Hoàn thiện hành lang pháp lý đối với y tế dự phòng
Trong những năm qua, hệ thống y tế dự phòng của nước ta đã có nhiều phát triển, tuy nhiên, chưa đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Công tác y tế dự phòng luôn được đánh giá là lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ “gác cổng” chặn dịch thì lại khó đảm nhận trách nhiệm được giao phó.
Minh chứng là việc thiếu vaccine Chương trình tiêm chủng mở rộng trầm trọng và kéo dài trong năm 2023 và 2024, đã gây ra lỗ hổng miễn dịch cộng đồng, khiến nhiều dịch bệnh bùng phát mạnh. Mỗi năm Việt Nam có hàng triệu người mắc các bệnh có thể dự phòng như lao, sốt rét, viêm gan virus, SARS, cúm, HIV/AIDS... Bài học về dịch Covid-19, hay gần đây nhất là các dịch bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, dịch cúm gia cầm H5N1… xâm nhập vào nước ta cho thấy tầm quan trọng của hệ thống y tế dự phòng.
Theo TS, BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Phòng bệnh, Bộ Y tế, hệ thống y tế dự phòng đang gặp những khó khăn nhất định, trong đó có khoảng trống về mặt pháp lý, các vướng mắc trong văn bản pháp luật hiện hành đối với việc sử dụng các giải pháp dự phòng mới như sinh phẩm y tế cũng là một hạn chế đối với vấn đề phòng bệnh truyền nhiễm. Sau 18 năm thực thi, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn xã hội. Chiến lược đầu tư cho y tế dự phòng cần phải ưu tiên tập trung vào việc “vá” các khoảng trống này, để dọn đường cho các chính sách, quy định về y tế dự phòng được thực thi và đi vào đời sống.
Chính vì thế, Bộ Y tế đã đề xuất xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh mới, nhằm khắc phục những thiếu sót này và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho một hệ thống y tế toàn diện, hướng tới nâng cao chất lượng sống của người dân.
Y tế dự phòng đang yếu và thiếu về nguồn nhân lực lẫn cơ sở vật chất
Hiện tại, mạng lưới y tế dự phòng của Việt Nam gồm 7 viện chuyên ngành tuyến Trung ương. Các viện này đảm nhận nhiệm vụ chuyên môn như giám sát dịch bệnh; nghiên cứu yếu tố nguy cơ đến sức khỏe; chỉ đạo tuyến, cung cấp dịch vụ y tế; nghiên cứu khoa học và đào tạo. Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia y tế, hiện vẫn tồn tại sự chồng chéo giữa các hoạt động giám sát dịch tễ, giám sát yếu tố nguy cơ của các Viện chuyên ngành và Trung tâm kiểm soát bệnh tật. Điều đáng nói, nếu ở tuyến trên có sự chồng chéo thì ở tuyến dưới, hệ thống y tế dự phòng lại yếu và thiếu về nguồn nhân lực lẫn cơ sở vật chất.
Nghị quyết số 18/2008/QH12 năm 2008 của Quốc hội nêu rõ cần dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đề ra giải pháp đổi mới tài chính y tế, trong đó ưu tiên bố trí ngân sách, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ chi cho y tế dự phòng trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho y tế tại các địa phương mặc dù có tăng dần qua các năm nhưng vẫn chưa đạt 30%, bởi vậy chưa thể bảo đảm thực hiện hiệu quả của hoạt động y tế dự phòng.
Theo Bộ Y tế, hiện có đến 50% Trung tâm y tế dự phòng ở các tỉnh cần được nâng cấp sửa chữa và xây mới. Nhiều nơi hệ thống phòng xét nghiệm lạc hậu, không có đủ trang thiết bị tối thiểu, phần lớn các xét nghiệm phải dựa vào các bệnh viện trên địa bàn. Kinh phí cho các hoạt động y tế dự phòng mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế. Nguồn kinh phí để duy trì hoạt động quản lý bệnh không lây nhiễm chủ yếu từ các chương trình, dự án, kinh phí địa phương rất hạn chế, không ổn định và cấp muộn đã ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.
Hiện nay, nguồn nhân lực y tế ở nhiều nơi còn khá khiêm tốn so với nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Y, bác sĩ phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, nên Trung tâm y tế khó thu hút được nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.
