Hiện nay, khái niệm "tài chính xanh" vẫn chưa có định nghĩa thống nhất, nhưng về cốt lõi bám sát nguyên tắc tài chính truyền thống, đồng thời tích hợp thêm các yếu tố môi trường như giảm phát thải CO2 và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp đến là yếu tố xã hội liên quan đến giới hoặc lợi ích của các nhóm liên quan đến khó khăn trong xã hội. Tiêu chí bền vững kết hợp giữa xanh và xã hội, yếu tố quản trị có xu hướng rộng hơn ở ESG. Một trong những trọng tâm của tài chính xanh là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0".
Thống kê từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) |
Cách đây 20 năm tỉ lệ phát thải/GDP của Việt Nam thấp nhất trong khu vực. Tuy nhiên những năm gần đây Việt Nam nằm trong những nước cao nhất khu vực. Điều này cho thấy thời gian nước ta đang gia tăng công nghiệp hóa rất nhanh. Nhưng quá trình công nghiệp hóa sử dụng năng lượng phát thải nhiều hơn, dẫn đến đơn vị phát thải/GDP tăng lên, trong khi đó các nước khác trong khu vực đang có xu hướng giảm. Thêm vào đó, đơn vị phát thải/năng lượng tiêu thụ của Việt Nam đang trong chiều hướng đi lên, trong khi các nước trong khu vực lại đang có xu hướng giảm. “Chính vì vậy, chuyển đổi xanh ở Việt Nam không phải là mong muốn chủ quan mà đã trở thành đòi hỏi khách quan” – ông Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh.
Đánh giá về thị trường tài chính xanh, ông Nguyễn Bá Hùng cho biết, các ngân hàng và tổ chức tài chính đóng vai trò then chốt, nhưng yếu tố xanh vẫn là thách thức mới. Khác với tài chính truyền thống, vốn chỉ tập trung vào năng lực kinh doanh của doanh nghiệp thế nhưng tài chính xanh đòi hỏi tổ chức tín dụng phải xác định rõ mục đích sử dụng vốn và đảm bảo dự án đạt tiêu chuẩn môi trường. Đặc biệt, điểm khó nằm ở việc doanh nghiệp phải chứng minh được "tính xanh" thông qua các tiêu chí cụ thể (ví dụ: sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải CO₂). Trong khi đó, nhiều tổ chức tín dụng chưa có đủ năng lực thẩm định do thiếu khung tiêu chuẩn thống nhất hoặc chi phí đánh giá cao. Điều này đặt ra bài toán về cơ chế hỗ trợ từ chính sách và sự phối hợp giữa các bên.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng, đây không phải con số lớn nhưng xu hướng tăng tương đối đều, kỳ vọng có thể tăng nhanh hơn nữa. Bên ngoài số tín dụng xanh này còn 21% tổng dư nợ có đánh giá rủi ro ESG. Các TCTD Việt Nam đã từng bước đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh đóng góp vào môi trường và xã hội của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng, tài chính xanh là một xu hướng phát triển tất yếu, không chỉ là một lựa chọn mà là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo một tương lai bền vững. Thị trường tài chính xanh trên thế giới đang rất sôi động, các quốc gia xung quanh cũng đã từng bước đưa những biện pháp đánh giá về tài chính xanh. Sự chuyển đổi này được thúc đẩy bởi sự kết hợp của các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường, tạo ra một động lực mạnh mẽ cho việc tái cấu trúc hệ thống tài chính toàn cầu.
Việc áp dụng tài chính xanh mang lại lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị), từ đó nâng cao uy tín và thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến sự phát triển bền vững. Các dự án bền vững thường được hưởng lợi từ các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp hoặc được giảm thuế, giúp giảm chi phí và đẩy nhanh tiến độ phát triển. Đầu tư xanh còn giúp quản lý rủi ro tốt hơn trong dài hạn, đặc biệt là về mặt pháp lý và môi trường.
Để phát triển tài chính xanh, Việt Nam cần đa dạng hóa các dòng đầu tư xanh. Bên cạnh đó các TCTD, tổ chức tài chính cần thu hút và tận dụng nguồn vốn nước ngoài, các quỹ đầu tư. Để làm được điều đó Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý, thể chế và đặc biệt, mỗi doanh nghiệp cần có sự chủ động nâng cao nhận thức và sự tham gia của doanh nghiệp vào các dự án xanh. Cuối cùng, cần ưu tiên phát triển các lĩnh vực trọng điểm có tác động lớn như năng lượng sạch và giao thông bền vững, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ để phòng ngừa rủi ro tẩy xanh. “Những bước đi này sẽ giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng tài chính bền vững đang phát triển mạnh trên toàn cầu” ông Hùng nhấn mạnh.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/co-hoi-phat-trien-tai-chinh-xanh-tai-viet-nam-163651.html
Bình luận (0)