Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đánh thức di sản lễ hội: Cơ hội vàng cho du lịch Ninh Bình

Giữa dòng chảy hiện đại hóa, lễ hội truyền thống tại Ninh Bình đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng không ít thách thức. Sự gia tăng về số lượng cần đi kèm với chất lượng tổ chức và ý thức bảo tồn, nếu không, giá trị văn hóa có nguy cơ bị thương mại hóa và mai một theo thời gian.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch11/07/2025

Di sản lễ hội - kho báu văn hóa và động lực du lịch

Theo thống kê chưa đầy đủ, sau sáp nhập, tỉnh Ninh Bình hiện có khoảng hơn 5.000 di tích lịch sử, văn hóa và khoảng 750 lễ hội truyền thống được duy trì, tổ chức hàng năm. Riêng từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, hàng trăm lễ hội đã được phục dựng và khai mở, thu hút đông đảo người dân và du khách. Sự phong phú của lễ hội không chỉ thể hiện chiều sâu lịch sử mà còn là sản phẩm du lịch tâm linh hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - văn hóa của địa phương.

Lễ hội truyền thống, vốn là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, luôn gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng. Với các nghi lễ tế tự, diễn xướng, trò chơi dân gian… lễ hội là nơi cộng đồng bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, các bậc tiền nhân và anh hùng dân tộc, đồng thời tái hiện sinh động những giá trị văn hóa đã được chắt lọc qua nhiều thế hệ.

Đánh thức di sản lễ hội: Cơ hội vàng cho du lịch Ninh Bình - Ảnh 1.

Lễ hội Tràng An được tổ chức vào ngày 18/3 âm lịch hàng năm tại Khu du lịch sinh thái Tràng An để tưởng nhớ công ơn của đức Thánh Quý Minh Đại Vương.

Theo ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Ninh Bình, lễ hội chính là sự phản chiếu rõ nét truyền thống văn hóa cộng đồng, là biểu tượng của tinh thần cố kết làng xã được gìn giữ từ đời này sang đời khác. Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, lễ hội còn là nơi hội tụ, giao cảm giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ, giúp con người trở về với cội nguồn văn hóa và sống lại trong không gian thiêng liêng mang đậm bản sắc dân tộc. Nhạc sĩ Sỹ Thắng, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, cho biết cảm giác khi đến với lễ hội giống như được đắm mình trong dòng chảy văn hóa dân tộc, sống trọn vẹn trong những giây phút giao hòa thiêng liêng và sáng tạo cùng cộng đồng.

Bảo tồn giữa làn sóng thương mại hóa

Qua thực tế tổ chức các lễ hội lớn đầu Xuân tại Ninh Bình và nhiều địa phương khác cho thấy, giá trị của lễ hội không chỉ dừng ở khía cạnh văn hóa mà còn mang ý nghĩa kinh tế rõ nét. Trong bối cảnh phát triển du lịch bền vững, lễ hội trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, quảng bá hình ảnh đất và người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của lễ hội cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Một số lễ hội bị sân khấu hóa quá mức, tổ chức máy móc theo mô hình định sẵn, làm mất đi tính nguyên bản. Thậm chí, nhiều nơi còn xuất hiện tình trạng thương mại hóa, các hoạt động mê tín, gây ảnh hưởng đến không gian văn hóa lễ hội và cảm quan của du khách.

Bản chất của lễ hội là đa dạng và mang đậm sắc thái văn hóa vùng miền, song thực tế hiện nay cho thấy nhiều lễ hội bị đơn điệu hóa, khiến người dân và du khách cảm thấy nhàm chán. Việc tu bổ di tích không đúng quy chuẩn cũng làm biến dạng cảnh quan, ảnh hưởng đến tính nguyên trạng của các giá trị văn hóa vật thể. Theo ông Ngô Thanh Tuân, để khắc phục tình trạng này, trước hết cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị văn hóa - lịch sử của lễ hội, từ đó trân trọng, gìn giữ và phát huy một cách chủ động.

Song song, cần có biện pháp cụ thể để loại bỏ các yếu tố mê tín dị đoan, phản cảm trong lễ hội; phát huy vai trò của các đoàn thể như người cao tuổi, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh trong công tác tổ chức và quản lý, qua đó xây dựng ý thức trách nhiệm cộng đồng trong bảo tồn di sản văn hóa. Việc khuyến khích các nghệ nhân, người có hiểu biết về nghi lễ truyền thống tham gia hướng dẫn, truyền dạy cho thế hệ sau là giải pháp quan trọng để ngăn chặn nguy cơ mai một các giá trị văn hóa phi vật thể.

Công tác tổ chức và quản lý lễ hội cần được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt đối với các địa phương nằm trong vùng di sản. Bên cạnh tôn vinh các giá trị truyền thống và anh hùng dân tộc, việc phát huy tinh thần tự nguyện của cộng đồng trong tổ chức lễ hội, cùng với sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, sẽ tạo cú hích quan trọng để lễ hội không chỉ sống động trong đời sống văn hóa mà còn đóng góp hiệu quả vào sự phát triển du lịch và kinh tế địa phương.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/danh-thuc-di-san-le-hoi-co-hoi-vang-cho-du-lich-ninh-binh-20250711094941656.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm