Cuộc đua lên đỉnh chông gai
Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đại hội XIV của Đảng đặt ra các mục tiêu rất cao: Trong giai đoạn 2026–2030, tốc độ tăng trưởng từ 10%/năm trở lên; GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 8.500 USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,5%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 40% GDP.
Như vậy, các mốc trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, thu nhập cao vào năm 2045 là rất kiên định và nhất quán trong chặng đường phát triển tiếp theo.
Những mục tiêu phát triển cao chưa từng có trong lịch sử thể hiện quyết tâm và khát vọng của Việt Nam vươn đến thịnh vượng. Ảnh: Hoàng Hà
Trên thế giới, nhóm quốc gia thu nhập trung bình gồm 6 tỷ người đang trong cuộc chạy đua để đạt được mục tiêu phát triển. Nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đặt mục tiêu trở thành nước thu nhập cao trong vòng 2–3 thập kỷ tới.
Tuy nhiên, thực tế rất khắc nghiệt: từ thập niên 1990 đến nay chỉ 34 nền kinh tế thu nhập trung bình vươn lên thành công. Trong số đó, 1/3 quốc gia nhờ vào các yếu tố đặc thù như gia nhập Liên minh châu Âu hoặc phát hiện dầu mỏ. 108 quốc gia khác (GDP bình quân đầu người từ khoảng 1.136 đến 13.845 USD) vẫn mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình”.
Kể từ năm 1970, thu nhập bình quân đầu người của một nước thu nhập trung bình điển hình luôn dậm chân quanh mức khoảng 8.000 USD, tức chỉ bằng 1/10 thu nhập của Mỹ.
Kể từ năm 2020, việc leo lên nhóm nước giàu đã trở nên khó khăn hơn do gánh nặng nợ công gia tăng, dân số già hóa ở các nước đang phát triển, và chủ nghĩa bảo hộ đang lớn mạnh ở các nước phát triển…
Hai công thức đến thịnh vượng
Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo “Phát triển Thế giới 2024: Bẫy thu nhập trung bình” (WDR 2024), nhấn mạnh cuộc đua với thời gian của các nước thu nhập trung bình trong việc cải tổ mô hình phát triển theo hai trụ cột hành động lớn:
Thứ nhất, các nước cần thực hiện một chiến lược phát triển theo từng giai đoạn, được mệnh danh là chiến lược “3i” gồm ba giai đoạn chính sách nối tiếp nhau: đầu tư (investment), tiếp thu (infusion) và đổi mới sáng tạo (innovation).
Công thức này, diễn giải một cách đơn giản là: mỗi quốc gia cần áp dụng tuần tự các trọng tâm chính sách khác nhau:
(i) Ở giai đoạn thu nhập thấp, quốc gia nên tập trung tối đa vào chính sách thúc đẩy đầu tư (investment) để xây dựng năng lực sản xuất cơ bản.
(ii) Khi đạt đến mức thu nhập trung bình thấp, cần “chuyển số” sang chiến lược “2i” = đầu tư (investment) + tiếp thu (infusion): vẫn duy trì đầu tư cao, đồng thời tiếp nhận công nghệ mới từ nước ngoài và phổ biến rộng rãi trong nền kinh tế trong nước. Tiếp thu bao gồm du nhập các công nghệ, ý tưởng, quy trình kinh doanh hiện đại từ bên ngoài và khuếch tán chúng nội địa để nâng cao năng suất.
(iii) Đến ngưỡng thu nhập trung bình cao, quốc gia cần “sang số” lần nữa để bước vào giai đoạn “3i” = đầu tư + tiếp thu + đổi mới sáng tạo (innovation), tức là kết hợp đổi mới sáng tạo trong nước cùng với đầu tư và tiếp thu. Ở giai đoạn này, ngoài việc tiếp tục vay mượn công nghệ, quốc gia phải bắt đầu tự đổi mới, tự sáng tạo – tức là đẩy ranh giới công nghệ toàn cầu đi xa hơn thay vì chỉ chạy theo.
Việt Nam nên tập trung phát triển năng lực công nghệ trong nước. Ảnh: M.H
Thứ hai, báo cáo cho rằng các xã hội muốn bứt phá cần cân bằng ba động lực kinh tế: sự sáng tạo, sự bảo toàn và sự phá hủy. Các nước phải biết kiềm chế những lợi ích cục bộ đang cản trở cạnh tranh, tưởng thưởng xứng đáng cho tài năng và hiệu quả, đồng thời tận dụng những thời điểm khủng hoảng để thúc đẩy cải cách khó khăn.
Báo cáo lưu ý nhiều nước thu nhập trung bình thất bại do chiến lược phát triển lỗi thời hoặc triển khai sai thời điểm. Quá nhiều quốc gia dựa dẫm quá lâu vào mỗi đầu tư, không chịu chuyển đổi mô hình; hoặc ngược lại, nóng vội chuyển sang thúc đẩy đổi mới khi chưa đủ nền tảng. Hệ quả là tăng trưởng suy giảm và mắc kẹt. Do đó, cần một cách tiếp cận mới và kịp thời: Đầu tiên chú trọng đầu tư; kế đến nhấn mạnh tiếp thu công nghệ; và sau cùng là cân bằng cả đầu tư, tiếp thu và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, xã hội cần biết dung hòa “các lực lượng sáng tạo, bảo toàn và đào thải” trong nền kinh tế - tức là thúc đẩy những nhân tố tạo ra giá trị mới (sáng tạo), kiềm chế những lực lượng bảo thủ cản trở cạnh tranh, và chấp nhận đào thải những thứ lạc hậu để đổi mới.
Hàm ý cho Việt Nam
Báo cáo Phát triển Thế giới 2024 mang lại nhiều bài học quý cho Việt Nam trong chặng đường phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Thực tế, WDR 2024 đã nhắc trực tiếp đến Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 của Việt Nam, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 7% mỗi năm trong thập kỷ này và hướng tới đạt ngưỡng thu nhập cao vào năm 2045.
Để biến tầm nhìn đó thành hiện thực, Việt Nam cần áp dụng các khuyến nghị “3i” một cách nghiêm túc. Hiện tại, Việt Nam đang ở ngưỡng thu nhập trung bình thấp, do đó chiến lược phù hợp là chuyển từ mô hình chỉ dựa vào đầu tư (1i – investment) sang mô hình kết hợp thêm tiếp thu công nghệ (2i – infusion).
Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu ở một số ngành (điện tử, dệt may). Đây chính là nền tảng tốt cho giai đoạn 2i.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là làm sao để các doanh nghiệp nội địa và người lao động Việt Nam hấp thụ và lan tỏa được công nghệ từ FDI tốt hơn - tránh tình trạng “gia công giá rẻ” kéo dài. Việt Nam nên tập trung phát triển năng lực công nghệ trong nước: khuyến khích liên kết giữa FDI và doanh nghiệp nội địa, yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa tăng dần, đầu tư vào giáo dục nghề và kỹ sư để người Việt làm chủ công nghệ. Có như vậy, nền kinh tế mới tăng năng suất và leo lên các nấc giá trị cao hơn thay vì mãi ở khâu gia công, lắp ráp.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần chuẩn bị cho chuyển đổi thứ hai sang giai đoạn 3i (đổi mới sáng tạo) khi đã sẵn sàng - có thể vào những năm 2030. Điều này nghĩa là ngay từ bây giờ phải đặt nền móng cho hệ thống đổi mới: Đầu tư vào các trường đại học nghiên cứu, xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp công nghệ.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo không nên nóng vội “đốt cháy giai đoạn”. Trước mắt, Việt Nam vẫn nên ưu tiên nâng cấp công nghệ thông qua hợp tác quốc tế và học hỏi (infusion), vì dư địa tiếp thu còn rất lớn. Chỉ khi nào đã tiến sát trình độ công nghệ cao (vào nhóm thu nhập trung bình cao) mới tăng tốc đầu tư mạnh cho những lĩnh vực dẫn đầu thế giới.
Trong lộ trình này, tính kỷ luật và đúng thời điểm của chính sách rất quan trọng - như WDR 2024 viết: Việt Nam và các nước tương tự “sẽ phải trở nên kỷ luật hơn, phải canh thời điểm chuyển từ chiến lược đầu tư đơn giản sang thêm tiếp thu công nghệ, rồi mới bỏ nguồn lực lớn cho đổi mới”.
Tuy nhiên, với Việt Nam, chúng ta cần học thêm một “i” nữa là Implementation (thực hiện). Khâu tổ chức thực hiện luôn là khâu yếu kém bậc nhất. Nhìn lại quá khứ, chúng ta có rất nhiều nghị quyết hay, khát vọng lớn nhưng không thành công - ví dụ rõ nhất là mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến 2020 đã lỡ hẹn. Các mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2026–2030 là rất tham vọng, nhưng nếu không tổ chức thực hiện tốt thì sẽ rất khó thành công.
Về thể chế và môi trường kinh doanh, WDR 2024 gợi ý còn nhiều việc phải làm để tránh bẫy thu nhập trung bình do yếu tố thể chế.
Trước hết, cần tiếp tục mở rộng không gian cho cạnh tranh - nghĩa là hạn chế độc quyền và đặc quyền. Ở Việt Nam, khu vực doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp thân hữu vẫn nắm giữ nhiều nguồn lực. Báo cáo cảnh báo việc bao bọc doanh nghiệp nhà nước hoặc ưu ái doanh nghiệp “sân sau” có thể kìm hãm sáng tạo và hiệu quả chung. Việt Nam nên nghiên cứu kinh nghiệm các nước: minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa thực chất những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ, đồng thời tạo sân chơi bình đẳng cho tư nhân tiếp cận các ngành trước kia độc quyền (điện, năng lượng, viễn thông...).
Cải cách thể chế cũng bao gồm nâng cao hiệu quả hệ thống pháp luật và tư pháp để bảo vệ quyền tài sản, thực thi hợp đồng - những yếu tố then chốt để doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn và đổi mới.
Một điểm báo cáo nêu ra mà Việt Nam nên lưu ý là tránh tư duy chính sách cực đoan về quy mô doanh nghiệp. Việt Nam lâu nay có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Tuy rất cần thiết để hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng việc hỗ trợ tràn lan cho doanh nghiệp nhỏ (thay vì hỗ trợ doanh nghiệp mới, sáng tạo) có thể làm giảm năng suất và méo mó phân bổ nguồn lực. Việt Nam cần phân biệt “nhỏ” và “mới”: nên khuyến khích doanh nghiệp mới thành lập, có ý tưởng mới, chứ không nên duy trì mãi các doanh nghiệp nhỏ nhưng kém hiệu quả chỉ vì mục tiêu số lượng.
Đồng thời, cần nhìn nhận vai trò tích cực của doanh nghiệp lớn: thay vì kỳ thị tập đoàn tư nhân lớn, hãy tạo điều kiện cho họ cạnh tranh lành mạnh và vươn ra quốc tế - miễn là họ tuân thủ luật chơi. Thưởng cho thành công, xử lý thất bại: doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, đóng góp nhiều thì được tôn vinh; doanh nghiệp thua lỗ kéo dài thì nên để phá sản để tài nguyên chảy sang nơi khác.
Về phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam được đánh giá cao về giáo dục phổ thông, nhưng giáo dục đại học và dạy nghề vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Việt Nam nên cải cách giáo dục bậc cao theo hướng gắn với thực tiễn, khuyến khích sáng tạo thay vì học vẹt, và thu hút nhân tài nước ngoài.
Đặc biệt, Việt Nam nên tận dụng tốt lực lượng nữ giới - vốn chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động. Mặc dù Việt Nam có thành tích khá về bình đẳng giới trong giáo dục và lao động, phụ nữ vẫn ít giữ vị trí lãnh đạo và còn chịu một số định kiến nghề nghiệp. Việc tạo điều kiện cho phụ nữ thăng tiến, khởi nghiệp, tham gia các lĩnh vực STEM sẽ giúp Việt Nam gia tăng năng suất và đổi mới.
Cuối cùng, về môi trường và chống biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam đang tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu về năng lượng tái tạo (như sản xuất pin mặt trời, pin lưu trữ) để vừa phát triển kinh tế, vừa có công nghệ sạch trong nước. Đồng thời, cần cải tổ ngành điện theo hướng thị trường cạnh tranh và trọng dụng năng lượng sạch.
Quyết định gần đây về dừng phát triển điện than mới, chuyển sang điện gió, điện mặt trời là bước đi đúng. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo, Việt Nam cần ổn định chính sách, minh bạch giá mua điện. Việc loại bỏ dần trợ giá nhiên liệu hóa thạch cũng nên có lộ trình, đi kèm hỗ trợ người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau khi giá năng lượng tăng.
Tóm lại, Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều từ báo cáo WDR 2024 - từ việc chuyển đổi chiến lược phát triển đúng lúc (từ 1i sang 2i, hướng tới 3i), đến cải cách thể chế tạo sân chơi bình đẳng, nâng cao năng suất nhờ tiếp thu công nghệ và cạnh tranh, đảm bảo công bằng cơ hội cho mọi người. Để tránh bẫy thu nhập trung bình và đạt mục tiêu năm 2045, Việt Nam cần tăng tốc và thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt hơn.
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/cong-thuc-3i-va-khat-vong-viet-nam-thinh-vuong-2392829.html
Bình luận (0)