Sáng 26.5, phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phát biểu tại hội nghị sáng 26.5
ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG
Theo đại tướng Phan Văn Giang, khi Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.7 sẽ thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. Do đó, lực lượng quân đội cũng đã điều chỉnh khi không còn cấp huyện thì ban chỉ huy quân sự cấp huyện cùng lực lượng bộ đội biên phòng gộp về bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh.
Việc này đặt ra hàng loạt vấn đề phải thực hiện nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo đồng bộ, hợp hiến, nhất là hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng.
Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, để phù hợp với Hiến pháp sửa đổi, Bộ Quốc phòng cần sửa 128 loại văn bản khác nhau, trong đó sửa đổi 11 luật, 38 nghị định của Chính phủ, 6 quyết định của Thủ tướng và 73 thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
"Số lượng rất đồ sộ, nên các cơ quan phải làm ngày, làm đêm để thực hiện việc này. Bản thân tôi, tầm 11 - 12 giờ đêm, có văn bản của Chính phủ, của T.Ư yêu cầu trả lời ngay tôi vẫn trả lời. Tôi yêu cầu các cơ quan được giao chủ trì đẩy nhanh tiến độ soạn thảo văn bản sửa đổi, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ", đại tướng nhấn mạnh.
Giám đốc Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) Đặng Sỹ Lộc đóng góp ý kiến theo hình thức trực tuyến
ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG
Cần bổ sung chức năng "kiểm soát quyền lực nhà nước" cho Mặt trận Tổ quốc
Nêu ý kiến tại hội nghị, thiếu tướng Đặng Sỹ Lộc, Giám đốc Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng), bày tỏ việc sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp là bước đi quan trọng, thể hiện sự đổi mới, sáng tạo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Đối với điều 9 trong dự thảo nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Lộc đề nghị bổ sung thêm cụm từ "kiểm soát quyền lực nhà nước theo quy định của pháp luật" cho tổ chức này.
Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân.
Thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát phản biện xã hội; "kiểm soát quyền lực nhà nước theo quy định của pháp luật"; phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Theo thiếu tướng Lộc, có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để bổ sung thêm chức năng kiểm soát quyền lực nhà nước cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
"Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, nay bổ sung thêm quyền kiểm soát quyền lực nhà nước chính là để mở rộng dân chủ và đưa ra những quyết định chính xác, đúng đắn, cần giải quyết, tạo thuận lợi cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới", thiếu tướng Lộc nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dai-tuong-phan-van-giang-12-gio-dem-toi-van-tra-loi-van-ban-185250526112521985.htm
Bình luận (0)