Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cục Thông tin, Thống kê cần trở thành trung tâm dữ liệu chiến lược quốc gia

Phát biểu tại buổi làm việc với Cục Thông tin, Thống kê ngày 23/7/2025, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Trong thời đại dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, dữ liệu là nền tảng cho mọi quyết sách, Cục Thông tin, Thống kê cần chuyển mình mạnh mẽ, trở thành trung tâm dữ liệu chiến lược và phân tích chính sách, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN,ĐMST&CĐS). Đây không chỉ là một bước nâng cấp về chức năng, mà là cuộc đổi mới toàn diện để dữ liệu trở thành tài sản sống, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành, nghiên cứu và phát triển đất nước.

Bộ Khoa học và Công nghệBộ Khoa học và Công nghệ24/07/2025

Cục Thông tin, Thống kê cần trở thành trung tâm dữ liệu chiến lược quốc gia - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác Bộ KH&CN làm việc với Cục Thông tin, Thống kê.

Dữ liệu phục vụ phát triển quốc gia

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Thông tin, Thống kê Trần Đắc Hiến đã báo cáo tổng quan về hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng số và các nền tảng cung cấp thông tin của ngành KH&CN. Hệ thống này không chỉ phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của Bộ mà còn hỗ trợ thiết thực cho các địa phương, doanh nghiệp và viện trường trong việc tiếp cận, sử dụng thông tin khoa học.

Cục Thông tin, Thống kê cần trở thành trung tâm dữ liệu chiến lược quốc gia - Ảnh 2.

Cục trưởng Trần Đắc Hiến thông tin một số kết quả hoạt động nổi bật của đơn vị.

Cục Thông tin, Thống kê đang phục vụ bạn đọc trên cả nước tiếp cận và khai thác nguồn tài liệu lớn nhất cả nước về KH&CN, bao gồm 672.000 tài liệu in (sách, tạp chí, báo cáo kết quả nhiệm vụ KH&CN); quyền truy cập tới 40 triệu tài liệu số, 20.080 sách điện tử, tạp chí điện tử có hệ số ảnh hưởng cao từ các các cơ sở dữ liệu (CSDL) học thuật hàng đầu thế giới như: ScienceDirect, Springer Nature, IEEE, ACS, Sage, ProQuest Central, InCites, Scopus...

Cục hiện đã xây dựng cơ sở dữ liệu của hơn 10.000 nhà khoa học, đồng thời cấp quyền truy cập và khai thác ScienceDirect và Scopus - hai nguồn dữ liệu khoa học hàng đầu thế giới - cho 7 đơn vị nghiên cứu và đào tạo, góp phần nâng cao năng lực tiếp cận tri thức và chất lượng nghiên cứu.

Cục cũng thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN ở ba cấp: Quốc gia, cấp bộ, cấp cơ sở; Cấp mã số ISSN, với trung bình hằng năm từ hơn 50 đến hơn 80 mã số.

Cục là thành viên các tổ chức quốc tế như ISSN (Mạng lưới số Xuất bản phẩm định kỳ Quốc tế ISSN Quốc tế), APAN (Mạng Tiên tiến châu Á - Thái Bình Dương), IFLA (Liên hiệp các Tổ chức Thư viện quốc tế), ICSTI (Trung tâm Thông tin KHKT Quốc tế) và là quan sát viên của OECD.

Cục biên soạn và xuất bản 682 số ấn phẩm thông tin KH,CN&ĐMST; 7.400 tin KH&CN phục vụ lãnh đạo, quản lý, hoạch định chính sách, nghiên cứu và đào tạo.

Cục Thông tin, Thống kê cần trở thành trung tâm dữ liệu chiến lược quốc gia - Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Minh cho rằng: Hệ thống KHCN,ĐMST&CĐS hiện vẫn chưa có cơ sở dữ liệu phản ánh đúng thực chất tiềm lực của ngành - đặc biệt về nhân lực, thiết bị, hạ tầng và hoạt động R&D. Điều này khiến việc điều hành, phân tích và dự báo gặp nhiều khó khăn.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thống kê trong lĩnh vực KHCN,ĐMST&CĐS, Thứ trưởng Hoàng Minh đã đưa ra năm yêu cầu lớn:

Trước hết, Thứ trưởng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một hệ thống dữ liệu nền tảng, thống nhất, có khả năng phục vụ công tác điều hành vĩ mô, đánh giá đúng tiềm lực thực chất của ngành. Hệ thống này sẽ là căn cứ quan trọng để hoạch định chính sách phát triển toàn diện, định hướng ưu tiên đầu tư và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.

Thứ hai, công tác thống kê không chỉ dừng lại ở việc thu thập số liệu mà cần gắn chặt với đánh giá tác động và lượng hóa cụ thể đóng góp của KHCN,ĐMST&CĐS vào tăng trưởng kinh tế - xã hội. Những con số có sức thuyết phục sẽ hỗ trợ quá trình truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận xã hội và là nền tảng để các nhà quản lý ban hành quyết sách dựa trên bằng chứng.

Thứ ba là, cần đổi mới toàn diện phương pháp thống kê. Việc mở rộng phạm vi thống kê, tăng cường phối hợp với Tổng cục Thống kê, cơ quan hải quan, cơ quan thuế và các bộ, ngành liên quan sẽ giúp phác họa đầy đủ hơn bức tranh năng lực quốc gia trong các lĩnh vực KH,CN&ĐMST. Thứ trưởng lưu ý, chỉ khi có dữ liệu đầy đủ và chính xác thì các hoạt động quản lý, đầu tư và giám sát mới thực sự hiệu quả.

Thứ tư, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế để đưa dữ liệu Việt Nam vào hệ thống thống kê toàn cầu. Đồng thời, cần kiểm chứng và phản biện các số liệu quốc tế khi cần thiết để bảo vệ tiếng nói chính thống của Việt Nam trên trường quốc tế, tránh tình trạng bị dẫn dắt hoặc hiểu sai về năng lực KH&CN trong nước.

Cuối cùng, Thứ trưởng yêu cầu rà soát và điều chỉnh lại hệ thống đơn vị thống kê trong toàn ngành, cập nhật phù hợp với mô hình tổ chức mới của Bộ. Việc này nhằm bảo đảm không để xảy ra tình trạng thông tin bị trùng lặp, sai lệch hoặc thiếu nhất quán, đồng thời tạo điều kiện để hệ thống dữ liệu được vận hành linh hoạt, hiệu quả và minh bạch hơn.

Cục Thông tin, Thống kê cần trở thành trung tâm dữ liệu chiến lược quốc gia - Ảnh 4.

Thứ trưởng Hoàng Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Từ tổng hợp thông tin dữ liệu tới tư vấn chính sách, dự báo tương lai

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong thời đại dữ liệu lớn và AI, dữ liệu không chỉ là công cụ mà là nền tảng ra quyết định. Không có dữ liệu thì không thể quản lý, không có thông tin thì không thể đổi mới.

Hệ thống tích hợp cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ KH&CN cần được phát triển thành một cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất - một "database" sống, đảm bảo đúng, đủ, sạch và sống. Ở đây, "dữ liệu sống" không chỉ là dữ liệu cập nhật thường xuyên, mà quan trọng hơn, là dữ liệu có người sử dụng, dễ dàng truy cập và có thể sử dụng lại được - phục vụ trực tiếp cho hoạt động điều hành, nghiên cứu, đổi mới và phát triển.

Để hiện thực hóa điều này, Bộ trưởng yêu cầu Cục Thông tin, Thống kê tổ chức lại dữ liệu theo hướng mở, hướng tới trở thành nền tảng chia sẻ thông tin quốc gia trong lĩnh vực KHCN,ĐMST&CĐS. Tư duy làm việc cũng cần chuyển đổi căn bản - thay vì giữ chặt thông tin, Cục phải chủ động kích hoạt thông tin, biến dữ liệu thành tài sản sống, góp phần tạo ra giá trị thực tiễn cho quản lý, nghiên cứu và phát triển.

Cục Thông tin, Thống kê cần trở thành trung tâm dữ liệu chiến lược quốc gia - Ảnh 5.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ năm xu thế chiến lược của lĩnh vực thông tin, thống kê.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã định hình rõ năm xu thế chiến lược - những định hướng lớn nhằm tái định vị vai trò và nâng tầm Cục trong hệ sinh thái KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia.

Trước hết, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi từ thu thập thông tin đơn thuần, thống kê truyền thống chuyển sang phân tích dữ liệu chiến lược và thời gian thực về KHCN,ĐMST&CĐS - trở thành nơi tích hợp, điều phối và cung cấp thông tin chiến lược phục vụ toàn hệ thống.

Thứ 2, dữ liệu chuyển từ thu thập và thống kê rời rạc sang dữ liệu mở, liên thông và tích hợp. Mục tiêu là để doanh nghiệp, startup có thể khai thác, phân tích, tạo ra giá trị mới. Dữ liệu chỉ có ý nghĩa khi được kết nối đa nguồn - giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ KH&CN, với các viện, trường, doanh nghiệp và bộ ngành khác - thông qua nền tảng mở, API liên thông (cho phép các hệ thống dữ liệu khác nhau giữa bộ ngành, viện, trường, doanh nghiệp… trao đổi dữ liệu tự động, an toàn, theo thời gian thực). Điều này đòi hỏi cả chuyển đổi công nghệ lẫn chủ động đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Thứ ba, Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục mở rộng vai trò từ "quản lý thông tin" truyền thống sang cung cấp dịch vụ thông tin đa đối tượng - phục vụ kịp thời cho nhu cầu của Bộ, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, giúp dữ liệu thực sự trở thành tài sản quốc gia có giá trị sử dụng thực tế.

Thứ tư, Cục Thông tin, Thống kê cần nâng tầm trở thành trung tâm tư vấn chính sách và điều phối dữ liệu KH&CN cấp quốc gia. Cục phải là đầu mối cung cấp dữ liệu cho các văn kiện chiến lược như Đại hội Đảng, kế hoạch phát triển 5-10 năm và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về GGI.

Cuối cùng, để thích ứng với yêu cầu mới, Cục cần đầu tư phát triển năng lực công nghệ cao trong xử lý dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), và trực quan hóa thông tin, nhằm chuyển đổi dữ liệu khô cứng thành tri thức sống, phục vụ hiệu quả cho quản lý, dự báo và truyền thông.

Năm chuyển đổi chiến lược này không chỉ thể hiện tầm nhìn dài hạn, mà còn mở ra con đường hành động cụ thể để Cục Thông tin, Thống kê từng bước trở thành hạ tầng thông tin cốt lõi của hệ thống KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia.

Cục Thông tin, Thống kê cần trở thành trung tâm dữ liệu chiến lược quốc gia - Ảnh 6.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể cán bộ Cục Thông tin, Thống kê.

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao cho Cục Thông tin, Thống kê một loạt nhiệm vụ mang tính chiến lược nhằm kiến tạo bước chuyển mình toàn diện, hướng tới trở thành hình mẫu về chuyển đổi số trong toàn ngành.

Bộ trưởng giao Cục xây dựng chiến lược cho đơn vị, nhất là cho giai đoạn từ nay đến 2028. Đây sẽ là kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động của Cục trong bối cảnh mới.

Trong chiến lược đó, Cục cần xác định rõ các trụ cột ưu tiên, gồm: Dữ liệu lớn, công nghệ số, phân tích chiến lược và cung cấp thông tin phục vụ đa đối tượng - từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và người dân.

Đồng thời, Cục phải tái tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên sâu, đủ năng lực trở thành một trung tâm phân tích và tư vấn chiến lược cấp quốc gia về KHCN,ĐMST&CĐS.

Trên hết, Bộ trưởng đặt kỳ vọng, Cục sẽ là hình mẫu về chuyển đổi số của toàn Bộ, không chỉ trong xây dựng quy trình nghiệp vụ, mà còn trong phát triển hệ thống dịch vụ số - nơi dữ liệu trở thành tài sản sống, được vận hành thông minh, hiệu quả.

Khẳng định vai trò then chốt của dữ liệu trong thời đại mới, Bộ trưởng nhấn mạnh: KHCN,ĐMST&CĐS là trụ cột cho sự phát triển đất nước, nhưng để trụ cột này phát huy được sức mạnh, cần có một nền tảng dữ liệu vững chắc, thông tin sống động và một trung tâm đủ năng lực để định hướng chiến lược dựa trên dữ liệu.

Tất cả việc này, theo Bộ trưởng, là để chuyển hướng Cục từ làm thông tin dữ liệu sang phân tích, đánh giá tạo ra những tư vấn có giá trị chiến lược ở tầm quốc gia. "Đây là đổi mới quan trọng nhất".

Thay mặt Cục Thông tin, Thống kê, Cục trưởng Trần Đắc Hiến bày tỏ cảm ơn tới Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Hoàng Minh cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ đã quan tâm, chỉ đạo và định hướng phát triển cho Cục trong thời gian tới. Tiếp thu đầy đủ các nhiệm vụ được Bộ trưởng giao, Cục cam kết sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động và nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, Cục sẽ tập trung triển khai các hoạt động mới, thiết thực nhằm đóng góp hiệu quả hơn cho phát triển ngành cũng như phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trung tâm Truyền thông KH&CN

Nguồn: https://mst.gov.vn/cuc-thong-tin-thong-ke-can-tro-thanh-trung-tam-du-lieu-chien-luoc-quoc-gia-197250724095052286.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm