Chấp nhận đầu tư dù có thể không được tuyển thẳng
"Cả lớp con tôi gần 50 cháu đều rủ nhau đi thi IELTS từ năm lớp 11. Dù biết có rủi ro nếu các trường đại học thay đổi chính sách, gia đình vẫn chấp nhận đầu tư lớn", chị Hằng (42 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ đầy lo lắng.
Tuần rồi, thông tin nhiều trường đại học không còn tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS khiến chị không khỏi bất an cho tương lai của con. Chị nói, năm tới, con chị sẽ bước vào đại học, song, với quy chế tuyển sinh liên tục thay đổi đôi khi không kịp chuẩn bị.
Theo chị Hằng, tâm lý có IELTS điểm cao là chắc suất vào đại học đã ăn sâu vào nhiều học sinh từ vài năm nay. Khi đạt được điểm số mong muốn, các em thường xao nhãng việc học các môn khác.
Việc các trường chuyển hướng, chỉ dùng IELTS để cộng điểm, khiến không ít học sinh lớp 12 "tá hỏa" quay lại học "chạy đua" với các môn thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều gia đình đầu tư lớn cho con luyện thi IELTS từ sớm để tăng cơ hội trúng tuyển đại học (Ảnh: AI).
"Từ đầu năm học lớp 11, các phụ huynh lớp con tôi đã "hò nhau" cho con đi ôn và thi chứng chỉ tiếng Anh IELTS. Quy chế thi tốt nghiệp THPT mới chỉ thi 4 môn nên những thí sinh nào có chứng chỉ tiếng Anh coi như được thêm 1 môn, nhân lên nhiều tổ hợp xét tuyển sẽ tăng cơ hội trúng tuyển đại học cao hơn", chị Hằng chia sẻ.
Người mẹ thừa nhận, áp lực để con được vào trường đại học ưng ý khiến phụ huynh tìm mọi cách dù chấp nhận đầu tư thời gian và khoản tiền lớn cho con đi học và thi chứng chỉ IELTS dù có thể rủi ro nếu các trường đại học thay đổi chính sách tuyển sinh.
Cùng chung nỗi lo, chị Anh Đào, có con học lớp 12 tại huyện Đông Anh, Hà Nội cho hay con chị mấy tháng nay phải học thêm cật lực các môn để thi tốt nghiệp vì trước đó chủ quan, nghĩ rằng có chứng chỉ IELTS là sẽ được tuyển thẳng.
"Con tôi muốn vào trường công an, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ. Nay 2/3 trường không dành nhiều ưu tiên cho chứng chỉ tiếng Anh nữa, nên phải vừa kết hợp IELTS lẫn điểm thi cũng phải thật tốt mới đạt. Đứa sau, tôi phải cân bằng việc học tập trên lớp và học tiếng Anh chứ không nghiêng về một phía được", chị Đào nói.
IELTS dần "về đúng vị trí", học sinh nên chuyển hướng
Ông Nguyễn Anh Đức, tốt nghiệp Đại học Harvard, chuyên gia tiếng Anh và luyện thi IELTS, nhận định rằng việc trường đại học có xu hướng chuyển từ tuyển thẳng sang cộng điểm đã đưa IELTS "về đúng vị trí" là một bằng chứng cho trình độ tiếng Anh thực chất của thí sinh.
Tuy nhiên, nghịch lý là dù chính sách thay đổi, số lượng học sinh luyện thi IELTS vẫn có xu hướng tăng. Thống kê từ hệ thống trung tâm của ông Đức cho thấy sự tăng trưởng đáng kể cả ở số lượng luyện thi lẫn đăng ký thi tại các tổ chức như Hội đồng Anh và IDP.
"Số lượng học sinh luyện thi IELTS tại chuỗi các trung tâm và trong các trường THPT liên kết với riêng hệ thống của chúng tôi đã tăng khoảng 20% so với năm học trước. Số lượng học sinh đăng ký thi IELTS tại Hội đồng Anh và IDP thông qua đơn vị của chúng tôi thậm chí còn tăng trưởng trên 30% so với năm 2024", ông Anh Đức cho hay.

Ông Nguyễn Anh Đức, chuyên gia tiếng Anh và luyện thi IELTS (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Lý giải điều này, ông Đức cho biết nhiều trường đại học vẫn sử dụng điểm IELTS để xét tuyển hoặc cộng điểm, thậm chí chỉ tiêu cho các phương án xét tuyển có IELTS còn tăng lên.
Những trường đại học thay đổi sang việc chỉ cộng điểm khi có chứng chỉ IELTS thường là những trường top cao, có mức độ cạnh tranh rất gay gắt, nên thí sinh vẫn phải thi IELTS để tạo lợi thế cạnh tranh cho bản thân.
Bên cạnh đó, những năm gần đây nhiều trường đại học quốc tế ở Úc, New Zealand… đã chấp nhận điểm tốt nghiệp THPT của Việt Nam, nên chỉ cần có điểm IELTS là học sinh có thể trúng tuyển các trường đại học quốc tế dễ dàng hơn trước.
Ông Đức dự báo xu hướng học IELTS sẽ chuyển sang giai đoạn sớm hơn, khi học sinh lớp 10 có xu hướng hoàn thành việc thi chứng chỉ trong năm lớp 11 để tập trung cho các môn học khác. Chuyên gia này cũng nhắn nhủ học sinh nên học IELTS để nâng cao năng lực tiếng Anh thực sự, thay vì chỉ tập trung vào "mẹo" để đạt điểm cao.
"Đây là sự điều chỉnh tích cực vì IELTS chỉ có ý nghĩa về mặt ngoại ngữ. Học sinh cần nhanh chóng hoàn thiện nó sớm để dành thời gian cho các môn học quan trọng khác", ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ.
Đứng dưới góc độ trường đại học, ThS Trịnh Hữu Chung, chuyên gia tư vấn tuyển sinh, cho biết với sự thay đổi trong chính sách tuyển sinh của không ít trường đại học cho thấy rõ xu hướng dịch chuyển để dần đưa chứng chỉ IELTS và các môn học khác trong trường phổ thông về đúng vị trí hơn.
"Điều này là một bước đi nhằm đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh. Ngoại ngữ là một kỹ năng quan trọng và việc sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ là một lợi thế. Nhưng đó không phải là yếu tố quyết định sự thành công trong học tập và nghề nghiệp sau này. Học sinh, phụ huynh cần bỏ tư tưởng chứng chỉ ngoại ngữ như một "chìa khóa vạn năng" đảm bảo một suất vào đại học", ông Chung nhận định.
Từ đó, ông Chung khuyên học sinh và phụ huynh nên có góc nhìn đa chiều hơn, phân bổ nguồn lực đầu tư một cách cân bằng giữa việc trau dồi ngoại ngữ và nâng cao thành tích học tập các môn khác, cũng như tìm hiểu kỹ lưỡng các phương thức xét tuyển khác nhau để có sự chuẩn bị tốt nhất cho cánh cửa đại học.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/dai-hoc-quay-xe-voi-chinh-sach-tuyen-ielts-hoc-sinh-chap-nhan-rui-ro-20250511230619793.htm
Bình luận (0)