Thực trạng và yêu cầu cấp thiết đối với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu
Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã tích cực triển khai và đưa vào vận hành nhiều hệ thống thông tin (HTTT), cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công. Các hệ thống này có quy mô lớn, mức độ quan trọng cao, trở thành nền tảng không thể thiếu trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Có thể kể đến như HTTT giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, hiện đang được triển khai tại 150 đơn vị, với 3.276 tài khoản người dùng, giúp cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Đến năm 2025, trên hệ thống đã cung cấp 1.685/1.877 dịch vụ công trực tuyến, đạt 89,8%. Hay Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tỉnh, đây cũng là một hệ thống nền tảng, xương sống của hoạt động hành chính và chỉ đạo điều hành. Hiện tại, hệ thống đã triển khai ứng dụng 100% các cơ quan nhà nước 3 cấp (750 đơn vị), cấp 12.500 tài khoản người dùng và đã xử lý trên 7 triệu lượt văn bản luân chuyển tính đến quý I/2025.
Bên cạnh đó là Hệ thống hội nghị trực tuyến với 162 điểm cầu kết nối 3 cấp (tỉnh-huyện-xã) và Trung ương đã trở thành công cụ thiết yếu cho việc chỉ đạo, điều hành từ xa, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ.
Ngoài ra, tỉnh còn sở hữu nhiều HTTT, CSDL quan trọng khác như: Cổng thông tin điện tử tỉnh, nền tảng kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP), Hệ thống xác thực tập trung (SSO), Kho dữ liệu và cổng dữ liệu mở, Trung tâm điều hành thông minh (IOC), HTTT báo cáo tỉnh, Hệ thống thư điện tử công vụ, Hệ thống eCabinet, Hệ thống giám sát Một cửa, và các CSDL quốc gia, chuyên ngành (CSDL Dân cư, Đất đai, cán bộ, công chức, viên chức...).
Theo đồng chí Bùi Xuân Chiên, Trưởng phòng Chuyển đổi số, Sở Khoa học và Công nghệ, yêu cầu hàng đầu khi sắp xếp đơn vị hành chính và vận hành chính quyền 2 cấp là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, thông suốt và hiệu quả của các HTTT trọng yếu. Ưu tiên cao nhất được đặt vào Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thông tin giải quyết Thủ tục hành chính và Hệ thống Hội nghị trực tuyến. Đây là những hệ thống “xương sống”, phục vụ trực tiếp công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền 2 cấp và giao dịch của người dân, doanh nghiệp. Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với các hệ thống này đều có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo sự ổn định, liên tục của các HTTT và hạ tầng khác cũng vô cùng quan trọng. Hạ tầng mạng lưới (truyền số liệu chuyên dùng, Internet mạng nội bộ LAN) và các HTTT, CSDL khác cần được duy trì hoạt động ổn định, không gián đoạn, đảm bảo kết nối tốc độ cao và an toàn đến tất cả các đơn vị hành chính cấp xã mới.
Việc đáp ứng năng lực vận hành chính quyền số cũng đặt ra những yêu cầu không nhỏ. Hạ tầng (Trung tâm dữ liệu, đường truyền) phải đủ năng lực xử lý, lưu trữ và vận hành hiệu quả các HTTT dùng chung, CSDL, đồng thời đảm bảo chia sẻ dữ liệu thông suốt, an toàn giữa cấp tỉnh và cấp xã mới. Sự thay đổi về cơ cấu tổ chức cũng đòi hỏi việc cấu hình lại HTTT, CSDL (quy trình, phân quyền, luồng xử lý...) và các yếu tố mã đơn vị hành chính; mã định danh (mã cơ quan, tài khoản, thư công vụ, chữ ký số...) để phản ánh đúng cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị hành chính mới và mô hình chính quyền 2 cấp.
Một yêu cầu quan trọng khác là phải có phương án sao lưu, di chuyển và bàn giao dữ liệu điện tử đầy đủ, minh bạch giữa các đơn vị, đồng thời duy trì khả năng tra cứu, khai thác dữ liệu của các đơn vị trước khi sáp nhập. Cuối cùng, việc đảm bảo người dân, doanh nghiệp tại các đơn vị hành chính mới dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến một cách thuận lợi và hiệu quả cũng là một mục tiêu không thể bỏ qua.
