Cho ý kiến đối với dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), các đại biểu đánh giá, đây là dự án Luật rất quan trọng, có liên quan đến nhiều hoạt động kinh tế và tác động đến nhiều đạo luật cũng như tác động trực tiếp đến vấn đề quản lý, phân bổ nguồn lực của cả hệ thống chính trị.
Việc sửa đổi Luật không chỉ là nhu cầu cấp thiết từ thực tiễn quản lý tài chính công, mà còn là đòi hỏi khách quan để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững, minh bạch và hội nhập. Do vậy cần phải đánh giá tác động một cách toàn diện và sâu sắc hơn các nội dung sửa đổi để đảm bảo tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời giúp việc tổ chức quản lý, sử dụng nguồn lực ngân sách thực sự hiệu quả.

Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) nêu rõ, dự thảo Luật quy định về sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước với 3 nhóm chi là: Chi phòng, chống, khắc phục hậu quả của thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh; chi dự trữ quốc gia, nhiệm vụ đối ngoại đột xuất, cấp bách; chi hỗ trợ cho ngân sách cấp dưới; chi hỗ trợ các địa phương khác.
Tuy nhiên, để kịp thời thực hiện chương trình viện trợ theo các hiệp định, cam kết phát sinh trong năm mà chưa bố trí dự toán, đại biểu đề nghị cần bổ sung nội dung "chi viện trợ theo các hiệp định" tại khoản 2 điều 10 dự thảo Luật. Theo đại biểu, chi viện trợ này là chi từ ngân sách nhà nước, ghi rõ trong kế hoạch tài chính công và thực hiện theo nội dung các hiệp định nên việc bổ sung vào dự phòng ngân sách nhà nước là hết sức cần thiết.
Góp ý về nguồn thu của ngân sách trung ương, quy định tại Điều 35, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị lựa chọn theo phương án 2, theo đó chỉ quy định trong dự thảo Luật về nguyên tắc, các nguồn thu phân chia và giao Chính phủ xây dựng phương án về tỷ lệ phân chia trình Quốc hội xem xét, quyết định, điều chỉnh. Đối với tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất, tại điểm g, phương án 2, khoản 2, điều 35 dự thảo Luật quy định: Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý quy định tại điểm h khoản 1 Điều này, các địa phương không nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 30%; ngân sách địa phương hưởng 70%. Các địa phương nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 20%; ngân sách địa phương hưởng 80%.
Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, nguồn thu tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng rất lớn, là nguồn lực chủ yếu để chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương, nguồn thu này không liên quan đến việc xác định cân đối ngân sách vì thu tiền sử dụng đất phụ thuộc vào việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nên có thể tăng mạnh hoặc giảm sâu từng năm; những năm thị trường bất động sản nóng, nguồn thu này có thể rất cao; ngược lại, khi thị trường trầm lắng, nguồn thu sụt giảm mạnh; nguồn thu này không phản ánh năng lực thu ngân sách cơ bản của nền kinh tế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc hạch toán số thu tiền sử dụng đất hiện nay bao gồm cả chi phí đầu tư hạ tầng, đại biểu đề nghị quy định thống nhất mức phân chia ngân sách trung ương hưởng 20%, địa phương hưởng 80%.
Tán thành với phương án 2, đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai) cho rằng, phương án này có tính linh hoạt cao hơn, cho phép điều chỉnh phân chia nguồn thu phù hợp với biến động thực tiễn về thu - chi ngân sách nhà nước, đồng thời phản ánh các thay đổi về cơ cấu nguồn thu theo xu hướng hiện đại (ví dụ như thuế tối thiểu toàn cầu, thuế số, thu từ tài nguyên mới...). Theo đại biểu, việc giao Chính phủ xây dựng phương án tỷ lệ cụ thể trình Quốc hội quyết định là cần thiết để nâng cao tính chủ động, thích ứng với đặc điểm từng địa phương trong từng giai đoạn.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và ổn định của hệ thống ngân sách, đại biểu Hà Đức Minh đề nghị bổ sung vào phương án 2 ràng buộc pháp lý cụ thể nhằm tránh làm suy giảm vai trò quyết định của Quốc hội. Cụ thể, đối với nội dung tại khoản h của phương án 2, cần bổ sung quy định khung tỷ lệ tối đa và tối thiểu phần ngân sách địa phương được hưởng đối với từng khoản thu (ví dụ thuế thu nhập doanh nghiệp địa phương được hưởng không dưới 20%, thuế bảo vệ môi trường không dưới 20%...).
Quy định Chính phủ phải công khai các tiêu chí, phương pháp và dữ liệu khi xây dựng tỷ lệ hưởng; đảm bảo về việc thực hiện tối thiểu 3 năm đối với mỗi kỳ thi hành phương án phân chia tỷ lệ để địa phương có cơ sở lập kế hoạch tài chính trung hạn. Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn về phạm vi, cơ sở của việc phân biệt các khoản thu "do địa phương quản lý" và "do cơ quan trung ương cấp phép" trong các khoản như tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường... để tránh chồng lấn và tạo động lực cho địa phương tăng thu hợp pháp.
Các đại biểu nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất quan trọng, có liên quan đến nhiều hoạt động kinh tế và tác động đến nhiều đạo luật cũng như tác động trực tiếp đến vấn đề quản lý, phân bổ nguồn lực của cả hệ thống chính trị, do đó, cần thiết phải đánh giá tác động một cách toàn diện và sâu sắc hơn các nội dung sửa đổi để bảo đảm tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện và tổ chức quản lý, sử dụng nguồn lực ngân sách hiệu quả.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, góp ý kiến cụ thể về các nội dung như: Phân chia nguồn thu của ngân sách trung ương; phân bổ và giao dự toán ngân sách; tạm cấp ngân sách cho các nhiệm vụ chi không thể trì hoãn được trong trường hợp dự toán ngân sách chưa được cấp có thẩm quyền quyết định; quy định thứ tự ưu tiên sử dụng nguồn tăng thu và số dự toán chi còn lại của cấp ngân sách; xem xét tăng mức thưởng cho địa phương đối với số tăng thu thuế xuất, nhập khẩu qua biên giới đất liền.../.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/dam-bao-tinh-minh-bach-cong-bang-va-on-dinh-cua-he-thong-ngan-sach-nha-nuoc-702604.html
Bình luận (0)