Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đại sứ Bùi Văn Nghị: Cam kết vì hòa bình và hợp tác cùng thắng của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025

Theo Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2025 và hoạt động song phương tại Brazil khẳng định cam kết thúc đẩy hòa bình, hợp tác cùng thắng của Việt Nam trong một thế giới đa cực, nơi các quốc gia đang phát triển có tiếng nói mạnh mẽ hơn.

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế03/07/2025

Đại sứ Bùi Văn Nghị: Hội nghị Thượng đỉnh BRICS
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng tại Nga, tháng 10/2024. (Nguồn: TTXVN)

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Brazil từ ngày 4-8/7 theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva, Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị đã trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam nêu bật ý nghĩa và những thông điệp gửi gắm trong chuyến công tác, đồng thời chia sẻ về định hướng hợp tác của Đối tác chiến lược Việt Nam-Brazil trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động hiện nay.

Đại sứ đánh giá như thế nào về ý nghĩa chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Brazil, đặc biệt sau khi Việt Nam trở thành nước đối tác của cơ chế đa phương này?

Đại sứ Bùi Văn Nghị: Hội nghị Thượng đỉnh BRICS
Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Brazil)

Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tới Brazil dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 tại Rio de Janeiro mang ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việc Brazil với tư cách Chủ tịch luân phiên BRICS 2025 công bố Việt Nam là một trong mười quốc gia đối tác của BRICS vào ngày 14/6/2025 (giờ Hà Nội, thể hiện sự công nhận vai trò địa chiến lược và tiềm năng kinh tế của Việt Nam với gần 100 triệu dân và vị thế, vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực và trên thế giới.

Chuyến công tác không chỉ củng cố hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Brazil, được nâng cấp vào tháng 11/2024, mà còn tạo xung lực mới cho hợp tác song phương và đa phương trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động, từ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất và tiêu thụ toàn cầu sau đại dịch Covid-19 đến cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn.

Với tư cách nước đối tác BRICS, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào các sáng kiến toàn cầu về y tế, biến đổi khí hậu, công nghệ và thương mại, đồng thời, đóng góp vào việc định hình một trật tự quốc tế dân chủ, công bằng, bao trùm hơn. Chuyến công tác này cũng thể hiện chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, tự tin của “trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam”, dĩ bất biến, ứng vạn biến, theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới, linh hoạt, bền bỉ, nguyên tắc và cân bằng, trong việc duy trì quan hệ, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác láng giềng, khu vực và truyền thống như ASEAN, châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, đồng thời đẩy mạnh việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường mới về cung ứng và tiêu thụ, đặc biệt tại khu vực Nam Mỹ/Mỹ Latinh-Caribe, nơi Brazil là một đối tác lớn, giàu tiềm năng.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 là cơ hội để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm đổi mới, phát triển kinh tế bền vững, và quản lý, đẩy lùi đại dịch và phục hồi, phát triển, đồng thời học hỏi, tiếp thu từ các nước thành viên và đối tác BRICS về công nghệ, quản trị và phát triển bền vững. Đây cũng là dịp để Việt Nam khẳng định cam kết thúc đẩy hòa bình, hợp tác cùng thắng, và một thế giới đa cực, nơi các quốc gia đang phát triển có tiếng nói mạnh mẽ hơn.

Đại sứ Bùi Văn Nghị: Hội nghị Thượng đỉnh BRICS
Tổng thống Brazil Lula da Silva phát biểu trong cuộc họp BRICS tại Brasília vào tháng 2/2025. (Nguồn: DPA)

Bối cảnh và chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay có gì đặc biệt? Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến tham gia và gửi gắm thông điệp gì tại Hội nghị?

Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2025, với chủ đề “Tăng cường hợp tác Nam-Nam vì một nền quản trị toàn cầu bao trùm và bền vững”, tập trung vào các ưu tiên như hợp tác y tế toàn cầu, thương mại, đầu tư và tài chính, biến đổi khí hậu, quản trị trí tuệ nhân tạo, kiến trúc hoà bình và an ninh đa phương, và phát triển thể chế. Các thành viên BRICS, đại diện cho 49% dân số thế giới, 39% GDP toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác Nam bán cầu và thương mại toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các nước đang phát triển cần có thêm các nguồn lực mới để phát triển trong kỷ nguyên mới.

Chương trình nghị sự của BRICS 2025 đặc biệt phù hợp với các ưu tiên của Việt Nam, như phát triển kinh tế bền vững hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, ứng phó biến đổi khí hậu tại các vùng ven biển, và thúc đẩy chuyển đổi số. Việt Nam, với tư cách nước đối tác BRICS, sẽ tham gia tích cực vào các thảo luận về thương mại, công nghệ AI, bán dẫn, và năng lượng tái tạo, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý đại dịch và phát triển kinh tế bền vững.

Việt Nam cam kết trong việc thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tôn trọng lẫn nhau, và hợp tác cùng thắng. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đề xuất các sáng kiến cụ thể cho việc tăng cường hợp tác Nam-Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, đồng thời, kêu gọi sự đoàn kết của các nước đang phát triển để giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo, phù hợp với các mục tiêu của P4G (Đối tác vì tăng trưởng xanh).

Việt Nam, một dân tộc với lịch sử vẻ vang, có truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân văn, hòa hiếu, đi đầu trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, nay đang tích cực, chủ động trong đổi mới, hội nhập quốc tế, cầu thị, học hỏi để phát triển đất nước bền vững, thể hiện mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của mình góp phần thúc đẩy hợp tác đa phương, trong đó có hợp tác khu vực cũng như như một cầu nối giữa BRICS và ASEAN, và chia sẻ kinh nghiệm để cùng các nước đang phát triển xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển, ổn định và thịnh vượng.

Đại sứ Bùi Văn Nghị: Hội nghị Thượng đỉnh BRICS
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Brazil Lula da Silva tại Hà Nội ngày 28/3/2025. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đây là sự trở lại Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau chuyến công tác lịch sử với dấu mốc nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược vào tháng 11/2024. Chuyến công tác còn diễn ra sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva vào tháng 3/2025. Những trao đổi đoàn cấp cao liên tiếp nói lên điều gì về quan hệ song phương, thưa Đại sứ?

Những chuyến thăm cấp cao liên tiếp giữa Việt Nam và Brazil trong giai đoạn 2023-2025, đặc biệt là chuyến thăm chính thức Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 9/2023, chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2024 với dấu mốc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược, và chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Lula da Silva gần đây tới Việt Nam vào tháng 3/2025, là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả và tin cậy của quan hệ song phương. Những trao đổi này thể hiện cam kết chung của hai nước, đưa quan hệ Đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, thúc đẩy mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp, khoa học, công nghệ, năng lượng, an ninh quốc phòng, thể thao văn hóa và giao lưu nhân dân.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính năm 2023 đã đặt nền móng vững chắc với bốn văn kiện hợp tác trong giáo dục, quốc phòng, nông nghiệp, và ngoại giao, cùng đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 và 15 tỷ USD vào năm 2030. Việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào tháng 11/2024 tại Hội nghị thượng đỉnh G20 và chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Lula da Silva vào tháng 3/2025, với Kế hoạch hành động triển khai Đối tác chiến lược giai đoạn 2025-2030, đã cụ thể hóa các cam kết này, từ việc Brazil công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, đến việc mở cửa thị trường, và ủng hộ đàm phán một hiệp định về thương mại tự do với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Những bước tiến này không chỉ củng cố tin cậy chính trị mà còn mở ra cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực chiến lược, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước.