Đối với đề án xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bổ sung nội hàm về chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân với các mục tiêu cụ thể, nâng cao năng lực y tế dự phòng, đưa thêm 1.000 y, bác sĩ về cơ sở trong năm nay. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ và Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế về các dự thảo, đề án quan trọng chuẩn bị trình Bộ Chính trị diễn ra vào ngày 25/3/2025.
Sẵn sàng nhân lực y tế dự phòng, y tế cơ sở khi bỏ cấp huyện
Những năm gần đây, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều chính sách, đề án để thu hút các y, bác sĩ về vùng cao làm việc, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cơ sở. Trong đó, Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn” theo Quyết định số 585/QĐ-BYT của Bộ Y tế được triển khai từ năm 2017 đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cơ sở.
Theo PGS, TS Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, Phó Giám đốc Dự án 585, tính đến năm 2020, sau 8 năm thực hiện, dự án 585 khép lại giai đoạn 1 với những hiệu quả thiết thực, bổ sung hơn 350 bác sĩ cho các huyện nghèo tại 22 tỉnh miền núi phía bắc, miền trung và Tây Nguyên. Đây là dự án đã tạo bước đột phá cho ngành Y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao tại các tỉnh miền núi, tạo điều kiện cho nhân dân các huyện nghèo được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng tốt, hạn chế tình trạng chuyển tuyến điều trị, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người bệnh. Tuy nhiên, khi triển khai giai đoạn II của dự án thì Bộ Y tế lại gặp khó về bài toán ngân sách.
Dự án 585 của Bộ Y tế hướng đến hai đối tượng: Thứ nhất là bác sĩ chính quy tốt nghiệp đăng ký tình nguyện tham gia công tác tại các huyện nghèo; thứ hai là bác sĩ chính quy tại đơn vị sự nghiệp y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, tham gia Dự án theo hình thức cử đi đào tạo chuyên khoa I tại các bệnh viện tuyến Trung ương, trong 24 tháng liên tục, sau khi trở về địa phương, cam kết gắn bó tại cơ sở cử đi đào tạo thời hạn tối thiểu là 5 năm.
Bác sĩ Lò Văn Tình, hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên là một trong các bác sĩ đầu tiên của huyện được tham gia Dự án 585. Bác sĩ Tình cho biết, sau khi được đào tạo chuyên ngành Ngoại khoa tại Đại học Y Hà Nội, trở về địa phương, anh đã có thể cùng với các đồng nghiệp triển khai được tất cả các dịch vụ được phân tuyến tại bệnh viện hạng 3 và một số dịch vụ vượt tuyến như phẫu thuật cắt túi mật, phẫu thuật xương đùi... Các bác sĩ của dự án đã giúp người dân tiếp cận được y tế chuyên sâu ngay tại địa phương, giảm bớt gánh nặng chi phí vượt tuyến.
Tính đến nay, Dự án 585 đã thực hiện được 11 năm, với những kết quả vượt xa kỳ vọng ban đầu. Tuy nhiên, để dần thay đổi diện mạo và nâng cao chất lượng hoạt động của y tế tuyến cơ sở vùng đặc biệt khó khăn, Dự án 585 cần tiếp tục có thêm sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước để đưa dự án thí điểm này trở thành một chính sách.
Trong bối cảnh sắp xếp địa giới hành chính, bỏ cấp huyện sẽ có thể tạo ra những thay đổi trong hệ thống y tế, điều này buộc ngành Y tế cần có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở. Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho y tế dự phòng, tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực về y tế cơ sở, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới.
Để thu hút, duy trì đội ngũ bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, nhất là những người có trình độ đại học trở lên về công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế tuyến cơ sở và lĩnh vực y tế dự phòng của các địa phương, giải quyết khó khăn về nhân lực, việc nâng cao chế độ đãi ngộ, trong đó có phụ cấp ưu đãi theo nghề là vấn đề cấp thiết. Về vấn đề này, Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định quy định một số chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2025.
Nguồn: https://nhandan.vn/chuan-bi-nguon-nhan-luc-y-te-du-phong-khi-bo-cap-huyen-post869429.html
Bình luận (0)