Tới dự có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Văn Tiên, Bí thư Thành ủy Hoa Lư.
Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, thành phố Hoa Lư, xã Ninh Hải cùng đông đảo nghệ nhân, nhân dân và du khách trong nước, quốc tế.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong nhịp sống hiện đại hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sản phẩm công nghiệp được sản xuất hàng loạt, mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ đã và đang lấn át những giá trị bản địa cốt lõi, không ít làng nghề đang đối mặt với nguy cơ mai một như thiếu người kế cận, nối nghề, thị trường thu hẹp, sản phẩm khó có sức cạnh tranh, kỹ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một, lãng quên.
Không ít trường hợp người tiêu dùng đã phải quay lưng với sản phẩm truyền thống vì thiếu kết nối, thiếu cảm xúc, thiếu sự đổi mới trong mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Nhiều làng nghề thủ công loay hoay trong vòng xoáy giữa gìn giữ bản sắc và việc thích ứng với thị trường hiện đại. Nếu không có giải pháp kịp thời, những giá trị từng là biểu tượng của văn hóa sẽ lùi dần vào quá khứ, cái “hồn” của nghề, cái “gốc” của văn hóa truyền thống đứng trước những thách thức lớn khiến những người làm nghề, nghệ nhân tuổi cao, thu nhập bấp bênh khó gắn bó với nghề.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc kết nối di sản với làng nghề đưa sản phẩm truyền thống vào hành trình du lịch không chỉ góp phần nâng cao trải nghiệm của du khách, mà còn tạo sinh kế, giữ chân người trẻ ở lại với nghề, góp phần xây dựng một mô hình phát triển du lịch bền vững, lấy văn hóa làm nền tảng, con người làm trung tâm, cộng đồng làm chủ thể.
Sau gần 2 tháng tích cực triển khai, với sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, tâm huyết của các đơn vị, nhà thiết kế, doanh nghiệp, đặc biệt là sự vào cuộc trách nhiệm của các làng nghề, nghệ nhân, chương trình “Di sản dành cho cuộc sống” đã chính thức đi vào hoạt động.
Đây không chỉ là một sự kiện văn hóa, du lịch đơn thuần, mà còn là minh chứng sinh động cho nỗ lực phục hồi, kết nối và nâng tầm các giá trị truyền thống trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, là bước đi cụ thể tạo lập một không gian, nơi truyền thống gặp sáng tạo, nơi di sản bước vào đời sống đương đại, để tiếp tục sống, tiếp tục phát triển và tiếp tục chạm tới trái tim của thế hệ hôm nay và mai sau.
Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh Ninh Bình giàu bản sắc, thân thiện, đổi mới; thúc đẩy sự hồi sinh của các làng nghề truyền thống, vừa là nơi lưu giữ ký ức cha ông, vừa khơi nguồn ý tưởng, sáng tạo và mang lại sinh kế cho người dân để vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tại chương trình, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao đã công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Nghề thủ công truyền thống nghề Thêu - Ren Ninh Hải”, xã Ninh Hải, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao bằng chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho đại diện Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Ninh Hải.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho đại diện Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Ninh Hải.
Đến với chương trình, nhân dân, du khách đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật thời trang độc đáo với sự xuất hiện của nhiều ca sỹ, nghệ sỹ nhân dân như: NSND Thanh Lam, NSND Thái Bảo, NSND Phương Thảo, Rocker Phạm Anh Khoa… Các bộ sưu tập như Trúc Lâm Đại sỹ xuất sơn chi đồ, Lúa, Thuyền, Dòng chảy tinh hoa,... đều lấy cảm hứng từ vẻ đẹp văn hoá, thiên nhiên, con người vùng đất Cố đô với những thiết kế tinh tế, đẹp mắt. Sự kết hợp giữa âm nhạc, thời trang và màn biểu diễn của các nghệ nhân làng nghề đã mang đến cho du khách không gian văn hóa sống động, hấp dẫn.

Chương trình không chỉ là hoạt động du lịch độc đáo, mà còn là hoạt động bảo tồn các giá trị văn hoá, nghề truyền thống và tôn vinh các vị tổ nghề, những nghệ nhân, thợ lành nghề, cộng đồng làng nghề những người đã và đang gìn giữ, chắt chiu từng đường kim, nét chạm, từng sợi cói, viên gốm, góp phần giữ hồn dân tộc.
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/chuong-trinh-nghe-thuat-thoi-trang-di-san-danh-cho-cuoc-004756.htm
Bình luận (0)