Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cô giáo người Pa Kô và tình yêu văn hóa dân tộc

Cùng với việc truyền đạt kiến thức, nhiều năm qua, cô giáo Tô Thị Nhật, người dân tộc Pa Kô, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS&THPT Đakrông (xã Tà Rụt) đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong dạy học. Đặc biệt, cô đã chủ động lồng ghép các yếu tố văn hóa địa phương vào các tiết học nhằm tạo hứng thú cho học sinh, góp phần bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc để các em giữ gìn và phát huy những tinh hoa của cha ông để lại.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị22/07/2025

Cô giáo người Pa Kô và tình yêu văn hóa dân tộc

Cô Nhật luôn biết cách “truyền lửa” để học sinh yêu thích tìm hiểu văn hóa dân tộc Pa Kô - Ảnh: K.S

Xem văn hóa dân tộc là “một phần máu thịt”

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, chuyên ngành Ngữ văn, năm 2009, cô giáo Tô Thị Nhật trở về quê hương và được phân công giảng dạy tại Trường THPT số 2 Đakrông (nay là Trường THCS&THPT Đakrông), một địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh. Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cô Nhật thấu hiểu những thiệt thòi của học sinh nơi đây, từ điều kiện kinh tế, giao thông đi lại đến môi trường học tập. Chính vì vậy, cô đã tích cực nghiên cứu, tìm cách đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp để xây dựng môi trường học tập thân thiện, tích cực, khích lệ tinh thần để học sinh luôn cảm thấy được yêu thương, từ đó vượt khó vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Ngay từ những năm đầu dạy học, cô Nhật đã rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. “Tôi luôn xem văn hóa của dân tộc Pa Kô như một phần máu thịt của tôi và là “linh hồn” của quê hương. Vì vậy, luôn tự nhủ phải làm sao vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa làm những việc có ích cho quê hương”, cô Nhật bộc bạch.

Với lợi thế nói thành thạo ngôn ngữ dân tộc Pa Kô, hiểu sâu phong tục tập quán và có mối quan hệ gần gũi với cộng đồng nên ngoài giờ lên lớp, cô còn dành thời gian để đi đến các bản làng, gặp gỡ, chuyện trò cùng các già làng, trưởng bản, nghệ nhân và những người cao tuổi ở địa phương để tìm hiểu về phong tục, tập quán, đời sống văn hóa, tinh thần, nét đẹp của các lễ hội dân gian của dân tộc mình... Sau đó, cô cẩn thận ghi chép, chụp ảnh, quay video để bổ sung vào nguồn tư liệu, phục vụ cho công tác giảng dạy.

Ngoài ra, cô còn chủ động tìm hiểu thêm những đặc trưng văn hóa của các dân tộc khác trên khắp mọi vùng miền qua sách, báo, internet để hiểu sâu hơn và có cái nhìn toàn diện hơn, từ đó chọn lọc, đưa vào các bài giảng và các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong nhà trường, giúp học sinh thấy được chiều sâu văn hóa, cái đẹp trong tư duy thẩm mỹ của người Pa Kô, từ đó mang đến cho các em sự hứng khởi, say mê trong việc nghiên cứu khoa học về lĩnh vực xã hội, hành vi, cách ứng xử của đồng bào Pa Kô với thiên nhiên vạn vật và những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Gìn giữ văn hóa trong thời đại công nghệ số

Với mong muốn đổi mới cách giảng dạy, đưa văn hóa dân tộc Pa Kô vào trường học một cách gần gũi và sinh động, cô giáo Tô Thị Nhật còn hướng dẫn học sinh kể chuyện cổ tích Pa Kô bằng ngôn ngữ bản địa lẫn tiếng phổ thông, sau đó quay video đăng tải lên youtube, facebook hay tạo flipbook (một loại ấn phẩm kỹ thuật số tương tác, mô phỏng hiệu ứng lật trang của sách in truyền thống) truyện ngắn để học sinh dễ dàng đọc và lan tỏa những nét văn hóa đặc trưng của người Pa Kô đến cộng đồng.

Đây là cách làm sáng tạo, vừa giúp học sinh cảm thấy tự hào khi mình là người trực tiếp góp phần lan tỏa, quảng bá và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời kết nối cộng đồng và thế hệ trẻ với di sản văn hóa của dân tộc mình. Em Hồ Thị Mỹ, học sinh lớp 12D, Trường THCS&THPT Đakrông phấn khởi chia sẻ: “Em rất vui và tự hào khi được hóa thân vào nhân vật trong các câu chuyện cổ tích Pa Kô do cô giáo Nhật hướng dẫn. Qua mỗi lần kể chuyện, em hiểu hơn và thêm yêu nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, đặc biệt là những bài học quý báu mà cha ông muốn gửi gắm, đã trao truyền lại”.

Quá trình sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật và truyền dạy văn hóa dân tộc cho học sinh, cô Nhật không khỏi trăn trở khi nhận thấy nhiều giá trị văn hóa của người Pa Kô đang dần mai một, người biết truyền dạy không còn nhiều. “Hiện nay, chúng tôi đang gặp một số khó khăn trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc trong nhà trường như: Thiếu tài liệu giảng dạy bài bản, nhất là các bản dịch song ngữ; cơ sở vật chất phục vụ cho việc truyền thông, lưu trữ tư liệu còn hạn chế...

Chính vì vậy, tôi mong muốn thời gian tới sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhà trường và chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân tộc thiểu số trong trường học, trong đó có dân tộc Pa Kô; kết nối với các già làng, nghệ nhân để thành lập các lớp học dân gian; xây dựng bộ tài liệu giảng dạy tích hợp văn hóa địa phương trong chương trình học...”, cô Nhật bày tỏ.

Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Tà Rụt Trần Đăng An nhận xét: “Cô giáo Tô Thị Nhật là người rất đam mê nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Pa Kô. Ngoài ra, cô còn tích cực hướng dẫn, truyền cảm hứng để học sinh hiểu, yêu thích và trân trọng những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, góp phần cùng với nhà trường khuyến khích, thúc đẩy phong trào thi đua nghiên cứu khoa học trong giáo viên, học sinh ”.

Kô Kăn Sương

Nguồn: https://baoquangtri.vn/co-giao-nguoi-pa-ko-va-tinh-yeu-van-hoa-dan-toc-196060.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm