Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đá ngòi

Tháng Sáu, mưa sầm sập, mưa trắng trời, những tia chớp sáng lóe xé rách màn mây đen sẫm, sấm ì ùng không ngớt. Xế chiều, mưa tạnh, mây tan, bạn cũ đăng chiếc video lên Facebook. Lụt to, nước từ suối chảy tràn ra cánh đồng, ngược với thường lệ. Ký ức tuổi thơ lại ùa về. Đây khúc Cây Si, kia đoạn Gốc Nhội, này vực Xồ Xồ, đó chỗ Bến Tắm,…

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên24/07/2025

Ngày ấy, mỗi khi thả mình trôi trên con suối nhỏ mùa nước dâng cao, tôi hay mơ về những dòng sông, rộng, dài, mà có lần tôi nhìn thấy trên màn hình vô tuyến đen trắng chạy bằng ắc-quy, hoặc đọc đâu đó từ những cuốn sách, quyển báo sờn gáy và rách nát.

Chín tuổi, nghỉ hè, tôi đến ở nhà bá, trông con đỡ anh trai, chị dâu, theo lời nhờ của anh. Anh chị còn vất vả, phải vật lộn với cuộc mưu sinh. Từ ấy, câu chuyện dòng đời của bá, dài hơn cả một dòng sông, chảy tràn trong tôi. Từ ấy, ngoài mẹ ra, người phụ nữ thứ hai trong cuộc đời tôi, là bá, luôn luôn dạy tôi những điều hay, lẽ phải, ảnh hưởng tới tư duy và lối nghĩ của tôi sau này.

Nguồn: Internet
Nguồn: Internet

Bữa ăn đầu tiên, tôi được bá đãi món ốc xào. Nom con ốc dài đến lạ, thịt ốc giòn, ngon, thơm. Tôi hỏi bá ốc gì. Bá bảo ốc ngòi. Lạ hoắc. Lần đầu tiên tôi nghe. Bá đưa tôi vào khu Bến Tắm. Ra thế, bá gọi suối là ngòi. Buột miệng tôi hỏi bá sao không phải là suối. Bá trầm ngâm bảo bá quen gọi thế rồi, như trước kia bá vẫn từng gọi. Từ ấy, trong tôi chỉ nhớ ngòi. Với bá, ngòi quan trọng lắm.

Ngòi cho bá dòng nước luân chuyển liên tục, trong vắt, để giặt hàng chậu quần áo mỗi trưa, để gánh nước tưới cây mỗi kỳ nắng hạn. Ngòi có nhiều phiến đá, để bá ngồi, giặt giũ xong thì ngơi nghỉ. Ngòi cho bá những con ốc ngon, ốc bám đá, ăn màu bám ở đá mà lớn lên. Ngòi cho bá cá tôm.

Ngoài trông cháu, tôi không ngại việc vặt trong nhà. Ngồi nhặt đỗ đen cùng bá, hạt lép, hạt xấu, ngồi nhặt lạc cùng bá, hạt héo, hạt nhăn, bá cứ thủ thỉ bao câu chuyện cuộc đời. Bác mất sớm, khi chị cả vừa lấy chồng, anh út mới mười một tuổi. Mình bá chèo chống gia đình, dựng vợ, gả chồng, lo cho đủ tám người con yên bề gia thất. Bố vẫn thường nói bố thương chị dâu của bố nhiều.

Tôi ở nhà bá được gần một tháng thì bố sang đón. Bố bảo bố nhớ con lắm, về nhà với bố mẹ thôi. Nhà mình dù có nghèo mấy cũng không cho con “đi ở”. Tôi về. Non tháng ở với bá, tôi thấy mình giống như người nhà, sự kết nối thân thiết và thường xuyên hơn vào khoảng thời gian sau này nữa. Có khi, so với các cháu nội, ngoại của bá, tôi gần bá hơn tất cả, nói chuyện với bá nhiều nhất.

Bá bảo, bá thương chị cả, chồng làm Nhà nước, chị thì ở nhà làm ruộng, khác nhau suy nghĩ, sống khó lắm. Bá thương anh hai, ở lại thành phố, xa mẹ, xa các em, thân cô thế cô lập nghiệp. Bá thương anh ba, công việc chưa đâu vào đâu. Bá thương chị tư, vợ chồng mỗi người mỗi tính, như mặt trăng với mặt trời. Bá thương anh năm, ốm đau, bệnh tật. Bá thương … Thương biết mấy cho vừa. Tình yêu có khi nào đong đếm được?

Năm tháng dần qua. Anh năm mất đầu tiên, vì bệnh nặng, bá thương người đã khuất một thì thương con dâu mười, giống bá. Thấy chị dâu út gọi chồng bơm hộ chiếc xe đạp, bá cũng chảy nước mắt. Chị có chồng mà sẻ chia, từ những việc nhỏ nhất, còn con dâu năm của bá, một mình vò võ nuôi hai con nhỏ, tự lập hết.

Tôi đi học, đi làm, lấy chồng, sinh con, bản thân cứ mải mê theo dòng chảy nhân sinh. Năm nào cũng cố gắng về chơi với bá ít nhất hai lần. Một lần vào dịp Tết, lần còn lại thường vào sau ngày giỗ bố, đúng giữa hè. Mới đến, khi nào bá cũng hỏi, cháu về lâu chưa, bố mẹ chồng cháu thế nào, có khỏe không. Rồi câu chuyện cứ nối dài, như con ngòi uốn lượn, xuôi dòng, khó lòng lắm mới dứt ra được.

Cả bá, cả tôi đều không muốn dừng câu chuyện dở dang. Trước lúc về, bao giờ bá cũng nắm chặt tay tôi dặn dò rất kỹ. Nhớ nhé, khi nào về bên nội, cho bá gửi lời hỏi thăm bố mẹ chồng cháu.

Rồi anh bảy mất vì ung thư, khi còn rất trẻ. Tình yêu của bá, đúng nghĩa “chia năm, xẻ bảy”, cho chị dâu năm cùng chị dâu bảy. Anh út cũng mất đột ngột sau đó không lâu, vì cảm. Bá không khóc. Bá bảo, lá vàng, ngồi nhìn đến mấy chiếc lá xanh lìa cành trước, nỗi đau này, không biết diễn tả thế nào cho phải, cho đúng cháu ơi. Bá tự tay đấm nhẹ vào ngực mình. Rồi bá hướng mắt nhìn xa xăm ra khoảng trời mênh mông trước cửa. Sự xót xa chưa kịp nguôi ngoai thì anh hai lại ra đi, đột ngột không kém gì anh út. Nước mắt bá lặn vào trong.

Cuộc sống đổi thay, ngòi cũng khác xưa phần nào đó. Cây Si đã bị đốn hạ tự bao giờ. Chỗ Bến Tắm và Gốc Nhội, xưa kia là cây cầu gỗ có một thân duy nhất, to khoảng chiếc thùng gánh nước, nối đôi bờ ngòi nhỏ. Giờ đây, cầu gỗ được thay bằng hai chiếc cầu bê tông chắc chắn, có lan can, Nhà nước đầu tư xây dựng.

Ngòi vẫn dòng chảy uốn lượn, chia đôi cánh Đồng Mạ với cánh đồng Lân Chiêu, gần dãy núi đá vôi. Đá ngòi vẫn xám bạc, rêu phong. Người đến. Người ở. Người đi. Còn lại bá với ngôi nhà nhỏ trên đồi cùng chị dâu út. Việc nhà, việc vườn bãi, bá cố lần sờ, để không ngơi tay, mà mỗi ngày vẫn dư hàng giờ, nhiều giờ, bá ngồi vô định. Bá vẫn nắm chặt tay tôi mỗi bận tôi về, vẫn thủ thỉ bao câu chuyện cuộc đời.

Tôi đã thỏa mơ ước thuở thiếu thời, đến với bao con sông lớn, nhỏ. Sông Hồng, sông Thái Bình đỏ nặng phù sa. Sông Đuống “một dòng lấp lánh”. Sông Bạch Đằng ghi dấu chiến công xưa. Sông Kỳ Cùng chảy ngược. Sông Bằng Giang hiền hòa. Sông Nho Quế bình lặng. Sông Lô – một dòng huyền thoại. Sông Đà nước trong xanh biếc. Sông Mã hùng vĩ. Sông Hương thơ mộng. Sông Thạch Hãn mang hồn dân tộc. Sông Son dịu dàng. Sông Sêrêpôk ầm ào, … Nhưng cứ chỉ đăm đắm nhớ về ngòi và bá của tôi.

Cuối Thu, tôi về thăm bá, trở lại con ngòi cũ, nước đã rút, nước hiền hòa chảy trôi, trồi lên đá là đá, sừng sững cùng tháng năm, như tuổi chín mươi nhăm của bá. Bá vẫn minh mẫn một cách đáng ngạc nhiên, không quên mỗi người già, nhắc nhớ từng người trẻ, tám người con đẻ, dù một nửa trong số đó đã bỏ bá đi về cõi hư vô, bằng số ấy con rể, con dâu, mười tám đứa cháu nội, ngoại, chưa kể cháu rể, cháu dâu, hăm sáu đứa chắt, một trí nhớ siêu phàm.

Với tôi, bá giống như đá, bá là đá, đá ngòi. Đá trải bao mùa lũ, vẫn vững chãi, kiên gan. Bá trải bao mùa cay đắng, vẫn bình lặng, trước dông bão cuộc đời.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-nghe-thai-nguyen/sang-tac-van-hoc/202507/da-ngoi-45e0e23/


Chủ đề: tản văn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm