Cơ hội
Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp quan trọng có giá trị cao và đóng vai trò trung tâm trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Năm 2024, toàn cầu đã bán ra hơn 1 ngàn tỷ chip bán dẫn, cao hơn tất cả loại hàng hóa công nghệ.
Theo TS. Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP. Huế, Việt Nam hiện có nhiều thuận lợi để phát triển ngành CNBD; trong đó đầu tiên phải kể đến nguồn nhân lực. Việt Nam có khoảng 70 triệu người dưới 35 tuổi có năng lực học tập và tự học cao. Nhiều năm gần đây, Việt Nam luôn trong top 10 thế giới về toán học. Hơn nữa, phát triển CNBD là xu hướng tất yếu hiện nay trên toàn cầu và Việt Nam đón xu hướng này khá tích cực.
Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) sử dụng chip bán dẫn trên thế giới có xu hướng tránh phụ thuộc vào nguồn chip sản xuất từ 1 - 2 quốc gia, vùng lãnh thổ. Do đó, các DN sản xuất, đóng gói chip bán dẫn đang dần chuyển dịch sang nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam trong lĩnh vực đóng gói, kiểm thử…
Việt Nam cũng đã đưa ra những chiến lược thực tiễn cho ngành CNBD. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo; ban hành Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành CNBD đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; Chiến lược phát triển CNBD Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 43/CT-TTg về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành CNBD và một số ngành công nghệ số cốt lõi.
Cuối năm vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết này đã tạo ra một làn sóng mạnh mẽ, kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành CNBD phát triển, là động lực để các DN trong nước đầu tư phát triển.
Mới đây, vào ngày 24/2, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy Lê Trường Lưu đã ký ban hành Chương trình hành động số 115-Ctr/TU nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. Theo đó, một trong những mục tiêu, giải pháp mà chương trình hướng đến là xây dựng hạ tầng, phát triển công nghiệp công nghệ số trên các lĩnh vực; thu hút nhân tài trong và ngoài nước nghiên cứu, giảng dạy đào tạo phát triển công nghiệp công nghệ cao; hình thành hệ sinh thái với các trung tâm, khu sản xuất ngành công nghiệp công nghệ cao, như chip bán dẫn, vi mạch, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo…
Cần sự hợp tác 3 bên
Tại một hội thảo liên quan diễn ra đầu năm 2025, PGS. TS Nguyễn Quang Lịch, Trưởng khoa Kỹ thuật và công nghệ - Đại học Huế, cho rằng, TP. Huế có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển về ngành CNBD, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn trong nước và toàn cầu. Hiện, TP. Huế có đội ngũ giảng viên nghiên cứu đào tạo phát triển nhân lực ngành KHCN cao. Năm 2024 - 2025, Đại học Huế đã mở, tuyển sinh thêm 2 chuyên ngành liên quan là công nghệ bán dẫn tại Trường Đại học Khoa học và công nghệ thiết kế vi mạch tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ. Hiện Đại học Huế đã hợp tác với một số trường ĐH lớn thế giới như Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Tân, Đại học Thành Công (Đài Loan - Trung Quốc), Đại học Missouri, Đại học Arizona (Mỹ)… cùng cam kết đầu ra ở một số công ty lớn về lĩnh vực vi mạch, bán dẫn tại Việt Nam nên việc học tập, thực hành, trao đổi sinh viên, tạo việc làm bước đầu có những thuận lợi nhất định.
PGS.TS Nguyễn Quang Lịch cho rằng, để đào tạo được đội ngũ kỹ sư công nghệ bán dẫn đáp ứng yêu cầu cần phải có sự tham gia hợp tác ba bên: Nhà nước, Nhà trường và DN. Trong đó, vai trò của DN khá quan trọng, họ cũng cần tham gia xây dựng chương trình đào tạo phù hợp thực tế công việc; cử chuyên gia tham gia giảng dạy tại các trường đại học, tạo cơ hội cho sinh viên đi thực tập, thực tế và tạo việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp.
Cũng theo TS. Cung Trọng Cường, ngành CNBD là lĩnh vực đặc thù. Đào tạo nguồn nhân lực ngành CNBD cần chi phí lớn. Vì thế, ngoài chính sách hỗ trợ, thu hút DN, địa phương cần đề nghị nhà đầu tư, DN hợp tác với các trường đại học. Các DN có thể tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn cho giảng viên; trao đổi chia sẻ phần mềm phục vụ giảng dạy, nghiên cứu. DN cũng có thể đặt các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu tại các khu công nghiệp hoặc tại các cơ sở trực thuộc Đại học Huế và hỗ trợ mời các chuyên gia hàng đầu trên thế giới đến tham gia, đào tạo, nghiên cứu công nghệ bán dẫn. “Làm được như thế, TP. Huế sẽ có hệ sinh thái CNBD, phát triển bền vững hơn để hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành CNBD trong thời gian đến” - TS. Cung Trọng Cường nói.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/co-hoi-tu-nganh-cong-nghiep-ban-dan-152506.html
Bình luận (0)