Hội nghị toàn quốc xin ý kiến hồ sơ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2025 - Ảnh:VGP/HT
Tăng tính khả thi, phù hợp thực tiễn và thúc đẩy phát triển
Ngày 7/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị toàn quốc xin ý kiến hồ sơ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2025. Dự thảo lần này nhằm thay thế Nghị định số 163/2016/NĐ-CP, với nhiều điểm sửa đổi lớn để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là trong bối cảnh mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đang được triển khai rộng rãi.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, Luật Ngân sách Nhà nước số 89/2025/QH15 là một đạo luật quan trọng với phạm vi điều chỉnh rộng, có tác động đến mọi ngành, mọi cấp và các địa phương trên cả nước. Luật đã được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2025 với tỷ lệ đồng thuận cao, thể hiện sự đồng thuận trong việc cải cách và nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách.
Ngay từ khi Luật đang được Quốc hội xem xét, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng hồ sơ dự thảo nghị định hướng dẫn và gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Bộ cũng đăng tải dự thảo trên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi. Sau khi Luật được thông qua, các góp ý đã được Bộ khẩn trương tiếp thu, chỉnh sửa, tiếp tục hoàn thiện dự thảo để xin ý kiến tại hội nghị lần này.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, dự thảo được xây dựng trên cơ sở 5 nguyên tắc chỉ đạo lớn. Đó là, bảo đảm thống nhất với các nguyên tắc sửa đổi Luật; chỉ quy định chi tiết những gì Luật đã giao; giữ vững sự ổn định và đồng bộ của hệ thống pháp luật; kế thừa các quy định hiện hành phát huy hiệu quả; và cuối cùng là đơn giản hóa thủ tục, tăng tính khả thi, phân cấp mạnh và đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Các đại biểu tại hội nghị đánh giá, dự thảo đã sửa đổi triệt để những bất cập cũ, đặc biệt trong phân cấp và hỗ trợ ngân sách. Quy định mới cho phép sử dụng quỹ tạm ứng và xác định thời gian hoàn ứng rõ ràng hơn, góp phần tạo điều kiện linh hoạt cho địa phương điều hành ngân sách, nhất là khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, vốn đòi hỏi sự thích nghi cao trong tổ chức bộ máy và ngân sách.
"Việc ban hành Nghị định hướng dẫn là bước đi cần thiết để cụ thể hóa chủ trương phân cấp, tạo động lực cho các cấp, các ngành và địa phương chủ động hơn trong quản lý ngân sách - một trong những công cụ trọng yếu để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HT
Đẩy mạnh phân cấp, giảm thủ tục, tăng tính chủ động
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính), dự thảo nghị định tập trung giải quyết 3 nhóm vấn đề trọng tâm, được xem là 3 trụ cột của cơ chế quản lý ngân sách mới.
Một là, hoàn thiện chu trình ngân sách, khắc phục các bất cập tồn tại. Đây là nội dung bao trùm, liên quan toàn bộ vòng đời của ngân sách, từ khâu xây dựng dự toán, chấp hành, quyết toán cho đến công khai.
Hai là, cởi trói cho đầu tư phát triển và tăng cường liên kết vùng. Nghị định sẽ làm rõ cơ chế để các địa phương sử dụng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm.
Ba là, chuẩn hóa việc lập kế hoạch tài chính 5 năm. Cụ thể, nhằm nâng cao tầm nhìn và tính chiến lược trong quản lý tài chính, dự thảo nghị định sẽ tổng hợp và hướng dẫn chi tiết về việc xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm.
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) phát biểu tại Hội nghị- Ảnh: VGP/HT
Bên cạnh đó, một số điểm đáng chú ý trong dự thảo bao gồm: Bổ sung thẩm quyền cho Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách địa phương; trao quyền cho Thủ tướng trong việc giao dự toán thu - chi cho các bộ, ngành, địa phương; quy định xử lý kết dư ngân sách; cũng như trình tự hỗ trợ ngân sách cấp dưới khi hụt thu do yếu tố khách quan.
Dự thảo nghị định năm nay thể hiện rõ tinh thần phân cấp mạnh mẽ và giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà. Đặc biệt, dự thảo đã bãi bỏ một số quy định cũ như: Số kiểm tra trong kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm; cơ chế khấu trừ khoản chi phí khi thu nộp phí vào ngân sách; nguyên tắc phân cấp nguồn thu - nhiệm vụ chi trong thời kỳ ổn định ngân sách.
Đối với công tác lập dự toán, dự thảo yêu cầu rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan, mốc thời gian lập, tổng hợp, quyết định và giao dự toán. Về điều hành ngân sách, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ phương án điều chỉnh trong trường hợp điều chỉnh dự toán của các bộ, ngành trung ương mà không làm tăng bội chi. Trong khi đó, đối với ngân sách địa phương, cơ quan tài chính địa phương sẽ xây dựng phương án điều chỉnh, trình UBND và báo cáo Hội đồng Nhân dân cùng cấp.
Ngoài ra, các quy định về khóa sổ, chuyển nguồn, quyết toán, cũng như trách nhiệm và thời điểm công khai ngân sách, giám sát cộng đồng đều được cụ thể hóa trong dự thảo, nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước 2025 là một trong 6 Nghị định mà Bộ Tài chính chủ trì xây dựng để thực hiện luật. Dự thảo lần này, không chỉ giúp làm rõ trách nhiệm giữa các cấp ngân sách, mà còn giúp định hướng cho việc lập kế hoạch tài chính trung hạn, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương điều hành ngân sách chủ động và hiệu quả hơn.
Đồng thời, quy định mới cũng sẽ giúp tăng khả năng ứng phó kịp thời với các vấn đề phát sinh trong bối cảnh kinh tế - xã hội nhiều biến động, cũng như yêu cầu hiện đại hóa quản lý tài chính công trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, từ nay đến khi trình Chính phủ ban hành chính thức, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến góp ý từ các bộ, ngành và địa phương. Các ý kiến sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý ngân sách - một trụ cột then chốt để đảm bảo quản trị quốc gia hiệu quả và phát triển bền vững.
Anh Minh
Nguồn: https://baochinhphu.vn/cu-the-hoa-luat-ngan-sach-nha-nuoc-theo-huong-tang-phan-cap-phan-quyen-10225070714272927.htm
Bình luận (0)