Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyến du lịch định mệnh ở Hạ Long khiến cả gia đình ở Hà Nội thiệt mạng

(Dân trí) - Bốn xe cứu thương lần lượt chở thi thể của gia đình con trai ông Chí từ Hạ Long về Hà Nội. Người đàn ông không ngờ, chuyến du lịch định mệnh đã cướp đi tất cả trong phút chốc.

Báo Dân tríBáo Dân trí21/07/2025

1.webp

Tối muộn 20/7, trong căn nhà nhỏ nằm khuất sau con ngõ ở thôn Khê Hồi, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội), ông Lê Trung Chí, 72 tuổi, ngồi lặng lẽ trước bàn thờ vừa lập vội. Trên di ảnh là con trai cả, con dâu và hai cháu nội của ông – những người mãi mãi ra đi sau vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh (QN-7105) ở vịnh Hạ Long chiều 19/7.

Ánh đèn vàng vọt hắt lên khuôn mặt khắc khổ, mái tóc bạc của ông Chí càng làm nổi bật dáng vẻ cô quạnh của một người cha già mất đi tất cả.

Cả ngày nay ông gắng gượng lo tang lễ cho các con, đến tận khi khách khứa đã vãn, ông mới được ngồi lại, ngước nhìn di ảnh con cháu – những người mà mới hôm kia còn ríu rít chào ông đi chơi, nay đã âm dương cách biệt.

"Tôi mất tất cả rồi"

Thở dài, như muốn trút bớt nỗi đau đè nặng trong lồng ngực suốt hơn một ngày qua, ông Chí, kể lại: “Cách đây hai ngày, con dâu tôi – cháu X., đưa con trai út về tắm rửa cho bà nhà tôi. Vợ tôi bị liệt hai năm nay, cứ cách ngày là con dâu lại về chăm bà. Nó ngoan và hiền lắm…”.

Hôm ấy, chị X. nói sẽ cùng chồng và hai con có chuyến đi biển nghỉ mát. Con trai ông – anh V.A. – cũng gọi điện dặn bố không cần chuẩn bị đồ ăn như mọi khi: “Hai hôm tới nhà con đi chơi, bố đừng mang gì lên nhé!”.

Vì công việc bận rộn, các con thường không kịp nấu nướng, ông Chí hay chuẩn bị thực phẩm mang lên, nghe con dặn, ông gật đầu đồng ý, nghĩ đơn giản rằng các con đi chơi rồi sẽ về.

“13h30 hôm 19/7, V.A. còn gọi video cho em nó, bảo đang chơi ở biển. Vậy mà chưa đầy vài giờ sau, tôi nghe tin có tàu bị lật ở Hạ Long”, ông nghẹn giọng.

2.webp

Ông Chí ngồi lặng lẽ sau khi tiễn khách đến viếng các con ra về.

Ban đầu, ông không nghĩ đó là tàu chở gia đình mình, vì chỉ biết các con đi chơi biển với đồng nghiệp ở xí nghiệp xe buýt, chứ không rõ cụ thể địa điểm. Nhưng linh cảm có điều chẳng lành, bữa cơm tối hôm ấy ông nuốt không trôi. Đúng lúc đó, một người họ hàng ở Hạ Long gọi báo: Tàu của các con ông gặp nạn, sống chết chưa rõ.

“Nghe xong, tôi bủn rủn tay chân. Gọi ngay cho bên thông gia cách nhà chừng 3km, rồi tôi cùng hai người nhà X. và ba người bạn thân của V.A. tức tốc thuê xe xuống Hạ Long ngay trong đêm, lúc hơn 21h30…”, ông Chí kể.

Rạng sáng 20/7, ông Lê Trung Chí cùng người thân có mặt tại khu vực nhà xác ở Quảng Ninh để nhận dạng nạn nhân trong vụ lật tàu. Khi nhìn thấy thi thể con dâu và cháu trai út, ông gục ngã. Dù đau đớn tột cùng, ông vẫn hy vọng con trai cả và cháu nội lớn còn sống.