Giải pháp đồng bộ và quyết liệt
Để đáp ứng những yêu cầu cấp thiết trên, ngày 28/4/2025, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 431/UBND-VP6, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ và quyết liệt.
Theo đó, đối với các sở, ban, ngành; UBND các cấp (đặc biệt các đơn vị hành chính mới thành lập) chủ trì, phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ và Sở Khoa học và Công nghệ khẩn trương khảo sát, đánh giá toàn diện hiện trạng các HTTT, CSDL do đơn vị quản lý (bao gồm cả cấp huyện cũ). Trên cơ sở đó, xây dựng phương án chi tiết (kỹ thuật, dữ liệu, cấu hình, nguồn lực, kinh phí, lộ trình) để cập nhật, tổ chức lại HTTT/ CSDL theo hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ và các quy định liên quan, hoàn thành trước ngày 10/5/2025.
Chủ động rà soát, lập phương án đề nghị thay đổi/thu hồi/cấp mới chữ ký số chuyên dùng, thư điện tử công vụ, tài khoản người dùng theo cơ cấu tổ chức, nhân sự mới và gửi về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp và thực hiện thay đổi ngay sau khi có phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm túc việc sao lưu dữ liệu trước khi thực hiện thay đổi. Tổ chức bàn giao dữ liệu điện tử đầy đủ, minh bạch giữa các đơn vị theo hướng dẫn của Sở Nội vụ và Sở Khoa học và Công nghệ, đảm bảo khả năng tra cứu và lưu trữ, hoàn thành sau khi đóng hệ thống của đơn vị cũ.
Chủ động rà soát, đánh giá và đề xuất đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin (mạng LAN, máy tính, thiết bị ngoại vi...). Tối ưu hóa mạng LAN, nâng cấp đường Truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD), Internet để khai thác hiệu quả, kết nối an toàn vào các hệ thống của tỉnh. Cử cán bộ đầu mối phối hợp chặt chẽ, triển khai phương án đã duyệt, đảm bảo hoàn thành việc tổ chức lại HTTT/CSDL ngay khi mô hình chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động và báo cáo tiến độ thường xuyên. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng các HTTT sau cập nhật.
Trước khối lượng công việc đồ sộ và thời gian gấp rút để hoàn thành các nhiệm vụ trước ngày 1/7, Sở Khoa học và Công nghệ với vai trò là cơ quan đầu mối đang triển khai một chiến dịch toàn diện để đảm bảo sự hoạt động ổn định và hiệu quả của các HTTT dùng chung. Đồng chí Bùi Xuân Chiên, Trưởng phòng Chuyển đổi số, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Đây là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi cách tiếp cận bài bản và chặt chẽ. Hiện, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là khảo sát, đánh giá để điều chỉnh và cấu hình lại toàn bộ các HTTT cốt lõi của tỉnh (Giải quyết TTHC, Quản lý văn bản và điều hành, Thư công vụ, Hệ thống xác thực tập trung (SSO)...). Đảm bảo các hệ thống hoạt động an toàn, thông suốt, hiệu quả, phục vụ tổ chức và vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, hoàn thành trước ngày 15/5/2025.
Cùng với đó, Sở tăng cường vai trò điều phối, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong tỉnh, đồng thời đẩy mạnh công tác đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật. Một nhiệm vụ quan trọng khác là hướng dẫn các đơn vị về quy trình bàn giao dữ liệu, quản lý tài khoản và sử dụng chữ ký số. Sở cũng chủ trì xây dựng và thống nhất phương án cập nhật, sử dụng mã định danh điện tử, ký hiệu văn bản mới sau sắp xếp trên tất cả các HTTT liên quan trước khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Để đảm bảo hạ tầng vận hành ổn định, Sở đang tiến hành rà soát và cấu hình lại các kết nối qua LGSP/NDXP. Sự phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông cũng được chú trọng, nhằm đảm bảo chất lượng đường truyền và giải quyết kịp thời các khó khăn trong phát triển hạ tầng.
Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của UBND tỉnh và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp, đơn vị liên quan, tỉnh Ninh Bình đang thể hiện quyết tâm cao nhất trong việc đảm bảo “mạch máu” thông tin vận hành thông suốt, liên tục trong suốt quá trình sắp xếp, tổ chức và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển mới, đồng thời, tạo động lực mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/dam-bao-mach-mau-thong-tin-van-hanh-on-dinh-thong-suot-004836.htm
Bình luận (0)