Những trao đổi các chuyến thăm cấp cao liên tiếp cũng cho thấy Việt Nam và Brazil đang tận dụng tiềm năng của nhau để đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, “bỏ trứng vào một giỏ”, và thúc đẩy hợp tác cùng thắng trong bối cảnh thế giới đầy biến động. Quan hệ song phương ngày càng phát triển là minh chứng cho sự tôn trọng lẫn nhau, bổ sung lợi ích, và cam kết chung trong việc đóng góp vào hòa bình, ổn định, và phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

Đại sứ Bùi Văn Nghị: Hội nghị Thượng đỉnh BRICS
Hội thảo Cơ hội giao thương giữa Việt Nam và Brazil tổ chức tại São Paulo, tháng 4/2025. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Brazil)

Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để quan hệ Đối tác chiến lược phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu hơn nữa, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của hai nước trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động hiện nay?

Để quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Brazil phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu, hai nước cần tập trung vào các định hướng hợp tác thực chất, đa dạng và cùng thắng, tận dụng tiềm năng của nhau.

Thứ nhất, thúc đẩy thương mại và đầu tư. Hai nước cần đẩy mạnh trao đổi thương mại các sản phẩm thế mạnh và bổ sung cho nhau trong các lĩnh vực nông nghiệp - chăn nuôi, nông sản, thực phẩm, năng lượng, khoáng sản và hàng tiêu dùng.

Ví dụ Việt Nam có thể nhập khẩu từ đậu tương, ngô, đường, bông, thịt bò tới nhiều loại khoáng sản, đặc biệt là quặng sắt, đá quý, đá granit, vật liệu xây dựng, gỗ, sản phẩm gỗ, bột giấy… là nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất, chế biến trong nước và xuất khẩu sang nước thứ ba. Ngược lại, Việt Nam có thể xuất sang Brazil từ thủy sản như cá tra, basa, rô-phi, tôm; nông sản chế biến như hạt điều, cà phê; tới hàng tiêu dùng, quần áo, dày dép các loại; sản phẩm săm, lốp ô-tô, các loại xe máy, xe đạp điện; tới điện thoại thông minh, hàng điện tử, máy tính, linh kiện…

Việt Nam và Brazil ở hai bán cầu đối nhau (Đông-Tây, Nam-Bắc) nên các sản phẩm trái cây, nông sản nhiệt đới cũng có thể bổ sung cho nhau và có thể trao đổi, xuất nhập khẩu phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng hai nước vì mùa vụ khác nhau.

Brazil cũng có nhiều giống cây trồng, vật nuôi nhiệt đới rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình của Việt Nam với năng xuất và chất lượng cao, có giá trị cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Do đó, hợp tác đầu tư và thương mại trên lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi cũng rất tiềm năng. Việt Nam có thể hợp tác về chăn nuôi bò và chế biến thịt, nhập và phát triển giống chim cút Brazil hoặc trồng và nhân giống, phát triển cây cọ đào với nhiều giá trị dinh dưỡng, vừa góp phần phát triển kinh tế cho nhân dân ở vùng cao, vùng đất khó phát triển cây trồng khác vừa có tác dụng bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Qua nghiên cứu và quan sát, chúng tôi nhận thấy Brazil cũng như các nước Nam Mỹ mà Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm (Bolivia, Suriname, Guyana và Peru) có điều kiện khí hậu nhiệt đới, thiên nhiên ưu đãi, đất đai rộng rãi, phì nhiêu, “rừng vàng, biển bạc” nhưng rất thiếu lao động, và chính phủ các nước có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, phù hợp với trình độ, năng lực và thế mạnh của Việt Nam.

Với quan hệ chính trị, ngoại giao thân thiện, hòa bình và trách nhiệm, Việt Nam sẽ là đối tác giàu tiềm năng cho hợp tác cùng có lợi. Doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư hoặc liên doanh với doanh nghiệp Brazil về sản xuất nông nghiệp, chế biến, nuôi trồng thủy sản, sản xuất đồ uống hoặc liên doanh, đặc biệt là đầu tư trong các khu công nghiệp, khu chế xuất của bạn để được hưởng các chính sách, quỹ ưu đãi cho sản xuất và tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sang các nước khu vực Nam Mỹ-Caribe cũng như xuất khẩu ngược lên Bắc Mỹ với thị trường Mỹ và Canada.

