Nhìn gương mặt non trẻ, dáng người nhỏ nhắn, có chút sự rụt rè,… ít ai ngờ Thảo Như lại mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp nông nghiệp sạch với mô hình "trồng nấm mối đen hữu cơ ứng dụng công nghệ IoT".
Dự án này vừa giành giải Nhì tại Hội thi trình bày ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2025 do Hội LHPN tỉnh Bình Dương (nay là Hội LHPN TPHCM) tổ chức.
Luôn ấp ủ giấc mơ làm nông nghiệp sạch
Thảo Như cho biết, cô lựa chọn mô hình nấm hữu cơ vì nhận thấy xu hướng nông nghiệp sạch đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang đến thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng mà còn bảo vệ môi trường, gìn giữ tài nguyên đất, nước và hệ sinh thái.
Nấm mối đen là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít calo, giàu protein, vitamin và khoáng chất, đặc biệt phù hợp với những người ăn chay, ăn kiêng hoặc theo đuổi lối sống lành mạnh phù hợp với xu hướng yêu thích của một bộ phận giới trẻ, trong đó có cô.
Ngoài ra, Như cũng nhận thấy lợi thế trong việc tận dụng nguồn lực có sẵn của địa phương để khởi nghiệp là: Bình Dương là vùng trồng nhiều cao su, khi cây cao su được khai thác hết gỗ cao su sẽ làm mùn cưa để làm phôi nấm, phôi nấm sau khi thu hoạch xong sẽ được ủ làm phân bón cho cây trồng khác.
"Gia đình em chủ yếu làm nông, nuôi heo nên bản thân em đã có niềm yêu thích với nghề nông. Em luôn ấp ủ giấc mơ làm nông nghiệp sạch. Em muốn tận dụng những lợi thế nguyên liệu của quê hương để tạo ra một mô hình khởi nghiệp vừa hiệu quả, vừa mang tính bền vững.
Đây cũng là cách giúp em được ở cạnh ba mẹ, được làm việc trên quê hương, góp sức nhỏ của mình vào xây dựng và phát triển quê nhà", Thảo Như chia sẻ.
Dẫu biết rằng, con gái làm trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ nhiều vất vả "dãi nắng dầm mưa" nhưng ba mẹ cô đã đồng ý và hoàn toàn ủng hộ.
"Trước khi bắt tay vào làm, em dành nhiều tháng liền cùng ba rong ruổi đến các trang trại ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận để học hỏi, xin thông tin và tích lũy kinh nghiệm. Vì em còn trẻ, giao tiếp còn rụt rè, nhiều lúc không biết mở lời thế nào nên em nhờ ba đi cùng.
Thảo Như đang thu hoạch nấm
Ba em không chỉ chở em đi học hỏi mà còn hỗ trợ phụ trách xây dựng trại, hỗ trợ phần cơ sở vật chất. Còn lại các khâu kỹ thuật, em tự tìm hiểu và đảm nhiệm", Như nhớ lại.
Ứng dụng công nghệ cao để phát triển
Thảo Như chính thức khởi nghiệp với mô hình "trồng nấm mối đen hữu cơ ứng dụng công nghệ IoT" từ tháng 6/2025, dự án đang trong giai đoạn đầu khởi nghiệp với số vốn đầu tư ban đầu gần 200 triệu đồng, diện tích trồng nấm 100m2 chia làm 2 trại nấm, trong đó 5.000 phôi nấm đã cho thu hoạch và đang đầu tư trồng thêm 5.000 phôi mới.
Trung bình mỗi ngày thu hoạch từ 15-20kg nấm. Hiện tại, Thảo Như là người trực tiếp đảm nhiệm toàn bộ quy trình từ trồng nấm, chăm sóc, thu hái đến phân phối sản phẩm. Khi vào mùa nấm rộ, cô thuê thêm nhân công hỗ trợ sơ chế.
Mặc dù đang trồng trong quy mô nhỏ nhưng Thảo Như đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ IoT trong nuôi trồng nấm. Trại nấm trồng trong môi trường kín, điều hòa tốt về không khí, độ ẩm nên không lo ngại nhiều về vấn đề thời tiết.
Cô phân tích: Công nghệ IoT giúp nâng cao năng suất, giảm thiểu mầm bệnh và giảm chi phí. Thông qua các cảm biến của hệ thống IoT, người dùng có thể quản lý từ xa qua smartphone, máy tính, thu thập và phân tích các thông số như ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ, nồng độ CO2/O2,...và được cảnh báo khi có thông số bất thường.
Sản phẩm nấm mối đen
Hệ thống được tích hợp với công nghệ điều khiển tự động giúp điều hòa được môi trường bên trong trại nấm. Ngoài ra mô hình được trồng trong nhà tiền chế bằng panel diện tích 50m2 cho 5.000 phôi, giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên đất, không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
"Hiện nay, trại nấm của em đang nhập phôi về trồng, kinh nghiệm còn chưa có nhiều nên xử lý các vấn đề dịch bệnh còn khó khăn. Để khắc phục những nhược điểm trên, em đã đăng ký học thêm khoá ngắn hạn tại trường Đại học Nông Lâm để học hỏi kiến thức.
Em hướng tới mục tiêu tự tạo được phôi để giảm giá thành sản xuất, chủ động được nguồn phôi chất lượng hơn", Như bày tỏ.
Trưởng thành hơn sau cuộc thi khởi nghiệp
Hành trình khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Với Thảo Như cũng không ngoại lệ. Những ngày đầu bắt tay vào trồng nấm mối đen, cô không tránh khỏi những bỡ ngỡ và thất bại. "Lứa nấm đầu tiên phôi bị mốc xanh, hư hỏng, không cho ra nấm, khiến em hoang mang lắm. May mắn là đơn vị cung cấp phôi đã kịp thời hướng dẫn cách xử lý", Như nhớ lại.
Dù cố gắng khắc phục, cô vẫn mất khoảng 500-600 phôi đây là một tổn thất không nhỏ với người mới khởi nghiệp.
Phôi nấm mối đen
Chính những vấp ngã ấy lại là "chất liệu" để Thảo Như trưởng thành hơn. Cô không ngần ngại học hỏi, tiếp thu kiến thức và đưa dự án của mình đi cọ xát. Khi biết đến Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh, cô quyết định đăng ký tham gia với tâm thế học hỏi là chính.
"Em xem cuộc thi như một cơ hội để rèn luyện bản thân, va chạm thực tế, học cách giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm khách hàng. Bất ngờ hơn, dự án của em lại được Ban giám khảo đánh giá cao", Thảo Như xúc động chia sẻ.
Dự án khởi nghiệp của Thảo Như đã nhận được sự đồng hành tích cực từ Hội LHPN địa phương. Cô được hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ dự thi, tham gia các lớp đào tạo chuyên sâu về thiết kế bao bì, xây dựng thương hiệu và cập nhật xu hướng thị trường. Điều này giúp mô hình của Thảo Như từng bước đi vào chuyên nghiệp hóa.
"Từ một người rụt rè, em đã mạnh dạn hơn khi giao tiếp, biết cách thuyết trình ý tưởng, xây dựng câu chuyện sản phẩm. Qua các buổi đào tạo chuyên sâu từ cuộc thi, em cũng bắt đầu học cách phân tích thị trường, xác định tệp khách hàng và định hướng phát triển thương hiệu riêng", cô nói.
Khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm nấm mối đen có thể liên hệ Thảo Như qua số điện thoại: 0967.501478.
Địa chỉ: số 271, ấp Long Bình, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương - nay là phường Long Nguyên, TPHCM.
Sau cuộc thi khởi nghiệp, Thảo Như học tập được nhiều kinh nghiệm quý báu để xây dựng các mục tiêu dài hơi. Thời gian tới, cô sẽ đăng ký bảo hộ thương hiệu và xây dựng hình ảnh sản phẩm uy tín để tạo lợi thế cạnh tranh.
Cô sẽ đẩy mạnh kênh bán lẻ trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, kết hợp fanpage và website để tiếp cận nhóm khách hàng trẻ. Một trong những kế hoạch lớn của Thảo Như là đăng ký chứng nhận VietGAP trong vòng 7 tháng tới và hướng tới chuẩn GlobalGAP/Organic trong vòng 2 năm.
Đây sẽ là bước tiến quan trọng để sản phẩm của cô đủ điều kiện chinh phục các thị trường khó tính như siêu thị, nhà hàng cao cấp.
"Em mong dự án nhỏ của mình sẽ truyền cảm hứng cho những người phụ nữ trẻ dám nghĩ, dám làm. Nếu có đam mê và ý chí, ai cũng có thể bắt đầu dù từ những điều rất nhỏ. Em tin rằng, tuổi trẻ chỉ thật sự ý nghĩa khi ta dám sống và dám thử thách bản thân", Thảo Như bày tỏ.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/co-gai-gen-z-hoc-cach-trong-nam-moi-den-de-khoi-nghiep-20250716124809448.htm
Bình luận (0)