Các tuyến lưu thông còn hạn chế
Theo Sở Xây dựng TPHCM, trong giai đoạn đầu, việc di chuyển, đi lại thường xuyên của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến TPHCM và ngược lại để làm việc là rất lớn.
Đối với tỉnh Bình Dương, giao thông kết nối từ trung tâm hành chính TPHCM đến trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương khoảng 42km, thông qua các trục đường Huỳnh Văn Lũy, quốc lộ 13, đường Điện Biên Phủ, đường Lê Duẩn, đường Lê Thánh Tôn. Trong đó, quốc lộ 13 được coi là “xương sống” giao thông giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương.
Hiện đoạn qua tỉnh Bình Dương đang được mở rộng lên 8 làn xe, nhưng đoạn qua TPHCM (từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình, dài 6,3km) chỉ mới có chủ trương mở rộng lên 10 làn xe. Về vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, có 5 tuyến kết nối từ Bến xe miền Đông mới đến Bình Dương, đó là các tuyến: 61-01, 61-02,61-03, 61-04, 61-05; còn phía Bình Dương thì có nhiều tuyến kết nối quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, TP Thủ Đức.

Trong khi đó, từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến TPHCM dài 87km, thời gian di chuyển dài, phương tiện công cộng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu di chuyển đồng bộ, đúng giờ phục vụ công vụ. Hiện lưu thông chủ yếu qua các tuyến đường bộ thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai như đường cao tốc TPHCM - Long Thành và quốc lộ 51.
Về giao thông công cộng giữa TPHCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ có 1 tuyến xe buýt. Tuy nhiên, hiện nay các tuyến xe kết nối từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đến Bà Rịa - Vũng Tàu khá nhộn nhịp với nhiều loại xe khác nhau, chạy liên tục theo lộ trình Điện Biên Phủ - cao tốc TPHCM - Long Thành, quốc lộ 51. Về vận tải hành khách, có tuyến đường thủy bằng tàu cao tốc hai thân từ quận 4 đi Vũng Tàu và phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, nhưng có tần suất hoạt động thấp.
Chiều 30-6, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng Phạm Ngọc Dũng cho biết, trung tâm đã bố trí hai loại xe 16 chỗ và 29 chỗ để đưa rước cán bộ tại Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu. Phía trước kính chắn gió dán biển “XE ĐƯA RƯỚC CÔNG CHỨC VIÊN CHỨC”. Về khung thời gian đi lại: mỗi ngày có 3 lượt đi và 3 lượt về được chia thành 3 khung giờ khác nhau.
Xe đưa đón hàng ngày, hàng tuần
Nhằm đáp ứng được nhu cầu di chuyển đồng bộ, đúng giờ, UBND TPHCM giao Sở Xây dựng TPHCM lên phương án khảo sát, bố trí xe đưa đón cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến TPHCM định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần. Qua khảo sát, cán bộ 2 địa phương có 968 người sử dụng xe đưa đón; Bình Dương có 487 người đưa đón trong ngày, 20 người đưa đón cuối tuần; Bà Rịa - Vũng Tàu có 320 người đưa đón trong ngày, 141 người đưa đón cuối tuần.
Từ kết quả khảo sát, Sở Xây dựng TPHCM đưa ra phương án tổ chức vận chuyển cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ Bình Dương đến UBND TPHCM. Dự kiến mỗi ngày có 6 lượt đi và 6 lượt về, được chia thành 3 khung giờ khác nhau. Xe đón tại Trung tâm hành chính Bình Dương, trả tại các vị trí: trạm xe buýt Ngã ba Phú Mỹ, Bến xe Thủ Dầu Một. Tại TPHCM, xe đón tại Bến xe buýt Sài Gòn, trạm xe buýt trên đường Lê Duẩn, trạm xe buýt trên đường Lê Thánh Tôn, trạm xe buýt trên đường Hai Bà Trưng, ga Metro Bến Thành, trạm xe buýt trên đường Lê Lợi.
Đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, buổi sáng đón tại Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; buổi chiều đón tại Bến xe buýt Sài Gòn. Về khung thời gian đi lại, dự kiến bố trí mỗi ngày có 6 lượt đi và 6 lượt về, chia thành 3 khung giờ khác nhau. Phương tiện di chuyển là loại xe có chất lượng cao, sản xuất từ năm 2020 trở về sau.
Trong 6 tháng cuối năm 2025, Sở Xây dựng đề xuất UBND TPHCM chấp thuận cho phép Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (Sở Xây dựng TPHCM) đặt hàng đơn vị vận tải có đủ năng lực, kinh nghiệm để tham gia cung ứng dịch vụ đưa rước cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Từ đầu năm 2026, sau khi ổn định nhu cầu đi lại, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND TPHCM phương thức đặt hàng hoặc đấu thầu với các đơn vị vận tải phù hợp với quy định.
Mạng lưới giao thông công cộng phủ khắp quận, huyện
Mạng lưới xe buýt TPHCM đã tiếp cận tất cả các quận, huyện, giúp người dân và học sinh, sinh viên đi lại dễ dàng. TPHCM hiện có 138 tuyến xe buýt, với khoảng hơn 2.221 phương tiện xe buýt hoạt động, trong đó có 18 tuyến buýt điện (168 xe) và 528 xe sử dụng khí thiên nhiên nén (CNG). Riêng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) từ khi đi vào vận hành chính thức đến nay đã chạy 33.224 lượt tàu an toàn, đạt bình quân 200 lượt tàu/ngày.
Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách ngày càng tốt hơn, Quyền Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, ngành giao thông đang tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng vận tải công cộng như phát triển xe buýt điện; cải thiện tác phong phục vụ của tài xế và tiếp viên; triển khai ưu đãi cho hành khách thanh toán không dùng tiền mặt và giới thiệu ứng dụng MultiGo nhằm hỗ trợ người dân tìm tuyến xe thuận tiện...
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dam-bao-phuong-tien-di-lai-thuan-tien-cho-can-bo-cong-chuc-post801889.html
Bình luận (0)