Mô hình sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang triển khai giúp đỡ, hỗ trợ các bạn Cuba có thể là một trong ví dụ tốt cho việc mở rộng hợp tác, đầu tư sang Brazil, nhất là các nước Nam Mỹ có trình độ sản xuất thấp hơn.

Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil đang phối hợp tích cực làm việc với Brazil, nước đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của BRICS trong sáu tháng tới, để thúc đẩy đàm phán hiệp định thương mại tự do, các cơ chế, thỏa thuận thúc đẩy hợp tác, thương mại, đầu tư tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường lẫn nhau để có thể tăng cường hợp tác, kinh doanh giữa hai nước gắn với hai khu vực ASEAN và Nam Mỹ.

Thứ hai, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược. Hai nước cần tận dụng thế mạnh của BRICS, đặc biệt trong công nghệ, năng lượng tái tạo, và trí tuệ nhân tạo, để hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Brazil, với nguồn tài nguyên đất hiếm và năng lượng dồi dào, có thể hợp tác với Việt Nam trong các dự án sản xuất công nghệ cao và năng lượng sạch. Các thỏa thuận về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, và tư pháp cần được triển khai thực chất, bao gồm cả hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.

Thứ ba, đẩy mạnh giao lưu nhân dân và văn hóa, chẳng hạn như trao đổi học thuật, giáo dục, du lịch, và thể thao, đặc biệt là bóng đá – lĩnh vực mà Brazil có thế mạnh.

Việc ký kết thỏa thuận giữa hai Liên đoàn bóng đá vào tháng 3/2025 là bước khởi đầu để thúc đẩy hợp tác giữa các câu lạc bộ bóng đá và các địa phương. Các sự kiện văn hóa như Ngày Việt Nam tại Rio de Jeneiro (tháng 11/2024), Lễ hội ẩm thực và văn hóa quốc tế tại Brasília (tháng 5/2025) cần được phát huy và tổ chức thường xuyên để quảng bá văn hóa, đất nước và con người Việt Nam tại Brazil.

Đại sứ quán cũng mong muốn các cơ quan truyền thông, như TTXVN, Đài Truyền hình Việt Nam, thiết lập cơ quan thường trú tại Brazil - Đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam ở Nam Mỹ với vị thế, vai trò và tầm quan trọng ngày càng tăng ở khu vực và trên thế giới, để tăng cường công tác thông tin và quảng bá hình ảnh con người, văn hóa của nhau, góp phần thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và Brazil, tạo nên nền tảng nhân dân vững chắc cho phát triển quan hệ, hợp tác lên tầm cao mới bền chặt, lâu dài giữa hai nước, hai dân tộc trong tương lai.

Thứ tư, hợp tác kết nghĩa và trao đổi địa phương cần được thúc đẩy, tạo điều kiện cho hợp tác kinh tế và văn hóa ở cấp địa phương.

Với vị trí địa chiến lược, địa kinh tế, và đặc điểm, điều kiện thiên nhiên, kinh tế-xã hội của mỗi nước, cùng với tin cậy chính trị ngày càng bền chặt, quan hệ hai nước Việt Nam và Brazil có nhiều cơ hội để thúc đẩy hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt là các lĩnh vực phát triển, quản lý vận hành cảng biển, logistics, nông nghiệp và công nghiệp chế biến, giáo dục đào tạo, khai khoáng và luyện kim, khoa học-công nghệ, văn hóa-du lịch, thể thao...

Việc trao đổi, tiến tới kết nối hợp tác thực chất và hiệu quả giữa các bang, thành phố của Brazil và các tỉnh, thành phố của Việt Nam là một hướng mà chúng ta cần quan tâm thúc đẩy trong thời gian tới. Qua đó, có thể tận dụng, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mỗi cặp địa phương hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày thực chất, hiệu quả, càng gắn bó, bền chặt giữa hai nước trong tương lai.

Các chương trình hợp tác giao lưu nhân dân, xúc tiến du lịch, hợp tác, kết nghĩa giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, trao đổi học giả, nghiên cứu viên, học sinh, sinh viên, và vận động viên cần được quan tâm, thúc đẩy hơn nữa để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa nhân dân hai nước.