Thế nhưng, đến 4h30 cùng ngày, phép màu không xảy ra. Lực lượng chức năng gọi ông đến để xác nhận thêm hai nạn nhân – con trai ông, anh V.A., và cháu trai lớn. Thi thể họ được bọc trong bao vải trắng. Nhân viên đưa cho ông một chiếc túi, bên trong là chiếc đồng hồ quen thuộc mà con ông vẫn đeo. Lặng lẽ đeo chiếc đồng hồ lên tay, ông Chí nuốt nước mắt, thu xếp đưa cả gia đình con trai về Hà Nội.

3.webp

Chiếc đồng hồ là di vật anh V. A. để lại được ông Chí đeo trên tay.

“Tôi từng là bộ đội, chiến đấu với lính Mỹ bao năm, không sợ bom đạn, chẳng sợ chết. Nhưng khi nhìn con cháu mình nằm đó… tôi không trụ nổi”, ông Chí nghẹn ngào.

Giữa nỗi đau như từng nhát dao cứa vào tim, ông Chí vẫn gắng gượng giữ bình tĩnh. Con cháu đã ra đi, ông tự nhủ mình phải lo tang sự cho trọn vẹn. Ông bàn với gia đình thông gia, quyết định đưa các nạn nhân về an táng tại quê nhà ngay trong ngày, không nấn ná.

Theo tục lệ địa phương, tang lễ thường kéo dài đến chiều mới đưa đi chôn cất. Nhưng ông Chí muốn làm nhanh gọn trong buổi sáng, để con cháu được yên nghỉ sớm, cũng là để chính ông sớm thoát khỏi cảm giác khủng khiếp đang gặm nhấm tâm trí từng giờ.

Bốn xe cứu thương lần lượt chở thi thể của bốn người trong gia đình con trai ông từ Hạ Long trở về. Ông Chí ngồi trên một xe cùng thi thể con trai cả. Chuyến xe đẫm nước mắt. Suốt quãng đường, ông không dám nhìn sang bên cạnh, chỉ nắm chặt chiếc đồng hồ trong tay.

“Tôi từng đưa nó đi học, chở nó đi làm. Nhưng chưa bao giờ nghĩ có ngày đón con về trong tình cảnh như thế này…”, ông nói, giọng như tắc lại nơi cổ họng.

Anh V.A là con cả của ông, đang lái xe buýt cho một xí nghiệp ở Hà Nội. Vợ anh – chị X. – là điều dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai. Hai con trai của họ, một đứa lớp 8, một đứa lớp 6, ngoan ngoãn, lễ phép, là chỗ dựa tinh thần của ông bà nội.

“Tôi từng đưa các cháu đi học bơi. Trong đầu tôi vẫn hy vọng, biết đâu kỹ năng ấy giúp chúng thoát nạn. Nhưng rồi... không ai trở về nữa cả. Mất hết rồi, tôi chẳng còn gì nữa”, người cha già nghẹn lời.

Khi 4 chiếc xe cứu thương dừng lại trước cửa nhà thờ làm lễ, hàng trăm người dân địa phương, đồng nghiệp của vợ chồng anh V.A., thầy cô giáo và bạn bè của hai cháu nhỏ đã có mặt từ sớm, đứng kín lối vào nhà thờ.

4.webp

Trước khi tai nạn ập đến, anh V.A. từng gọi video quay cảnh biển cho em trai xem.

Chứng kiến dòng người lặng lẽ nối dài, ông Chí rưng rưng xúc động. Ông bảo, giữa nỗi đau tột cùng, tình người đã trở thành điểm tựa tinh thần giúp ông và gia đình vơi đi phần nào mất mát.

“Có người chẳng quen biết, không họ hàng thân thích, chỉ nghe tin là đến tận nơi chia sẻ, hỏi han, thắp cho các con tôi nén nhang. Giữa lúc hoạn nạn mà có được tấm lòng ấy, tôi thấy ấm áp vô cùng”, ông Chí nói.

Ngay trong sáng 20/7, lễ an táng được tiến hành nhanh chóng theo nguyện vọng của gia đình. Các con, cháu ông Chí được yên nghỉ bên nhau, nơi mảnh đất quê hương.

Anh Lê Trung Nam (44 tuổi), em trai của anh V.A., vẫn chưa tin vào sự thật đau lòng. Anh kể, từ khi sự việc xảy ra, cả gia đình mất ăn mất ngủ, không ai chợp mắt nổi. Người mẹ già khi hay tin con, dâu và hai cháu gặp nạn khóc ngất vì quá sốc.

“Anh trai và chị dâu tôi vẫn thường đưa các con đi chơi mỗi dịp hè, năm nào cũng vậy. Ai ngờ chuyến đi lần này lại là chuyến đi mãi mãi không trở về…”, anh Nam thở dài nói.

5.webp

Trước cổng nhà anh T. và chị K., họ hàng, hàng xóm dựng rạp, kê bàn ghế, chuẩn bị đón thi thể hai nạn nhân về lo hậu sự.

Chuyến du lịch của hai đồng nghiệp xấu số cùng làng

Cách nhà ông Chí khoảng 500m, căn nhà nhỏ nơi vợ chồng anh T. và chị K. sinh sống cũng chìm trong không khí tang thương, lặng lẽ. Họ là hai trong số 46 nạn nhân trong vụ lật tàu Vịnh Xanh tại vịnh Hạ Long chiều 19/7, anh T. là đồng nghiệp của con trai ông Chí – anh V.A..

Sáng 20/7, trong khi hầu hết người thân đã di chuyển xuống Hạ Long để chờ đón thi thể của hai nạn nhân xấu số, ở nhà, họ hàng và làng xóm tất bật dựng rạp, kê bàn ghế, chuẩn bị cho tang lễ. Người dân quanh vùng liên tục đến hỏi han, chia sẻ, ai nấy đều không giấu nổi sự xót xa.

Theo đại diện gia đình, anh T. và anh V.A. cùng làm việc tại một xí nghiệp xe buýt ở Hà Nội. Dịp này, đoàn lái xe tổ chức chuyến du lịch nghỉ mát, tuy nhiên cụ thể chương trình ra sao thì người nhà không nắm rõ. Đến tận khuya 19/7, gia đình mới nhận được tin dữ: Vợ chồng anh T. – chị K. gặp nạn trên tàu.

6.webp

Chính quyền xã Hồng Vân đến thăm hỏi, động viên gia đình anh T. chị K. tối 20/9.

Ngay trong đêm, cả gia đình tức tốc thuê xe xuống hiện trường, mang theo hy vọng mong manh. Đến sáng 20/7, thi thể của anh T. đã được tìm thấy và xác nhận. Riêng chị K. hiện vẫn đang mất tích, lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm.

“Gia đình chúng tôi phải chia làm hai chuyến xe, gần 20 người gồm họ hàng thân thích đã có mặt ở Hạ Long, chỉ mong sớm tìm được chị K. để đưa cả hai vợ chồng về an táng”, một người thân trong gia đình chia sẻ.

Trong cùng một ngày, cả khu làng nhỏ nơi hai gia đình xấu số sinh sống chìm trong không khí tang thương và mất mát. Người dân làng nghẹn ngào kể, anh T. làm nghề lái xe, chị K. buôn bán ngoài chợ, hai con của họ cũng đã lớn, gia đình vốn yên ấm, hạnh phúc. Vậy mà chỉ sau một chuyến đi, tất cả bỗng tan vỡ, ly biệt khiến ai nấy đều đau xót.

Nhưng nỗi đau lớn nhất có lẽ thuộc về gia đình ông Chí – nơi không một ai trong gia đình con trai ông còn trở về. Cả bốn người thân yêu ra đi vĩnh viễn sau một chuyến du lịch tưởng chừng chỉ là niềm vui ngắn ngủi giữa đời thường. Trong ánh mắt người cha già, giờ chỉ còn lại khoảng trống lạnh lẽo và ký ức của những lần đưa đón, những lời dặn dò còn chưa kịp nói hết.

Ảnh: Nguyễn Ngoan

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/doi-song/chuyen-du-lich-dinh-menh-o-ha-long-khien-ca-gia-dinh-o-ha-noi-thiet-mang-20250720230039315.htm



Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm