hiện có 173 chợ do nhà nước đầu tư xây dựng và quản lý. Số chợ còn lại do doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, quản lý, khai thác. Ước tính, các chợ tạo việc làm cho hơn 25 nghìn lao động. |
Cụ thể, tỉnh Bắc Giang đã phát triển thêm 2 chợ, gồm chợ Ninh Sơn và chợ Núi Hiểu, cùng phường Vân Hà, tổng mức đầu tư 10,5 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Các địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…) tổng cộng hơn 73 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp 18 chợ.
Bao gồm một số chợ như: Kế, Mỹ Độ, cùng phường Bắc Giang; chợ Kép, xã Kép; chợ Dương Hưu, xã Dương Hưu... Cùng đó, tỉnh Bắc Ninh (cũ) cũng đầu tư hàng chục tỷ đồng để các tạo nâng cấp các chợ truyền thống như: Châu Cầu, phường Châu Phong; Nam Sơn, phường Nam Sơn; Chi Long, Yên Trung, cùng xã Yên Phong... Việc cải tạo, nâng cấp các chợ giúp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống cháy nổ, chống ô nhiễm môi trường, xây dựng văn minh thương mại, góp phần xây dựng địa bàn sạch đẹp, văn minh, hiện đại.
Ngoài các chợ do nhà nước đầu tư xây dựng, cải tạo, còn có nhiều chợ do doanh nghiệp đầu tư. Đơn cử như Công ty trách nhiệm hữu hạn Môi trường xanh đầu tư hơn 142 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền thuê đất) thực hiện “Dự án xây dựng chợ hạng II thị trấn Nếnh” tại phường Nếnh, tổng diện tích hơn 18,3 nghìn m2, với nhà chợ chính cao 3 tầng hiện đại (có cầu thang cuốn và thang máy), 100 ki ốt 2 tầng và 180 điểm bán hàng. Ông Nguyễn Bạch Đằng, Phó Giám đốc Công ty cho biết, sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác (dự kiến vào tháng 10/2025), chợ Nếnh mới sẽ thay thế chợ Nếnh cũ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân quanh vùng và công nhân đến làm việc, cư trú tại địa phương.
Những năm gần đây, thương mại điện tử không ngừng phát triển và chiếm ưu thế. Vì thế, loại hình kinh doanh bán lẻ thông qua chợ truyền thống ở nhiều nơi có nguy cơ mai một. Để thu hút người dân vào chợ mua sắm, tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh (cũ) đều không ngừng quan tâm, đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ truyền thống. Đồng thời thu hút đầu tư xây dựng chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại. Trong số đó, có trường hợp chợ Yên, phường Kinh Bắc.
Ông Nguyễn Kinh Quyền, nguyên Chủ tịch UBND phường Kinh Bắc (cũ) thông tin, chợ Yên hình thành tư lâu. Trước đây, chợ Yên chủ yếu phục vụ người dân làng Yên Mẫn. Tuy nhiên, do thành phố Bắc Ninh (cũ) phát triển nhanh, mật độ dân số ngày càng cao nên chính quyền địa phương đã quy hoạch khu đất mới, diện tích gần 2 ha, cạnh đường tỉnh 286 (cách chợ Yên cũ khoảng 2 km) để xây dựng khu thương mại, dịch vụ hiện đại thay thế chợ Yên cũ. Hiện tỉnh đã có mặt bằng sạch và đang thu hút đầu tư.
Tỉnh Bắc Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn tới. Do đó, việc phát triển thương mại, dịch vụ (trong đó có chợ truyền thống) là hết sức cần thiết, cần tiếp tục chú trọng. Bởi các chợ này không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương, mà còn đáp ứng nhu cầu của người lao động khắp nơi đổ về Bắc Ninh sinh sống, làm việc trong các khu, cụm công nghiệp hay các hoạt động thương mại, dịch vụ khác.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/cho-truyen-thong-can-dien-mao-moi-postid421221.bbg
Bình luận (0)