Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ 2 tại Hà Nội tháng 2/2025. (Nguồn: VGP) |
Đại sứ kỳ vọng như thế về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính dịp này ở cả cấp độ song phương nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Malaysia và ở cấp độ đa phương là ASEAN?
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Malaysia trên cương vị Thủ tướng Chính phủ. Lần gần nhất cấp Thủ tướng Việt Nam thăm chính thức Malaysia là vào năm 2015. Khi đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và người đồng cấp, Thủ tướng Dato’ Seri Mohd Najib Tun Abdul Razak, đã ra tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
Chuyến thăm chính thức Malaysia, tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính Chính mang tính thời điểm và chiến lược đặc biệt quan trọng.
Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato' Tan Yang Thai trả lời phỏng vấn TG&VN về chuyến thăm sáng ngày 21/5. (Ảnh: PH) |
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hợp tác khu vực đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, và vào thời điểm Malaysia và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ song phương lên mức cao nhất - Đối tác chiến lược toàn diện. Chuyến thăm cũng diễn ra không lâu sau chuyến công tác thành công của Thủ tướng Anwar Ibrahim tới Hà Nội, tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025.
Trong khuôn khổ chuyến công tác đó, Thủ tướng Anwar đã gặp Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và có buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Hai Thủ tướng cũng thường xuyên giữ liên lạc, gần đây nhất là hai cuộc điện đàm trong tháng Tư để trao đổi các vấn đề liên quan đến quan hệ song phương.
Trước bối cảnh như vậy, tôi kỳ vọng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Malaysia sẽ đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần củng cố niềm tin chính trị giữa lãnh đạo hai nước thông qua đối thoại cấp cao. Đây cũng là dịp để hai bên rà soát việc triển khai các sáng kiến trọng tâm trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện, như tăng cường thương mại và đầu tư, phát triển ngành công nghiệp Halal, hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, cũng như mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, năng lượng sạch, phát triển kỹ năng…
Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế và giao lưu nhân dân giữa hai nước, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Thêm vào đó, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần này là minh chứng mạnh mẽ cho cam kết của Việt Nam trong việc cùng xây dựng một ASEAN đoàn kết, tiên phong và giữ vai trò trung tâm trong việc duy trì hòa bình khu vực.
Xin Đại sứ cho biết những lĩnh vực trọng tâm đang được thúc đẩy để hiện thực hóa nội hàm hợp tác trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước?
Việc cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thành những kết quả hợp tác thực chất đòi hỏi phải có hướng triển khai rõ ràng, hài hòa chính sách và đẩy mạnh hợp tác công-tư.
Trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện, chúng tôi đặt mục tiêu củng cố lòng tin chính trị và tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh thông qua các chuyến thăm cấp cao thường xuyên và những sáng kiến hợp tác mới. Điều này sẽ góp phần tạo dựng một môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển.
Về kinh tế, chúng tôi đặt mục tiêu đạt kim ngạch thương mại song phương và đầu tư ở mức 18 tỷ USD vào năm 2025, tập trung vào việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các mặt hàng chủ lực như nông sản, thủy sản, sản phẩm Halal và điện tử. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực như tự động hóa, logistics thông minh, đổi mới sáng tạo và kinh tế số.
Song song với đó, tăng cường giao lưu nhân dân thông qua trao đổi văn hóa, giáo dục và du lịch cũng là một ưu tiên.
Cả hai nước cam kết hợp tác chặt chẽ trong các cơ chế đa phương, đặc biệt là trong ASEAN để thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng khu vực, bảo vệ luật pháp quốc tế và đảm bảo tự do hàng hải.
Để đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác trên, hai bên sẽ tăng cường hợp tác thể chế thông qua việc tổ chức thường kỳ các kỳ họp Ủy ban hỗn hợp/Ủy ban Thương mại hỗn hợp, thúc đẩy đối thoại giữa khu vực tư nhân và kết nối doanh nghiệp, đồng thời xem xét mở rộng học bổng, các chương trình đào tạo và gắn kết thanh niên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn tương lai ASEAN tháng 2/2025. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Nhận định của Đại sứ về tầm quan trọng của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 dịp này đối với chương trình nghị sự của ASEAN và kỳ vọng về vai trò đóng góp của Việt Nam?
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 diễn ra vào thời điểm mang tính bước ngoặt đối với khu vực. ASEAN hiện đang phải đối mặt với nhiều chuyển biến sâu sắc, từ cạnh tranh chiến lược, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu cho đến các đột phá về công nghệ.
Trong bối cảnh đó, vai trò Chủ tịch ASEAN 2025 của Malaysia nhằm tái khẳng định vị thế và tầm quan trọng của ASEAN thông qua ba mục tiêu cốt lõi: Đoàn kết, tự cường và vai trò trung tâm.
Hội nghị lần này sẽ là cơ sở để tạo đồng thuận đối với Tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau năm 2025 - một “phiên bản” mới nhằm hướng ASEAN gắn kết hơn, năng động hơn và chủ động hơn trong bối cảnh toàn cầu.
Chủ tịch ASEAN 2025 cam kết: Gìn giữ vai trò trung tâm và lập trường trung lập của ASEAN trong một thế giới đa cực ngày càng rõ nét; đảm bảo chương trình nghị sự kinh tế của ASEAN mang tính bao trùm, bền vững và hướng tới tương lai; tăng cường quan hệ đối ngoại nhưng vẫn giữ ASEAN là trung tâm điều phối.
Tôi khẳng định, vai trò của Việt Nam trong tiến trình này là không thể thiếu. Từ lâu, Việt Nam đã được đánh giá là trụ cột trong sự gắn kết nội khối của ASEAN. Cam kết của Việt Nam đối với hòa bình khu vực, chính sách không liên kết và phát triển bao trùm hoàn toàn phù hợp với các ưu tiên của Malaysia cho ASEAN 2025.
Chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong các lĩnh vực sau:
Thắt chặt đoàn kết, thống nhất ASEAN trong đa dạng: Tiếng nói ngoại giao của Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng đồng thuận và giữ vững lập trường trung lập của Hiệp hội;
Nâng cao khả năng tự cường về kinh tế: Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam, Malaysia mong muốn hợp tác trong các cơ chế khu vực hỗ trợ thương mại bền vững, hợp tác số và kết nối năng lượng;
Nâng tầm tiếng nói ASEAN trên trường quốc tế: Malaysia kỳ vọng Việt Nam sẽ là đối tác đồng hành trong việc định hình vai trò của ASEAN trên toàn cầu, cũng như trong đối thoại xây dựng với các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các nước khác.
Với tầm quan trọng chiến lược và cách tiếp cận chủ động, Việt Nam là đối tác không thể thiếu trong việc bảo đảm thành công cho vai trò Chủ tịch ASEAN của Malaysia và duy trì vai trò trung tâm của Hiệp hội.
Không khí chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 tại Malaysia. (Nguồn: Malaymail) |
Đối với hợp tác giữa ASEAN với đối tác, kỳ Hội nghị lần này có điểm nhấn nào khác biệt hay không, thưa Đại sứ?
Bên cạnh Hội nghị cấp cao ASEAN, hai hội nghị cấp cao quan trọng khác cũng sẽ được tổ chức dịp này, bao gồm: Hội nghị cấp cao ASEAN–Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) lần thứ hai và Hội nghị Cấp cao ASEAN – GCC - Trung Quốc lần đầu tiên.
Khu vực Đông Nam Á, Vùng Vịnh và Trung Quốc hiện là nơi sinh sống của hơn hai tỷ người tiêu dùng và đóng góp hơn 20% GDP toàn cầu. Việc tổ chức các hội nghị này là rất kịp thời, trong bối cảnh các khu vực này đang ngày càng năng động, củng cố vị thế toàn cầu và mở rộng ảnh hưởng quốc tế.
Bên lề các hội nghị cấp cao nói trên, Malaysia cũng sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn Kinh tế ASEAN-GCC-Trung Quốc và Diễn đàn Kinh tế ASEAN - GCC tại Kuala Lumpur vào các ngày 27-28/5.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Nguồn: https://baoquocte.vn/dai-su-malaysia-bat-mi-sang-kien-moi-tai-hoi-nghi-cap-cao-asean-46-khang-dinh-vai-tro-khong-the-thieu-cua-viet-nam-315004.html
Bình luận (0)