Thứ năm, Việt Nam có thể đóng vai trò cầu nối giữa Brazil và ASEAN, trong khi Brazil hỗ trợ Việt Nam tiếp cận với Khối MERCOSUR và các nền kinh tế Mỹ Latinh.

Sự tin cậy chính trị và hợp tác đa phương sẽ giúp hai nước cùng phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, và ứng phó biến đổi khí hậu, phù hợp với các mục tiêu của BRICS và P4G. Những nỗ lực này không chỉ giúp hai nước vượt qua các thách thức kinh tế toàn cầu mà còn đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố vị thế của Việt Nam và Brazil trong một thế giới đa cực, dân chủ hóa, và hợp tác cùng thắng.

Đại sứ Bùi Văn Nghị: Hội nghị Thượng đỉnh BRICS
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Ngày Việt Nam tại Brazil, tháng 11/2024. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Giao lưu văn hóa, thể thao là một trong những cầu nối quan trọng của tình hữu nghị Việt Nam-Brazil kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1989. Thời gian qua, hai nước đã có những hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao nào nhằm tăng cường sự gắn kết giữa người dân hai nước?

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1989, Việt Nam và Brazil đã không ngừng vun đắp tình hữu nghị thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa và thể thao. Những sự kiện này không chỉ giúp nhân dân hai nước xích lại gần nhau hơn mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện, từ kinh tế, xã hội đến chính trị.

Về văn hóa, sự kiện Ngày Việt Nam tại Brazil được tổ chức tại Rio de Janeiro vào tháng 11/2024, ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20, là một cột mốc quan trọng. Sự kiện đã giới thiệu các tiết mục nghệ thuật đặc sắc như múa rối nước, biểu diễn võ cổ truyền Vovinam, triển lãm ảnh về 35 năm quan hệ Việt Nam-Brazil, và các gian hàng về nghệ thuật, trò chơi truyền thống như tranh Đông Hồ, tranh sơn mài, nặn tò he con giống…. Sự kiện này đã thu hút đông đảo người dân Brazil và các đại biểu quốc tế, góp phần lan tỏa quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam.

Cùng dịp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Lễ khánh thành Biển kỷ niệm tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu phố Santa Teresa, Rio de Janeiro, nơi Người từng sinh sống, làm việc trong hành trình tìm đường cứu nước năm 1912. Biển kỷ niệm, khắc song ngữ Việt Nam - Bồ Đào Nha, ghi nhận những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phong trào giải phóng dân tộc và tình hữu nghị Việt Nam-Brazil. Sự kiện này không chỉ là biểu tượng của sự gắn kết mà còn truyền cảm hứng cho tình đoàn kết quốc tế.

Về thể thao, lễ hội bóng đá Việt Nam-Brazil tại Đà Nẵng từ ngày 10-11/4/2024 là một sự kiện thể thao nổi bật, thu hút gần 18.000 khán giả. Với sự tham gia của các huyền thoại Brazil như Dunga, Rivaldo và Lucio, sự kiện bao gồm các trận đấu giao hữu, khánh thành Trung tâm bóng đá Brazil, và các hoạt động từ thiện như trao học bổng cho trẻ em địa phương.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Kế hoạch hành động 2025-2030, được ký vào tháng 3/2025, Việt Nam và Brazil đã cam kết tăng cường hợp tác thể thao, bao gồm trao đổi vận động viên và huấn luyện viên trong các môn như bóng đá, quần vợt, và võ thuật. Một biên bản ghi nhớ về hợp tác bóng đá cũng được ký kết, mở đường cho các chương trình đào tạo và giao lưu trong tương lai, nhấn mạnh vai trò của thể thao trong việc gắn kết nhân dân.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Nguồn: https://baoquocte.vn/dai-su-bui-van-nghi-cam-ket-vi-hoa-binh-va-hop-tac-cung-thang-cua-viet-nam-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-brics-mo-rong-2025-319683.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm